Nhằm đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất - kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động…, Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (KT-KT) Bạc Liêu đã không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.
Phát huy tính năng động, sáng tạo của người dạy và người học tại Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu.
XU THẾ TẤT YẾU
Vấn đề đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) theo năng lực thực hiện (NLTH) là một trong những giải pháp quan trọng, quyết định đến chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực của cơ sở đào tạo, khẳng định vị thế của cơ sở đào tạo trong xu thế cạnh tranh, hội nhập để đáp ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội. Tiếp tục phát huy kết quả này và khẳng định thương hiệu của một trường dạy nghề hàng đầu của khu vực Bán đảo Cà Mau và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Trường cao KT-KT Bạc Liêu tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên về ý nghĩa và sự cần thiết của đổi mới PPDH theo hướng tiếp cận NLTH và xem đây là xu hướng tất yếu trong dạy nghề. Từ đó tự giác, tích cực học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp; chủ động vận dụng kỹ thuật và PPDH đáp ứng yêu cầu của dạy học theo tiếp cận NLTH; tích cực, chủ động đề xuất những giải pháp và cụ thể hóa thành những hành động thiết thực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, tập trung đổi mới chương trình và nội dung đào tạo. Đó là chương trình đào tạo cần được kết cấu theo các mô-đun NLTH, các nội dung giảng dạy trong mô-đun phải được xây dựng theo hướng “tiếp cận NLTH” trên cơ sở tổ hợp các năng lực cần có của người lao động trong thực tiễn. Cần loại bỏ triệt để những môn học, những nội dung hàn lâm, lý thuyết thiếu tính thiết thực, chú trọng yêu cầu phát triển năng lực hành nghề thích ứng nhanh với những biến đổi trong lao động nghề nghiệp. Đồng thời, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học tập của người học, chuyển từ đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá theo NLTH, chú trọng đến sản phẩm đầu ra, không chỉ là kiến thức, kỹ năng, thái độ mà còn là khả năng vận dụng, ứng dụng những kỹ năng, năng lực được học để đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của xã hội và hoàn thành tốt công việc đảm nhiệm.
Hội thi nhà giáo dạy giỏi (nghề nuôi trồng thủy sản tại Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu). Ảnh: K.T
PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN
Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong đổi mới PPDH theo NLTH chính là phải phát triển đội ngũ giáo viên đủ số lượng, bảo đảm chất lượng đồng bộ về cơ cấu ngành nghề đào tạo. Đây là một yêu cầu tất yếu và là khâu đột phá có tính chất quyết định cho việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp hiện nay.
Vì vậy, nhà trường đặc biệt chú trọng các nội dung sau: Xây dựng, kiện toàn đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về trình độ, chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, với cơ cấu hợp lý. Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo NLTH gắn với tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong toàn bộ các khâu của quá trình dạy học theo NLTH như: Năng lực thiết kế bài giảng (gồm năng lực chuẩn bị thiết kế bài học - nhất là bài giảng điện tử, giúp người học không chỉ học ở trên lớp mà có thể học ở mọi nơi, mọi lúc; năng lực sử dụng các phương pháp dạy học, trong đó chú trọng dạy học tích hợp và kỹ thuật tổ chức dạy học theo NLTH; năng lực sử dụng phương tiện, thiết bị dạy học hiện đại, phương tiện dạy học số; năng lực tổ chức học tập; năng lực giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ; năng lực xử lý tình huống sư phạm; năng lực biên soạn công cụ đánh giá, năng lực sử dụng các công cụ đánh giá, năng lực vận dụng thành thạo và linh hoạt các phương pháp và kỹ thuật kiểm tra, đánh giá; năng lực lập kế hoạch dạy học; năng lực tổ chức dạy học; năng lực điều khiển quá trình dạy học, nhất là năng lực thực hiện và kiểm soát được mục tiêu dạy học; năng lực hướng dẫn học sinh - sinh viên (HS-SV) tự học, tự nghiên cứu; năng lực tự kiểm tra, đánh giá thực hiện; tăng cường và nâng cao chất lượng đi học tập thực tế của giáo viên tại cơ sở để trải nghiệm, rèn kỹ năng nghề và tìm hiểu những yêu cầu đòi hỏi thực tế về năng lực nghề nghiệp cần có đối với người lao động.
Cùng với đó trường cũng chú trọng bồi dưỡng kinh nghiệm thực tiễn và năng lực nghề nghiệp trong kỷ nguyên số. Phát huy năng lực tự học, tự bồi dưỡng của đội ngũ giáo viên. Huy động nguồn lực xã hội tham gia giảng dạy từ các chuyên gia, kỹ sư, người lao động giỏi, nghệ nhân có chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm được lựa chọn tham gia giảng dạy chuyên môn, hướng dẫn thực hành, rèn nghề tại doanh nghiệp, giảng dạy quy trình công nghệ mới và các chuyên đề cần thiết khác…
THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP
Để đổi mới PPDH theo NLTH, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học theo hướng tiếp cận NLTH. Trong đó, tăng cường đầu tư các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy học, thực hành, thực nghiệm và sản xuất đáp ứng theo yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Song song đó, bồi dưỡng phương pháp tự học, tự nghiên cứu cho HS-SV, bởi khi đổi mới PPDH theo hướng tiếp cận NLTH phải có sự hợp tác cả của thầy và trò, sự phối hợp nhịp nhàng hoạt động dạy với hoạt động học thì mới thành công. Trong đó, giáo viên phải hướng dẫn cho người học cách tự học, cách thu thập và xử lý thông tin, thay vì chỉ tập trung dạy kiến thức; tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học, làm cho người học trở thành chủ thể nhận thức trong quá trình dạy học; chú trọng hình thành và phát triển kỹ năng thực hiện. Đồng thời, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui và truyền cảm hứng cho người học. Hướng dẫn cho người học tự kiểm tra, tự đánh giá năng lực của mình trong học tập để từ đó có kế hoạch học tập cho bản thân đạt được những NLTH theo yêu cầu của nghề.
Mặt khác, đa dạng hình thức tổ chức dạy học theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, dễ tiếp cận; tăng cường hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo thông qua hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tham gia đào tạo, hỗ trợ thực hành, thực tập đến việc kiểm tra, đánh giá tay nghề của HS-SV. Kết hợp đào tạo kiến thức và kỹ năng cơ bản tại trường với đào tạo kỹ năng nghề nghiệp tại cơ sở. Tăng cường các buổi sinh hoạt ngoại khóa, mời báo cáo viên, các chuyên gia tại doanh nghiệp, cựu HS-SV của trường đến giao lưu, chia sẻ, nói chuyện chuyên đề để HS-SV học tập, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn nghề nghiệp; tăng cường quản lý chất lượng đầu ra, chuẩn hóa đầu ra và các điều kiện bảo đảm chất lượng; công khai về chất lượng, các điều kiện bảo đảm chất lượng; kiểm tra, giám sát quá trình dạy - học để kịp thời phát hiện những biểu hiện bất cập trong tiến trình đổi mới PPDH nói chung và theo hướng tiếp cận NLTH; có cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên, tạo động lực, niềm cảm hứng đối với đội ngũ giáo viên tích cực đổi mới PPDH…
MẠNH CƯỜNG