Giáo dục - Học Đường
Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu: Những đột phá chiến lược trong công tác đào tạo nguồn nhân lực
Với quy mô đào tạo trên 1.300 học sinh, sinh viên ở các cấp trình độ (sơ, trung cấp, cao đẳng và liên thông đại học) hằng năm, Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu (BTEC) đã có nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động tại địa phương và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu tổng kết công tác tuyển sinh 2024.
“KIM CHỈ NAM” CHO ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN
Phát huy thành tựu đó, năm 2025 và những năm tiếp theo, BTEC sẽ thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện trong công tác tuyển sinh và đào tạo, đảm bảo mở rộng quy mô, đa dạng ngành, nghề đào tạo, đa dạng nguồn nhân lực và đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Phải khẳng định rằng, Đề án “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” là “kim chỉ nam” xuyên suốt đối với tập thể, đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhằm bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và khẳng định vai trò của một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề chất lượng. Theo đó, nhà trường đã và đang tập trung thực hiện, vận dụng linh hoạt 6 nhiệm vụ trọng tâm, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác tuyển sinh, gồm: Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về lĩnh vực GDNN trong xã hội để thu hút người học quan tâm; Coi trọng công tác truyền thông và phát huy sức mạnh truyền thông, lan tỏa thương hiệu chất lượng đào tạo của nhà trường tới xã hội, cũng như đẩy mạnh truyền thông định hướng chọn trường, chọn nghề cho các em học sinh cấp THCS, THPT, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh lân cận; Đầu tư, thu hút, phát triển nguồn nhân lực tuyển sinh thông qua các chương trình bồi dưỡng, tập huấn và bố trí sử dụng nguồn lực tuyển sinh phù hợp, có chế độ đãi ngộ với nguồn lực làm công tác tuyển sinh; Phát huy nguồn nhân lực cộng đồng trong công tác tuyển sinh, thu hút đội ngũ cộng tác viên tuyển sinh cho nhà trường; Xây dựng văn hóa học đường tích cực, tạo lập môi trường Dạy - Học, Rèn nghề - Khởi nghiệp với thông điệp “Nhà trường hạnh phúc”; Cam kết với xã hội về chất lượng đào tạo nghề, đảm bảo cơ hội việc làm cũng như khả năng tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.
Cùng với đó, nhà trường cấu trúc lại hệ thống chương trình đào tạo, cơ cấu ngành nghề đào tạo trong GDNN ở các cấp trình độ, không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn giảng dạy và kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên ở các nhóm ngành nghề kinh tế - dịch vụ, kỹ thuật - công nghệ, văn hóa - nghệ thuật. Tạo cơ hội cho sinh viên được học đại học, nhà trường đã phối hợp cùng các Trường đại học Điện Lực, Đại học Trà Vinh, Đại học Thanh Hóa đào tạo các chuyên ngành Kế toán, Thú y, Luật.
Học sinh - sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu tham quan hướng nghiệp tại TP. Cần Thơ. Ảnh: T.A
ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT, HỢP TÁC
Thực hiện Đề án về phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, BTEC sẽ khai thác và phát huy tối đa nguồn lực tại chỗ: Nhà giáo cơ hữu (mỗi người giỏi một nghề biết nhiều nghề), viên chức (mỗi người giỏi một việc biết nhiều việc).
Bên cạnh đó, nhà trường thu hút và tuyển dụng nguồn nhân lực, cùng hợp tác huy động nguồn lực với các đối tác tham gia đào tạo (đối tượng là cán bộ, kỹ sư tại doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học…).
Song song đó, nhà trường sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự làm công tác tuyển sinh theo hướng chuyên nghiệp, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Chú trọng đổi mới phương thức, chế độ làm việc của bộ máy, nhân sự làm công tác tuyển sinh, hình thành các nhóm chuyên trách gắn với phương thức làm việc nhóm, theo sự phân công giao việc và đặt hàng thực hiện nhiệm vụ, chi trả theo kết quả, hiệu quả mang lại. Xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác tuyển sinh vừa là những người dạy giỏi, vừa là người tuyên truyền viên giỏi, là người làm công tác xã hội tốt và đặc biệt là kỹ năng giao tiếp cộng đồng tốt giống như người “thủ lĩnh cộng đồng”.
BTEC đã và đang quan tâm, tăng cường đầu tư thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút các đối tượng người học và cộng đồng đến với nhà trường. Vận dụng cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội doanh nghiệp và cộng đồng dành cho người học; chú trọng phát triển các loại hình tư vấn dịch vụ người học, đầu tư đáp ứng các điều kiện đảm bảo chăm lo đời sống, học tập, vui chơi - giải trí, văn hóa tinh thần cho người học, thực hiện tốt các cam kết chia sẻ - đồng hành, trách nhiệm với người học. Nhà trường kiến tạo môi trường học tập tích cực, gắn trải nghiệm và mang lại giá trị bản thân cho người học với phương châm hành động của nhà trường là lấy người học làm trung tâm - “Đồng hành cùng người học sáng tạo, cùng người học phát triển”.
Có thể nói, việc đổi mới trong công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực ở các nhóm ngành nghề của nhà trường được triển khai thực hiện đúng với pháp chế GDNN, phù hợp với điều kiện đáp ứng của nhà trường cũng như thích ứng với nhu cầu phát triển của xã hội. Ngay cả những ngành nghề mà trường chưa có điều kiện đăng ký hoạt động GDNN nhưng xã hội có nhu cầu như các nghề du lịch, nghề trọng điểm quốc gia, nhà trường đã chủ động, linh hoạt liên kết với các cơ sở GDNN cùng tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh, đào tạo.
BTEC cũng liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học trong công tác tuyển sinh, đào tạo theo địa chỉ, nhu cầu của sở, ngành tại địa phương. Nhà trường cũng ký kết hợp đồng hợp tác với các cơ sở giáo dục phổ thông, Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên trong và ngoài tỉnh về tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh và tổ chức đào tạo. Đặc biệt, những năm qua, BTEC đã hợp tác, gắn kết với các doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp theo mô hình “đào tạo kép” - vừa đào tạo tại trường, vừa đào tạo tại doanh nghiệp, giúp người học nắm bắt và phát triển kỹ năng nhanh chóng, đúng với nghề đã chọn học.
Với phương châm “chủ động, sáng tạo”, BTEC đã linh hoạt chuyển dịch phương thức đào tạo từ hướng cung sang hướng đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động và đào tạo theo “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp. Cũng như, nắm bắt xu hướng hội nhập và thích ứng với thị trường lao động theo hướng cầu, nhà trường đặc biệt coi trọng đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên; tăng cường hoạt động kỹ năng giao tiếp, giúp cho người học sau khi tốt nghiệp có được vốn tri thức và kỹ năng sống, hình thành giá trị phẩm chất, đạo đức công dân, mang lại nhiều giá trị cho bản thân trong quá trình học tập tại trường. Đồng thời, đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động và cộng đồng, góp phần đắc lực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, tuyển sinh - đào tạo gắn với giải quyết việc làm là “mắt xích” quan trọng để khẳng định chất lượng đào tạo, cơ hội đầu ra đảm bảo có việc làm bền vững cho người học nghề. Sự “sống còn” của cơ sở GDNN chính là đào tạo ra nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng nghề nghiệp chuẩn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, nhất là các doanh nghiệp đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao.
Xuất phát từ mục tiêu đó, BTEC đã đẩy mạnh hợp tác 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, đào tạo. Theo đó, nhà trường và doanh nghiệp cùng đa dạng hóa các hình thức hợp tác như: Xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, tổ chức ký kết đặt hàng của doanh nghiệp, liên kết đào tạo giữa trường và doanh nghiệp. Hai bên cùng hợp tác cho học sinh, sinh viên vừa học vừa làm tại nhà trường và doanh nghiệp, vừa để nâng cao kỹ năng nghề cho người học, vừa hỗ trợ doanh nghiệp bổ sung nguồn nhân lực đang thiếu hụt…
Nhà giáo ưu tú - Tiến sĩ, Trần Công Chánh
Hiệu trưởng BTEC
- Gần 300 học sinh, sinh viên tham gia hội thao chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên
- Huyện Hòa Bình: Gần 750 thí sinh thi học sinh giỏi lớp 9 và viết chữ đẹp cấp tiểu học
- Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 5
- Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng kiểm tra công tác triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Vĩnh Lợi
- Nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới