Giáo dục - Học Đường
Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu: Đào tạo nguồn nhân lực gắn với “5 trụ cột”
Để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) xác định tập trung phát triển “5 trụ cột” và chọn phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược của tỉnh. Song, đã gần nửa nhiệm kỳ, đột phá về nguồn nhân lực vẫn còn là câu chuyện đáng bàn, nhất là trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo nên những sức mạnh to lớn mà nguồn nhân lực được xác định là nhân tố quan trọng nhất.
Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu được đầu tư khang trang và hiện đại.
THIẾU NGUỒN NHÂN LỰC
Phân tích các chỉ số thành phần trong nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy, chỉ số đào tạo lao động (CSĐTLĐ) luôn trở thành mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp và chỉ số này liên tiếp bị giảm điểm trong nhiều năm liền.
Kết quả, CSĐTLĐ năm 2021 của tỉnh Bạc Liêu được 5,37 điểm, giảm 0,19 điểm và đứng 47/63 tỉnh, thành cả nước. Đây là năm thứ hai liên tiếp CSĐTLĐ bị giảm điểm. Trong đó, có nhiều chỉ tiêu bị cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất thấp, như: chỉ tiêu “Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc tại địa phương đã qua đào tạo” xếp hạng thứ 63/63; chỉ tiêu “Tỷ lệ chi phí đào tạo lao động trong tổng chi phí kinh doanh” xếp hạng thứ 52/63 (chỉ tiêu có kỳ vọng thấp và giảm 50 bậc so với năm 2020).
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém này là do công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt thấp. Trong đó, tư tưởng “thích làm thầy hơn làm thợ” là nguyên nhân cơ bản nhất. Bên cạnh đó, cơ cấu tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp còn bất cập, tỷ lệ lao động tham gia đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng chiếm trên 87% so với tổng số tuyển sinh hàng năm. Đây là nguyên nhân cơ bản làm cho chất lượng nguồn nhân lực đạt thấp và không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, một hạn chế nữa là công tác phối hợp rà soát, thống kê, nắm nhu cầu lao động của doanh nghiệp chưa được ngành quản lý và các địa phương quan tâm kịp thời nên không đáp ứng được nhu cầu cần tuyển dụng lao động và doanh nghiệp của tỉnh luôn trong tình trạng khan hiếm lao động.
Từ những bất cập trên cho thấy, các ngành, địa phương cần khẩn trương xây dựng một chiến lược cho công tác phân luồng và khuyến khích lao động tham gia học nghề. Cần tuyên truyền cho học sinh khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường và cần xóa bỏ định kiến vốn ăn sâu trong cách nghĩ của nhiều người là sau khi tốt nghiệp THPT thì phải học đại học, hoặc chạy theo chủ nghĩa bằng cấp mà xem nhẹ việc học nghề - đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp, “thừa thầy, thiếu thợ”. Đồng thời, các ngành, địa phương cần tính đến nhu cầu của ngành mình, địa phương mình, từ đó chủ động liên kết với các trường dạy nghề tổ chức dạy nghề theo đơn đặt hàng, nhằm góp phần phát huy tốt nguồn nhân lực và thật sự tạo ra những đột phá về nguồn nhân lực như Nghị quyết BCH Đảng bộ tỉnh đã xác định.
Sinh viên ngành Nuôi trồng thủy sản trong giờ thực hành. Ảnh: T.A
TRƯỜNG CHẤT LƯỢNG CAO
Với thương hiệu và kinh nghiệm là trường đào tạo nghề hàng đầu của tỉnh, Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (KT-KT) Bạc Liêu đã xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Với sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nhân lực có kỹ năng, có trình độ tay nghề cao gắn với mục tiêu xây dựng đội ngũ lao động “vừa hồng, vừa chuyên” và phát triển toàn diện, qua đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Đồng thời, thực hiện thắng lợi Nghị quyết BCH Đảng bộ tỉnh lần (thứ XVI) xác định “Tỷ lệ lao động qua đào tạo 73,35%; trong đó: tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chứng chỉ, bằng cấp đạt 28,69%”.
Để thực hiện những quan điểm chỉ đạo và các mục tiêu về đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu đã và đang đa dạng hóa ngành nghề đào tạo gắn với “5 trụ cột” phát triển chiến lược của tỉnh.
Theo đó, Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu xác định: vừa phải đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, vừa đào tạo phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động (đặc biệt là ở nông thôn). Cũng như, tổ chức đào tạo lại cho người lao động trong doanh nghiệp để thích ứng với sự thay đổi, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và phù hợp, thích ứng với hội nhập kinh tế toàn cầu. Vì vậy, Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu không chỉ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Bạc Liêu, mà còn cho cả vùng bán đảo Cà Mau.
Vì vậy, Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu đã và đang tập trung phát triển, đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, bài giảng, phương thức đào tạo, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo năng lực thực hiện. Chú trọng biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và chính trị cho đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao GDNN của nhà trường. Tiếp tục tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, đa dạng hóa loại hình, phát triển quy mô đào tạo theo nhu cầu xã hội; đẩy mạnh liên kết đào tạo đại học và sau đại học. Tăng cường hợp tác với nhiều sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp thực hiện đào tạo theo địa chỉ, gắn đào tạo với sử dụng lao động…
Hiện nay, Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu được đầu tư đồng bộ, tọa lạc tại số 01, đường Nguyễn Thị Đương, khóm 1, Phường 1, TP. Bạc Liêu. Tổng diện tích sử dụng là 20.740m2, với đầy đủ hệ thống giảng đường, phòng học lý thuyết, phòng thí nghiệm, thực hành và các phòng chức năng đạt chuẩn.
Cùng với cơ sở giảng dạy, Trường còn có Trung tâm Thực nghiệm - Sản xuất, tọa lạc tại ấp Nước Mặn (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) với diện tích 41.376m2.
Hiện trường có 38 ngành nghề và trình độ đào tạo gồm: trình độ cao đẳng 5; trình độ trung cấp 11; trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 22.
Hình thức đào tạo: hình thức chính quy và đào tạo thường xuyên.
Phương thức tổ chức đào tạo: Trường đang duy trì 2 phương thức tổ chức đào tạo: đào tạo theo niên chế và đào tạo theo tích lũy mô-đun.
Kiết Tường
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024
- Họp báo giới thiệu Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025
- Gần 60 doanh nghiệp lữ hành khảo sát tiềm năng phát triển du lịch nông thôn tỉnh Bạc Liêu
- UBND tỉnh tổ chức thực tập phương án chữa cháy
- Huyện Phước Long: Khánh thành 2 cây cầu giao thông nông thôn