Giáo dục - Học Đường
Trung tâm học tập cộng đồng: Thực trạng và giải pháp
Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) là mô hình giáo dục không chính quy, được tổ chức trên địa bàn xã, phường, thị trấn. TTHTCĐ có nhiệm vụ phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân, đặc biệt là người nghèo, người lao động không có điều kiện tới trường chính quy. Phát triển mô hình TTHTCĐ là xu thế tất yếu, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, đáp ứng mục tiêu xây dựng xã hội học tập. Tuy nhiên, để các TTHTCĐ hoạt động có hiệu quả cần những giải pháp mang tính đồng bộ, dài hơi, nhất là việc hoàn thiện bộ máy tổ chức, quản lý.
Hội Khuyến học tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động cho cán bộ các TTHTCĐ. Ảnh: Đ.K.C
Thực trạng tổ chức, hoạt động
Từ năm 2005 - 2008, toàn tỉnh có 46/61 xã, phường, thị trấn có TTHTCĐ. Sau Quyết định số 09 của Bộ GD-ĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của TTHTCĐ đã tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình này phát triển. Đến năm 2011, toàn tỉnh có 64/64 xã, phường, thị trấn có TTHTCĐ, đạt tỷ lệ 100%.
Theo thống kê sơ bộ của Hội Khuyến học tỉnh, năm 2015 - 2016, toàn tỉnh có 235 cán bộ quản lý/64 trung tâm; 485 báo cáo viên, cộng tác viên và 28 giáo viên biệt phái làm việc tại các TTHTCĐ. Tuy nhiên, hầu hết các trung tâm chưa có trụ sở riêng, phần lớn được bố trí 1 phòng tại UBND địa phương, trường học, thiết chế văn hóa, thư viện xã. Năm 2010, mỗi trung tâm được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước là 30 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị như máy tính, bàn ghế, tủ làm việc… Đến năm 2016, có 33/64 TTHTCĐ kết hợp với thiết chế văn hóa xã, bưu điện, thư viện; 51 trung tâm có tủ sách riêng. Song, khó khăn lớn nhất hiện nay của các trung tâm vẫn là thiếu kinh phí hoạt động, chi trả phụ cấp, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác truyền thông, sửa chữa, mua sắm thay thế những trang thiết bị đã hư hỏng…
Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng nhiều trung tâm vẫn hoạt động rất hiệu quả, nhất là sau khi UBND tỉnh triển khai Kế hoạch số 44 về thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập (XDXHHT) giai đoạn 2012 - 2020. Theo đó, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của ngành Giáo dục địa phương, các TTHTCĐ từng bước được củng cố, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng tốt các nhu cầu về thông tin, hoạt động văn hóa - văn nghệ, hiểu biết pháp luật, bồi dưỡng nâng cao trình độ về khoa học - kỹ thuật, dạy nghề truyền thống… cho người dân. Nhiều trung tâm đã trở thành điểm đến của bà con các địa phương trong việc nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Năm 2015, toàn tỉnh có 20 TTHTCĐ hoạt động tốt, 16 trung tâm hoạt động khá, 24 trung tâm hoạt động trung bình, 4 trung tâm hoạt động yếu. Số người tham gia chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ là 164 người; học nghề ngắn hạn là 15.687 người; tham gia học các chuyên đề hơn 94.000 lượt người theo các hình thức tổ chức học tập: cụm, nhóm lớp, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ…
Giải pháp để các TTHTCĐ phát huy hiệu quả
Dù gặt hái được thành công bước đầu, nhưng theo đánh giá của Hội Khuyến học tỉnh, ngành Giáo dục các địa phương thì hiện nay toàn tỉnh chỉ có khoảng 30% TTHTCĐ hoạt động thật sự có hiệu quả. Bởi lẽ, phần lớn Ban giám đốc các trung tâm thường xuyên thay đổi, các tổ chuyên môn chưa tâm huyết trong công tác giúp việc; kinh phí cho công tác điều tra, thu thập thông tin, nhu cầu học tập của người dân không có; công tác tuyên truyền về vai trò của trung tâm đến cán bộ, người dân còn nhiều yếu kém. Đó là chưa kể việc phối hợp của trung tâm với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong hoạt động phổ biến, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới...
Để thực hiện tốt kế hoạch XDXHHT giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn tỉnh, cũng như phát huy có hiệu quả vai trò của các TTHTCĐ tại địa phương, thời gian tới các trung tâm cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích, ý nghĩa của việc XDXHHT. Theo đó, nên lồng ghép tổ chức các hình thức tuyên truyền phong phú thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trường, cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư…; phát động phong trào thi đua XDXHHT gắn với xây dựng nông thôn mới, gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, đơn vị học tập, cộng đồng học tập…
Song song đó, các trung tâm cần phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương tổ chức các hoạt động học tập suốt đời; củng cố, kiện toàn kịp thời Ban quản lý TTHTCĐ khi có thay đổi về nhân sự; nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, số lượng cộng tác viên để đảm bảo hoạt động bền vững. Bên cạnh đó, cần phát triển mô hình TTHTCĐ kết hợp với trung tâm văn hóa - thể thao xã, phường, thị trấn để phát huy hiệu quả tối ưu; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả hoạt động qua từng năm nhằm kịp thời biểu dương, nhân rộng những nhân tố điển hình.
Kim Trúc
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Nhiệm kỳ tới, huyện Hồng Dân sẽ khác xa so với hiện tại
- Bạc Liêu tham gia gian hàng trưng bày tại Tuần lễ sản phẩm OCOP 2024 ở TP. Hồ Chí Minh
- Trao giải Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật về nông thôn mới và chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024
- Hiệu quả từ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam
- Hành vi mua bán thuốc lá điếu nhập lậu sẽ bị pháp luật xử phạt như thế nào?