Giáo dục - Học Đường
Vào đại học bằng những con đường khác
Không quá khi nói rằng với cách “tận tuyển” mà nhiều trường đại học (ĐH) đang áp dụng hiện nay thì thí sinh sẽ “rất khó” để rớt ĐH! Song, dù cánh cổng vào giảng đường có thênh thang rộng mở đến đâu thì thí sinh và phụ huynh cũng phải thật cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, đừng để lạc vào “ma trận” tuyển sinh của các trường để rồi phải ân hận về sau.
Học sinh lớp 12CA1 (Trường THPT Giá Rai) ôn tập nhóm chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Đ.K.C
Vét thí sinh bằng mọi cách
Không thể phủ nhận việc các trường ĐH đa dạng hình thức tuyển sinh, mở thêm nhiều ngành nghề “hot” với nhiều tổ hợp xét tuyển mới theo nhu cầu xã hội, cũng như kết nối với các doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sinh viên… đã tạo cơ hội và mở ra nhiều con đường khác nhau để thí sinh đến gần hơn với giảng đường ĐH. Tuy nhiên, việc gì cũng có mặt trái của nó.
Cụ thể là hơn 2 tuần qua, chúng tôi nhận được rất nhiều phản ánh của học sinh (HS) khối 12 các trường về việc các em liên tục nhận được tin nhắn, cuộc gọi từ các trường ĐH, cao đẳng. Cao điểm có hôm các em nhận hơn 10 cuộc gọi, tin nhắn để tư vấn, thuyết phục theo học tại các trường. Nhiều em cho rằng áp lực từ việc ôn luyện đã khá mệt mỏi, nay còn “stress” hơn khi bị các trường ĐH săn đón, đưa vào diện “chăm sóc đặc biệt”.
Càng bất ngờ hơn khi có em bảo rằng bản thân chưa hề nộp hồ sơ hay cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ cơ sở giáo dục ĐH nào nhưng vẫn nhận được những cuộc gọi, tin nhắn của trường ĐH thông báo đã trúng tuyển, kèm theo đó là các hướng dẫn chi tiết làm thủ tục để hoàn tất hồ sơ nhập học.
Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, ngoài các trường hợp HS giỏi quốc gia được xét tuyển thẳng, hay HS giỏi cấp tỉnh tham gia viết bài luận để ưu tiên xét tuyển theo yêu cầu của các trường ĐH công lập, thì hiện tại có hơn 90% HS khối 12 trúng tuyển ít nhất 1 trường ĐH (dân lập) theo hình thức xét tuyển học bạ. Việc còn lại của các em là chỉ cần vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT thì nghiễm nhiên trở thành sinh viên ĐH.
Em Nguyễn Châu Xuân Ngọc (lớp 12CA1, Trường THPT Giá Rai, TX. Giá Rai) cho biết: “Mặc dù nguyện vọng 1 của em là ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y dược Cần Thơ, nhưng em vẫn nộp hồ sơ dự phòng thêm 2 trường ĐH là Greenwhich và FPT. Hiện tại, cả 2 trường đều thông báo em đã trúng tuyển và liên tục gọi điện để tư vấn, thuyết phục em theo học các chuyên ngành: Quan hệ công chúng, Báo chí… vì cho rằng phù hợp với năng lực, sở trường, cũng như điều kiện kinh tế gia đình em. Trong đó, ĐH FPT còn đưa ra “chính sách ưu đãi” để thuyết phục rằng nếu hoàn tất việc đóng học phí, chính thức theo học tại trường thì em sẽ có cơ hội được viết bài luận để săn học bổng…”.
...Và những bài học đắt giá
Việc dễ dàng đậu ĐH đã làm nảy sinh tâm lý chủ quan trong HS, khiến các em lơ là việc ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đáng lo ngại hơn khi một số phụ huynh còn tán đồng và trực tiếp làm đơn kiến nghị nhà trường cho con em mình nghỉ ôn thi tốt nghiệp với lý do con mình đã trúng tuyển ĐH đúng chuyên ngành yêu thích và lượng kiến thức nền hiện tại đã đủ để dễ dàng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp.
Ông Dư Quốc Kiệt - Hiệu trưởng Trường THPT Giá Rai (TX. Giá Rai) lắc đầu ngao ngán và chia sẻ câu chuyện về bài học đắt giá của một người bạn từ nhiều năm trước. Người bạn ấy có một cậu con trai học lực chỉ trung bình, cũng không có kiến thức gì về máy tính, nhưng bỗng dưng một ngày cậu ấy nhận được giấy báo trúng tuyển chuyên ngành Quản trị mạng của một trường ở TP. Hồ Chí Minh (dù chưa hề nộp bất kỳ hồ sơ tuyển sinh nào). Cầm giấy báo trúng tuyển, cậu con trai mừng rơn và đòi cha trang bị cho mình một chiếc xe máy Exciter, laptop và điện thoại di động để vào ĐH. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng người cha vẫn vay tiền để đáp ứng đòi hỏi của con bất chấp lời can ngăn của bạn bè, đồng nghiệp. Rồi chẳng bao lâu sau, cậu ấy lẹt đẹt rớt hết môn này đến môn khác vì năng lực không có và bị “trục xuất” khỏi trường vì nợ quá nhiều môn.
Một phụ huynh ở TP. Bạc Liêu cũng bức xúc chia sẻ: “Con của tôi cũng đang theo học tại một trường dân lập với mức học phí khá cao, nhưng dù nỗ lực cách mấy cháu vẫn bị nhà trường đánh rớt một vài môn, ở trường cũng có nhiều trường hợp giống cháu. Chẳng biết lỗi tại con mình học dở hay vì một nguyên nhân sâu xa nào khác, nhưng nếu hết năm nay tình trạng này vẫn tiếp tục thì tôi sẽ cho cháu nghỉ học để tìm cơ hội khác…”.
Vẫn biết vào ĐH là giấc mơ không chỉ của HS lớp 12, mà còn là ước vọng của các bậc làm cha làm mẹ, nhưng trước những bài học đắt giá như trên thì có lẽ người trong cuộc nên bình tâm mà cân nhắc, bởi một lần chọn sai thì phải đánh đổi bằng cả tương lai.
Kim Trúc
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Nhiệm kỳ tới, huyện Hồng Dân sẽ khác xa so với hiện tại
- Bạc Liêu tham gia gian hàng trưng bày tại Tuần lễ sản phẩm OCOP 2024 ở TP. Hồ Chí Minh
- Trao giải Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật về nông thôn mới và chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024
- Hiệu quả từ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam
- Hành vi mua bán thuốc lá điếu nhập lậu sẽ bị pháp luật xử phạt như thế nào?