Giáo dục - Học Đường
Trở lại “ngôi trường hạnh phúc”
Sau hơn 3 năm ngành Giáo dục huyện Hồng Dân triển khai xây dựng “lớp học hạnh phúc”, “ngôi trường hạnh phúc”, phong trào này đã lan tỏa đến từng cán bộ, giáo viên (GV), học sinh (HS) và phụ huynh…
Và giờ đây, chúng tôi có dịp quay trở lại “ngôi trường hạnh phúc” để cảm nhận sự yêu thương, sẻ chia giữa những người đồng nghiệp với nhau, giữa GV với HS.
Giáo viên và học sinh Trường tiểu học Lương Thế Vinh thực hiện các động tác chào buổi sáng trước khi vào lớp.
Phong trào ý nghĩa
Ông Lê Văn Phúc - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hồng Dân, cho biết: “Qua hơn 3 năm triển khai Kế hoạch về xây dựng “lớp học hạnh phúc”, phong trào này đã tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ quản lý, GV, nhân viên, hướng tới sự chuẩn mực trong ứng xử và đạo đức của nhà giáo, cũng như xây dựng môi trường giáo dục an toàn, yêu thương, tôn trọng. Với những thành công trên, năm học 2022 - 2023, ngành sẽ tiếp tục duy trì thực hiện phong trào để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong toàn ngành nói chung, các trường học nói riêng”.
Theo đó, hàng năm, các đơn vị đều xây dựng kế hoạch và phát động phong trào đến toàn thể GV, nhân viên trong đơn vị ngay từ đầu năm học. Tổ chức tuyên truyền đến phụ huynh để tạo được sự hưởng ứng và sự tin tưởng của phụ huynh khi con em mình được đến trường trong sự an toàn và vui vẻ.
Theo kinh nghiệm từ các đơn vị, để phong trào lan tỏa sâu rộng thì không phải chỉ có GV mới thay đổi mà bản thân người đứng đầu là hiệu trưởng nhà trường cần phải thay đổi đầu tiên. Bởi, nếu hiệu trưởng không thay đổi thì việc truyền tải phong trào tới các GV là rất khó. Người lãnh đạo phải truyền lửa đến GV qua các thông điệp “cho đi rồi mình sẽ được nhận lại”, trao cho các em niềm vui thì mình sẽ nhận được gấp bội, được các em HS quấn quýt, trò chuyện, yêu thương, mình sẽ cảm thấy rất vui và háo hức khi đến trường để gặp các em. Chia sẻ với GV rằng hướng tới lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc không phải là những chuyện gì to tát, không phải áp lực nặng nề, mà chỉ là những việc đơn giản hàng ngày HS thích. Thầy cô vui thì cố gắng lan tỏa để tạo nên môi trường giáo dục hạnh phúc.
Người lãnh đạo còn phải phân tích cho GV nhận thấy tất cả những hoạt động đã làm và sẽ làm không có gì là mới, mà đó đều là những việc nhằm củng cố, nâng cao chất lượng của các phong trào đã thực hiện nhiều năm như: “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”, “Xanh - sạch - đẹp” và đặc biệt là nhằm thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường để xứng với câu khẩu hiệu “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho HS noi theo”; đồng thời gắn cụ thể từng việc làm và từng hoạt động với từng phong trào để GV dễ hình dung, tránh lầm tưởng là làm thêm việc.
Ông Lê Văn Phúc khẳng định: “Nhìn chung, xây dựng “lớp học hạnh phúc”, “ngôi trường hạnh phúc” chỉ là những việc làm hàng ngày, không có gì “to tát, lớn lao”. Nếu mỗi cán bộ, GV ý thức được cách ứng xử của mình trong môi trường giáo dục thì sẽ mang lại hạnh phúc cho bản thân, tạo môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hạnh phúc cho HS”.
Học sinh Trường tiểu học Lương Thế Vinh hăng hái phát biểu trong giờ học. Ảnh: C.K
Đổi thay ở “ngôi trường hạnh phúc”
Sau 3 năm, chúng tôi có dịp quay trở lại “ngôi trường hạnh phúc”. Đó là Trường tiểu học Lương Thế Vinh (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) - một trong những đơn vị điển hình của ngành Giáo dục Hồng Dân. Bà Vũ Thị Thu Hà - Hiệu trưởng trường, chia sẻ: “Phong trào được nhà trường triển khai thực hiện đạt hiệu quả thiết thực thông qua các hoạt động giữa GV với phụ huynh và HS. Từ đó, tinh thần đoàn kết trong tập thể rất tốt, mọi công việc của nhà trường đưa ra đều nhận được sự đồng tình hưởng ứng cao của GV, phụ huynh, HS. Tất cả GV, nhân viên trường đều tích cực tham gia phong trào một cách thoải mái và tự nguyện, không ai cảm thấy gò bó hay bị bắt buộc. GV, nhân viên đã mạnh dạn chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống và trong công việc một cách cởi mở với Ban giám hiệu trường và cũng nhận được sự đóng góp, hỗ trợ nhiệt tình từ Ban giám hiệu. Đặc biệt, HS rất vui và hào hứng khi thực hiện các hoạt động làm việc, vui chơi cùng thầy cô, các em đã mạnh dạn hơn trong giao tiếp và mạnh dạn hơn trong việc chia sẻ, bày tỏ những khó khăn và mong ước của mình với thầy cô.
Không chỉ thế, phong trào còn lan tỏa đến người dân địa phương và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương, của phụ huynh. Từ đó giúp tăng cường sự phối hợp giáo dục HS của cả 3 nhân tố: nhà trường - gia đình - xã hội.
Giờ ra chơi của học sinh Trường tiểu học Lương Thế Vinh.
Được biết, bà Vũ Thị Thu Hà vừa được tham gia hội thảo “Thay đổi vì một trường học hạnh phúc” với chủ đề “Chọn yêu thương - chọn hạnh phúc” do kênh Truyền hình giáo dục quốc gia VTV7 đồng hành với Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP. Đà Nẵng. Bà là một trong 400 hiệu trưởng được lựa chọn từ hơn 3.000 nhà giáo tham gia đăng ký trong cả nước.
“Từ những kinh nghiệm qua hội thảo, trong năm học này, nhà trường tiếp tục phát huy và tổ chức các hoạt động một cách thường xuyên và phong phú, đa dạng hơn để lan tỏa phong trào đến toàn xã hội. Đặc biệt là sẽ tổ chức hướng dẫn và truyền cảm hứng đến GV để có các kỹ năng rèn luyện cảm xúc cho HS qua 5 bước cơ bản như: Nắm bắt cảm xúc của HS - Coi sự xúc động là cơ hội tốt - Lắng nghe và đồng cảm với cảm xúc của HS - Gọi tên cho cảm xúc - Dẫn dắt HS có hành động đúng đắn”, bà Vũ Thị Thu Hà cho biết.
Châu Khánh
- Mưa lớn kéo dài, toàn TP. Bạc Liêu bị ngập
- Từ ngày 1/12/2024, điều chỉnh diện tích, dân số Phường 3 và Phường 8 (TP. Bạc Liêu)
- Ký kết cho nông dân vay tín chấp trồng lúa đến 100 triệu đồng
- Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng điểm cơ sở tại huyện Phước Long
- TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn