Giáo dục - Học Đường

Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu: Đào tạo nghề chất lượng cao cho mục tiêu “thủ phủ” ngành tôm

Thứ Sáu, 28/10/2022 | 16:48

Một trong 5 trụ cột quan trọng và được xác định là thế mạnh đặc thù của tỉnh Bạc Liêu chính là nuôi trồng thủy sản (NTTS) với con tôm là mặt hàng chủ lực. Vì thế, Bạc Liêu đã và đang nỗ lực xây dựng tỉnh trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cảớc. Song, để hoàn thành mục tiêu chiến lược này, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phải được xem là giải pháp ưu tiên hàng đầu.

Học viên Khoa Nông nghiệp - thủy sản tham gia thi tay nghề.

THIẾU NHÂN LỰC

Bạc Liêu là một trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước được xác định là giàu tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển.

Với 56km bờ biển, cùng với hệ thống kênh rạch tương đối lớn được nối với nhau thành một hệ thống liên hoàn cùng có nhiều cửa sông, kênh rạch lớn thông ra biển như: Nhà Mát, Chùa Phật, Cái Cùng và Gành Hào đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho Bạc Liêu phát triển mạnh nghề nuôi tôm nước lợ. Tổng diện tích hơn 140.140ha chuyên nuôi tôm/144.057ha đất NTTS được bố trí sản xuất theo từng mô hình đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Trong đó, có những mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao như: nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, tôm - lúa, tôm - rừng, tôm và quảng canh cải tiến kết hợp…

Thời gian qua, nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng về diện tích, sản lượng và tính đến thời điểm hiện nay đã vượt lên con số trên 4.190ha, với 18 công ty, doanh nghiệp và 711 hộ dân tham gia sản xuất. Qua thống kê nhiều năm cho thấy, mô hình sản xuất này cho tỷ lệ thành công trung bình đạt trên 65%.

Từ những con số cụ thể trên đã thể hiện rất rõ vị trí, vai trò của NTTS, mà trọng điểm là nuôi tôm nước lợ, đặc biệt là nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, quyết định trực tiếp đến tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến tôm xuất khẩu, với mỗi năm đem về gần 800 triệu USD. Đến nay, NTTS được xác định là trụ đỡ quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Tuy nhiên, thách thức lớn của ngành Nuôi trồng và chế biến thủy sản hiện nay chính là nguồn nhân lực. Đến nay, các doanh nghiệp, công ty hoạt động trong ngành Nuôi trồng, chế biến thủy sản đều than khan hiếm và thiếu nguồn lao động. Do vậy, việc phát triển mạnh ngành Nuôi trồng và chế biến thủy sản có tay nghề, trình độ cao được xem là nhu cầu bức thiết hiện nay trong việc góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước.

Đào tạo nghề chế biến và bảo quản thủy sản tại Khoa NN-TS. Ảnh: T.A

NHIỀU CƠ HỘI SAU ĐÀO TẠO

Để khai thác thế mạnh kinh tế đặc thù này và góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu đã thành lập Khoa Nông nghiệp - Thủy sản (NN-TS) mà tiền thân là Khoa Kỹ thuật được thành lập từ năm 2003.

Khoa NN-TS là đơn vị quản lý chuyên môn trực thuộc Ban giám hiệu, có chức năng tổ chức các hoạt động chuyên môn, giảng dạy; nghiên cứu phát triển các chuyên ngành đào tạo thuộc lĩnh vực NN-TS và các hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Nhiệm vụ chủ yếu của Khoa NN-TS là đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật thuộc các lĩnh vực ngành NN-TS, cán bộ nghiệp vụ thuộc các ngành kỹ thuật; thực hiện nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào  nghiệp vụ thực tiễn sản xuất nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các cơ quan nhà nước thuộc các ngành kinh doanh dịch vụ, các đơn vị sản xuất - kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế của tỉnh Bạc Liêu và các vùng lân cận.

Hiện Khoa NN-TS có 12 cán bộ, giáo viên, nhân viên (trong đó có 1 Trưởng khoa, 1 Phó trưởng khoa, 1 trợ lý, 8 giáo viên và 1 nhân viên phòng thí nghiệm). Về trình độ chuyên môn, có 2 tiến sĩ và 7 thạc sĩ.

Trong công tác giảng dạy, tập thể giáo viên của Khoa luôn chú trọng “Rèn đức, luyện nghề, tận tụy vì học sinh”, đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện giảng dạy sát với điều kiện thực tiễn sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Kết quả sau khi ra trường, học sinh, sinh viên của Khoa có việc làm ổn định, thu nhập khá tốt và một số em tiếp tục học liên thông lên đại học, sau đại học. Điều này thể hiện sự chấp nhận của xã hội đối với sản phẩm đào tạo của Khoa NN-TS nói riêng và nhà trường nói chung.

Hằng năm, giáo viên Khoa NN-TS đều đạt được thành tích cao trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi các cấp, giáo viên giỏi nghề do nhà trường tổ chức. Thực hiện dạy học theo phương thức đào tạo mô-đun, đồng thời tập trung biên soạn giáo trình, bài giảng, giáo án và dạy học theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện. Công tác đánh giá kết quả học tập của học sinh - sinh viên cũng được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực thực hiện nghề nghiệp, phù hợp với trình độ người học. Hằng năm cán bộ, giáo viên Khoa tích cực đăng ký và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm; tham gia phản biện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh do Sở GD-KH&CN nghiệm thu. Hiện Khoa NN-TS đào tạo các ngành nghề đào tạo gồm: NTTS, Chế biến và Bảo quản thủy sản, Chăn nuôi thú y, Trồng trọt bảo vệ thực vật với các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng…

Đến với Khoa NN-TS, học sinh - sinh viên sẽ có điều kiện học tập, nghiên cứu trong môi trường được đầu tư, trang bị các thiết bị, công nghệ giảng dạy hiện đại. Đồng thời, có điều kiện tiếp cận các công ty, doanh nghiệp sản xuất, nuôi trồng và chế biến thủy sản hàng đầu của tỉnh. Qua đó, tạo điều kiện giải quyết việc làm sau đào tạo, có điều kiện phát triển, thăng tiến và trở thành những nhà quản lý.

Tú Anh

------------------------------

* Về hình thức đào tạo

Tại Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu, ngành nghề NTTS được đào tạo với các hình thức đa dạng gồm hệ chính quy, hệ vừa làm vừa học và đào tạo ngắn hạn.

* Về nội dung đào tạo

Chương trình đào tạo ngành nghề NTTS trang bị cho người học những kiến thức và hình thành các kỹ năng về: sản xuất giống và nuôi thương phẩm một số động vật thủy sản có giá trị kinh tế, tạo ra sản phẩm thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu; góp phần sử dụng tài nguyên đất, nước có hiệu quả.

* Về cơ hội việc làm

Sau khi tốt nghiệp, người học có năng lực đáp ứng các yêu cầu tại các vị trí việc làm của ngành nghề bao gồm: 

Sản xuất giống động vật thủy sản nước ngọt; sản xuất giống động vật thủy sản nước mặn, lợ; nuôi thương phẩm động vật thủy sản nước ngọt; nuôi thương phẩm động vật thủy sản nước mặn, lợ; phòng và trị bệnh động vật thủy sản;  tư vấn, dịch vụ thủy sản…

Chính vì vậy, NTTS là ngành học tiềm năng, hầu hết học sinh - sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu ra trường đều có việc làm ổn định với mức thu nhập cao.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.