Giáo dục - Học Đường
Viết phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021: Không để thí sinh bị động, lúng túng
Còn khoảng 10 ngày nữa là đến hạn chót nộp hồ sơ dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021. Để học sinh khối 12 không bị động, lúng túng, cũng như thực hiện đúng các thao tác khi điền thông tin vào phiếu đăng ký dự thi (ĐKDT), các trường THPT, trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều buổi tư vấn, hướng dẫn, tận tình giải đáp những thắc mắc của các em về vấn đề này.
Những lỗi sai dễ mắc phải
Năm nay, em Đào Trần Thanh (lớp 12C5, Trường THPT Phan Ngọc Hiển, TP. Bạc Liêu) có nguyện vọng dự thi khối C03 của Học viện An ninh Nhân dân. Theo như thông tin em tìm hiểu được, năm 2020 nhóm ngành thuộc khối này lấy 20,06 điểm đối với nam. Thanh chia sẻ: “Để có thể đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới, em luôn nỗ lực từng ngày, nhưng trước mắt em phải điền các thông tin vào phiếu ĐKDT một cách chính xác. Vì là lần đầu tiên làm phiếu ĐKDT, nên có lẽ không chỉ riêng em mà hầu hết HS khối 12 sẽ rất tâm lý, áp lực và dễ dẫn đến sai sót. Vì vậy, chúng em chọn giải pháp mua nhiều bộ hồ sơ để dự phòng…”.
Quả thật, theo thực tế mà chúng tôi ghi nhận được, lo lắng của Thanh cũng là lo lắng chung của rất nhiều thí sinh khi đặt bút viết phiếu ĐKDT. Bởi lẽ có những lỗi sai cứ lặp đi lặp lại mỗi năm, thậm chí có em đã viết sai hơn 10 phiếu mới có thể hoàn thành một bản hoàn chỉnh.
Nhiều năm gắn bó với công tác tư vấn ôn thi, tuyển sinh, các thầy cô phụ trách công tác văn thư của các trường đã “thống kê” những lỗi sai phổ biến mà học sinh hay mắc phải: Tên không viết hoa (tên phải viết đúng như giấy khai sinh, bằng chữ in hoa, có dấu); viết sai ngày, tháng, năm sinh (nếu ngày sinh nhỏ hơn 10 thì ghi thêm số 0 phía trước); ghi sai số điện thoại, Email (số điện thoại dùng để nhận mã OTP khi thí sinh có nhu cầu điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học theo phương thức trực tuyến); điền sai số Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân (lưu ý với những số Chứng minh nhân dân cũ thì phải bỏ trống 3 ô đầu tiên trong phiếu ĐKDT); ghi sai phần đăng ký môn thi (lưu ý năm 2021, học sinh lớp 12 chỉ được chọn một trong 2 tổ hợp nên tránh việc đánh dấu “X” vào cả 2 tổ hợp. Ngoài ra, các em phải dự thi toàn bài tổ hợp, không được chọn thi từng môn nên tránh đánh dấu “X” vào từng môn ở phần dành cho thí sinh tự do)…
Đó là còn chưa kể những lỗi sai thường gặp về mã ngành, mã Sở GD-ĐT, mã cụm thi, mã huyện, xã và trường THPT; sai đối tượng ưu tiên, khu vực tuyển sinh; hoặc không lưu tài khoản đăng nhập hệ thống dành cho thí sinh của Bộ GD-ĐT; điền sai các số (tức là viết số 1, 2, 3… thành các ký tự La Mã)…
Học sinh khối 12 Trường THPT Chuyên Bạc Liêu (TP. Bạc Liêu) bày tỏ những thắc mắc xoay quanh việc điền thông tin vào phiếu ĐKDT. Ảnh: Đ.K.C
Không để sai sót tiếp diễn
Để giúp học sinh tránh được sai sót khi viết phiếu ĐKDT, các trường THPT, trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều buổi tư vấn, hướng dẫn trực tiếp cho các em. Các buổi tư vấn này còn có sự góp mặt của Ban giám hiệu trường, giáo viên chủ nhiệm các lớp để cùng trao đổi, lắng nghe và giải đáp trực tiếp mọi thắc mắc của học sinh về việc điền thông tin vào phiếu ĐKDT.
Hôm 24/4 vừa qua, Trường THPT Giá Rai (TX. Giá Rai) đã tổ chức buổi gặp gỡ, tư vấn trực tiếp cho 412 học sinh lớp 12 của trường. Bên cạnh việc cung cấp đầy đủ thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021, học sinh khối 12 còn được các giáo viên hướng dẫn chi tiết cách điền chính xác mọi thông tin trong 21 mục bắt buộc của phiếu ĐKDT.
Hôm 28/4 mới đây, học sinh khối 12 của Trường THPT Phan Ngọc Hiển cũng được các thầy cô trong ban tư vấn, tuyển sinh của trường hướng dẫn tận tình về cách thức điền thông tin chính xác vào phiếu ĐKDT. Đặc biệt, sau phần hướng dẫn cách ghi, các em còn được trực tiếp trao đổi, thảo luận, bày tỏ mọi thắc mắc về kỳ thi, cũng như những chỗ chưa thông suốt về mã đúng của địa chỉ cư trú, đối tượng ưu tiên, khu vực tuyển sinh, nhất là mục số 21 về đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng sư phạm.
Sai sót là không thể tránh khỏi nhưng thí sinh cũng không cần quá căng thẳng vì vẫn còn cơ hội để sửa sai. Cụ thể, trong trường hợp phát hiện sai sót khi chưa hết hạn nộp hồ sơ thì có thể viết lại (nên mua dự phòng vài bộ hồ sơ). Trường hợp phát hiện nhầm lẫn, sai sót khi đã hết hạn nộp, thí sinh nhanh chóng thông báo kịp thời trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung với hiệu trưởng trường phổ thông, thủ trưởng đơn vị nơi ĐKDT, trưởng điểm thi. Khi đó, thông tin mà thí sinh sửa chữa, bổ sung sẽ được cập nhật vào phần mềm quản lý thi.
Kim Trúc
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Nhiệm kỳ tới, huyện Hồng Dân sẽ khác xa so với hiện tại
- Bạc Liêu tham gia gian hàng trưng bày tại Tuần lễ sản phẩm OCOP 2024 ở TP. Hồ Chí Minh
- Trao giải Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật về nông thôn mới và chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024
- Hiệu quả từ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam
- Hành vi mua bán thuốc lá điếu nhập lậu sẽ bị pháp luật xử phạt như thế nào?