Giáo dục - Học Đường
Vì sao học sinh ngày càng thờ ơ với môn Lịch sử
Vào năm 2011, con số hàng ngàn thí sinh bị điểm 0 môn Lịch sử (LS) được ví như “thảm họa” của ngành Giáo dục đến nay vẫn còn gây không ít nhức nhối khi nhắc lại. Trong những năm tiếp sau, mặc dù chất lượng thí sinh và điểm số đã được cải thiện nhiều nhưng thật sự không thể phủ nhận, môn LS vẫn là môn thí sinh bị điểm liệt nhiều nhất. Lại thêm trong kỳ thi THPT quốc gia diễn ra cách đây vài tháng, rất hiếm học sinh đăng ký thi LS, nhiều điểm trường chỉ có 1 - 2 thí sinh dự thi môn này. Thực tế đó khiến nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao càng ngày học sinh càng thờ ơ với môn LS?
Dạy học Lịch sử cần kết hợp tranh ảnh, trình chiếu sẽ hấp dẫn hơn. Ảnh minh họa: B.T
THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN
Nguyên nhân cốt yếu là vì chương trình học LS được biên soạn trong sách giáo khoa còn quá cồng kềnh, máy móc, chưa thật sự lôi cuốn. Đặc biệt, một trong những yếu tố để học tốt môn LS đó chính là học thuộc bài, nhưng yếu tố này lại đối lập với bản chất của môn LS là nhiều kiến thức nên việc có thể học thuộc lòng tất cả bài học sử quả là rất khó khăn, điều này đòi hỏi học sinh phải có cách học thật khoa học và trí nhớ đáng nể.
Ngay từ tiểu học, học sinh đã được tiếp cận với môn LS, nhưng chỉ với lượng kiến thức khá đơn giản, nhẹ nhàng. Đến THCS, THPT, cũng với lượng kiến thức ấy, học sinh lại phải học lại một lần nữa nhưng là học nâng cao, cụ thể và sâu sắc hơn, kèm theo đó là lượng kiến thức mới bù vào và bổ sung thêm nữa một lượng lớn những bài học sử về các nước khác trên thế giới, từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ…, từ thời cổ đại, trung đại đến cận đại…, từ lúc hình thành, phát triển rồi suy yếu, bại vong đến giành lại độc lập… Học sử nước nhà đã khó, lại phải học thêm LS của nhiều vùng, quốc gia trên thế giới lại càng khó hơn. Nhưng nếu chỉ chăm chăm vào sử mình mà quên tìm hiểu sử người thì sẽ lạc hậu. Hơn nữa, để thông tuệ một vấn đề của LS thì ta cần đặt vấn đề ấy vào bối cảnh của nước mình so với bối cảnh chung của thế giới mới có thể đưa ra kết luận xác đáng nhất. Vậy học LS, ta không thể bỏ qua LS chung của thế giới. Thế nhưng, quá trình LS Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung rất dài. Thật khó lòng mà thuộc được ngần ấy thông tin khi học sinh còn phải dung nạp vào đầu óc vô số kiến thức từ các môn học khác. Từ đây dẫn đến hiện tượng học sinh bị “bội thực” kiến thức môn LS, mất hứng thú với môn học này. Thậm chí, nhiều học sinh còn cho rằng: giờ học sử rất buồn ngủ! Bài đã nhiều, phải học thuộc trong khi học sinh lại không thiết tha với môn này nên không đầu tư và bỏ bê môn LS mà chỉ học qua loa, đối phó là điều dễ hiểu.
Đặc biệt, đa phần phụ huynh cũng không ủng hộ khi con họ chọn theo học môn LS chuyên sâu. Và đối với sự phát triển của xã hội hiện đại, các ngành học có liên quan đến LS lại không mấy phong phú, hấp dẫn nhiều như các ngành có môn học Toán, Vật lý, Hóa học… Yếu tố gia đình và xã hội cũng có tác động không nhỏ đến nhận thức về môn LS của giới trẻ, nhiều người cho rằng học sử không có tiền đồ, sau này khó tìm được việc làm phù hợp. Vả lại, tuy là một môn xã hội nhưng LS lại là môn học rất khó ăn điểm tại các kỳ thi quốc gia, đại học. Tuy không phải động não tính toán để tìm ra cách giải quyết bài tập như các môn tự nhiên, nhưng cái khó của bài tập LS là đòi hỏi học sinh phải có sự suy luận logic, hợp lý, phải am hiểu sâu sắc và có cái nhìn khách quan lẫn chủ quan đối với nhiều mặt của vấn đề thì mới đưa ra kết luận đúng đắn và thuyết phục nhất. Mà đã chán nản, khó nhớ bài thì lấy đâu ra kiến thức lập luận để có câu trả lời đúng. Điều này là câu trả lời dễ hiểu cho việc học sinh thi đại học môn LS rất hiếm đạt điểm cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến môn LS rất kén người thi.
Vốn dĩ là môn học nặng về kiến thức mà còn phải học sử theo lối học thầy đọc - trò chép nên môn sử trở nên nhàm chán, thiếu thú vị là điều hiển nhiên. Những vấn đề được giảng dạy đa phần đều nằm trong sách giáo khoa, ít có sự mở rộng mà kiến thức sách giáo khoa thì khô khan nên đây cũng là một trong những cách dạy và học khiến cho học sinh thiếu đi sự tư duy, động não, dẫn đến việc nắm bài không vững, không sâu rồi đâm ra nhàm chán, lười học. Thế nên, việc lựa chọn học chuyên LS hay tham gia đội tuyển học sinh giỏi LS tại các trường thường không được học sinh ưu tiên lựa chọn như các môn học khác. Việc học sinh coi nhẹ, lười học môn LS chính là nỗi buồn và trăn trở cho những giáo viên dạy bộ môn này.
ĐỂ GIÚP HỌC SINH YÊU MÔN LỊCH SỬ
Thế nhưng, môn LS không phải là môn học nhàm chán và thừa thải như nhiều người nghĩ. Việc học môn LS sẽ giáo dục cho học sinh ý thức về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức cộng đồng... Nếu chịu tìm hiểu chuyên sâu, môn LS thật sự cũng lắm điều thú vị. Ta sẽ hiểu được nguồn gốc về sự hình thành của quốc gia mình và các nước khác, hiểu được trong hàng ngàn năm qua, ông cha ta đã đấu tranh anh dũng và bền bỉ thế nào để có được độc lập hôm nay… LS trả lời cho các câu hỏi vì sao dân tộc này lại phát triển, đất nước kia lại nghèo nàn, con người trong thời đại đó lại như thế và con người trong thời đại này phải không ngừng cố gắng sống tốt hơn... LS dạy ta cách trân trọng những gì người xưa làm được trong quá khứ, trân trọng hiện tại và cho ta động lực để xây dựng một tương lai huy hoàng, không thụt lùi so với những điều LS đã làm được. LS còn cho ta thấy những sai lầm và cho ta kinh nghiệm để đừng lặp lại sai lầm đó. Không những thế, đối với việc học tập các môn xã hội, môn LS cũng giúp ích được rất nhiều. LS cung cấp cho ta nhiều tư liệu để làm văn. Bằng chứng là ta không thể bình một bài văn về lòng yêu nước thật hay mà không hiểu được quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước đầy vẻ vang của ông cha ta thời trước. Ngoài ra, môn LS còn liên quan mật thiết đến môn Địa lý.
Như vậy, để học sinh không còn coi nhẹ môn LS và tìm thấy nhiều niềm say mê, hứng thú hơn khi học môn này thì trước tiên là phải chỉnh đốn ngay từ cách nhìn nhận của học sinh về môn LS, phải làm cho các em hiểu rằng LS, so với các môn học khác cũng có tầm quan trọng riêng và mang lại những hữu ích nhất định. Minh chứng rõ ràng là ở các nước giàu có và phát triển như Mỹ và Ca-na-đa…, sự am hiểu LS dân tộc là tiêu chuẩn hàng đầu của mỗi công dân. Bên cạnh đó, phải có sự thay đổi trong cách dạy học môn LS, phải thoát ly khỏi cách dạy thầy đọc - trò chép, thay vào đó là các buổi ngoại khóa tìm hiểu mở rộng về LS, việc dạy học cần kết hợp tranh ảnh, trình chiếu, nên hệ thống kiến thức bài học lại thành một sơ đồ tư duy, như vậy sẽ dễ nhớ nắm các ý chính hơn, tránh học lan man, nhồi nhét quá nhiều số liệu vào đầu. Đặc biệt, chương trình biên soạn trong sách giáo khoa cần có sự cải cách và làm mới nhất định bằng cách cô đọng lại các bài học, lược bỏ những ý lan man, không cần thiết. Đây là biện pháp cốt yếu để môn LS bớt khô khan, nặng nề. Cuối cùng chính là cải thiện cái nhìn của xã hội đối với môn LS. Bởi ai cũng có đam mê riêng, nếu con em mình yêu sử thì hãy để con theo đuổi đam mê này. Nếu thật sự say mê học tập và học tốt, thì sẽ dễ dàng thành công.
Tóm lại, môn học nào cũng đều đem lại những giá trị của riêng nó, LS cũng vậy. Đất nước Việt Nam có LS 4.000 năm dựng nước và giữ nước đầy vẻ vang, nếu không học sử, ta làm sao cảm nhận được hết tinh thần dân tộc bất diệt ấy? Vậy hãy yêu LS đi, đừng thờ ơ với môn học này nữa, bạn nhé!
PHƯỢNG NGHI
(Trường THPT Chuyên Bạc Liêu)
- Tập huấn phần mềm kiểm kê tài sản công cho hơn 600 cán bộ
- Tổng rà soát người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt làm việc với các bệnh viện về tình hình chuẩn bị đại hội
- Nhạc sĩ Nguyễn Quốc (Bạc Liêu) đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc
- TP. Bạc Liêu: Bàn giải pháp ứng phó với sạt lở tuyến đê biển Đông