Giáo dục - Học Đường
Vinh quang nghề cao quý
Những người chọn cống hiến cho sự nghiệp giáo dục luôn là hiện thân của những giá trị tích cực. Họ giàu tri thức, hết mực yêu thương học trò, gieo mơ ước trong từng nét chữ để cải biến những cuộc đời. Vì những lẽ ấy mà tự cổ chí kim, nghề giáo luôn có một vị thế rất đặc biệt, nhận được sự kính trọng, tôn vinh của toàn xã hội.
Giám đốc Sở GD-ĐT - Lâm Thị Sang thăm và chúc mừng nhà giáo đã nghỉ hưu nhân ngày 20/11.
Những cống hiến lặng thầm
“Nhiệm vụ của giáo dục (GD) rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có GD… Không có GD, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa”, đó là đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đội ngũ nhà giáo lúc còn sinh thời. Không phụ sự tín nhiệm ấy, trong gần một thế kỷ qua, các thế hệ nhà giáo Việt Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, luôn giữ vững ngọn lửa nghề, đam mê với sự nghiệp GD. Họ không ngừng đổi mới, sáng tạo, thi đua dạy tốt; nỗ lực trở thành những tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, tâm huyết với nghề. Trong đó không thiếu những tấm gương ngời sáng khi cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp GD, hết lòng vì học sinh, bám trường, bám lớp, trở thành những người cha, người mẹ thứ hai của học trò nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn…
Những thế hệ học trò 6X, 7X, 8X đã thành danh của quê hương Bạc Liêu làm sao có thể quên được sự dìu dắt, “khai tâm mở trí” của các thầy Đồng Nam, Đinh Văn Tài, Trần Vĩnh Thuận, Nguyễn Sáu, Trịnh Văn Trượng, Trần Công Chánh, Huỳnh Quang Lâm…, các cô Phú Thị Cẩm, Trần Thị Năm, Đinh Thị Lộc, Lưu Xuân Hương… Họ là người thầy, những nhà giáo ưu tú suốt đời cần mẫn, tận tụy với nghiệp đưa đò qua bao thế hệ. Đạo đức, nhân cách ngời sáng của họ mãi là tấm gương trong, là hình ảnh đẹp nhất khi các thế hệ học trò Bạc Liêu hồi tưởng về mái trường xưa, về thầy cô cũ khi tri ân nghề cao quý.
Càng trân trọng hơn khi nhiều thầy cô đã xếp lại “chiếc áo quan trường”, nghỉ hưu, tuổi cao sức yếu nhưng vẫn mãi trăn trở với sự nghiệp GD tỉnh nhà, luôn có những hiến kế hay, đóng góp thiết thực bằng cả tâm huyết để nâng chất sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Nhiều thầy, cô còn vận động kết nối cựu học sinh thành lập những nguồn quỹ để đồng hành, hỗ trợ học sinh - sinh viên nghèo; dốc sức cho công tác thiện nguyện tại địa phương để kết nối những tấm lòng, trao những suất quà, suất ăn miễn phí cho bà con nghèo có hoàn cảnh khó khăn của địa phương. Đó là còn chưa kể những thầy cô tiếp tục là “kiếp tằm vương tơ”, đồng hành cùng những lớp học tình thương để gieo mơ ước cho những mảnh đời trẻ thơ còn nhiều bất hạnh. Không ít thầy cô vẫn miệt mài ngày đêm đóng góp sức người sức của cho công tác khuyến học, khuyến tài của quê hương mình.
Những tấm gương ngời sáng về đạo đức ấy tiếp tục soi rọi, trở thành “kim chỉ nam” để các thế hệ nhà giáo Bạc Liêu, đặc biệt là những thầy cô trẻ tự răn mình, không ngừng hoàn thiện, tu dưỡng để mãi xứng đáng với vị thế cao quý, với vinh quang mà xã hội, Nhân dân tôn vinh.
Học trò tặng hoa tri ân cô giáo trong ngày 20/11. Ảnh: Đ.K.C
Củng cố hình ảnh người thầy bằng những giá trị mới
Theo dòng thời gian và sự phát triển của xã hội, vị thế của người thầy ít nhiều có sự thay đổi với từng giai đoạn lịch sử. Song thực tế đã chứng minh, trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào của đất nước thì người thầy vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi họ là những người trực tiếp làm công tác GD, trực tiếp đào tạo thế hệ tương lai.
Vinh quang càng lớn, trọng trách càng cao nên trong thời kỳ GD đang đổi mới, công việc của ngành đang đứng trước bộn bề những khó khăn, nếu người thầy có thể làm được những việc khó thì càng đáng quý, đáng trân trọng!
Không nói đâu xa, khi toàn ngành đang quyết liệt thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, người thầy tiếp tục giữ vai trò “thuyền trưởng” trong thúc đẩy sự đổi mới. Từ mô hình người thầy “biết 10 dạy 1” đang dần chuyển sang mô hình nhà giáo mới là những người biết cách tổ chức, dẫn dắt, định hướng học trò. Đó là những người vẫn cần một kiến thức nền tảng chắc chắn và uyên bác nhưng biết cách dẫn dắt học trò không ngừng thích nghi và tự tích lũy kiến thức không giới hạn. Thế nên phương pháp cần đổi mới, tâm thế của nhà giáo cũng cần đổi mới.
Trước thềm “tết nghề”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - Nguyễn Kim Sơn nhắn gửi đến đội ngũ nhà giáo cả nước: “Chúng ta có 1,6 triệu nhà giáo, 1,6 triệu người ấy phải lên tiếng, nói về những điều mà ngành GD đang làm. 1,6 triệu người cần phải lan tỏa, chia sẻ và phải là dòng chính trong sự nhận thức của xã hội về GD. Nhà giáo cần lan tỏa điều mình đã trải nghiệm, điều mình đã tâm đắc, điều mình đã đổi mới được, cần lan tỏa cả cái mới, cái tích cực, cái ấm áp của một nền GD đang hình thành những giá trị mới. Để làm được những điều ấy thì nhà giáo cần phải củng cố hình ảnh. Nhà giáo không nên than, không nên thẹn, không nên oán, mà phải có trí tuệ, có tình yêu nghề, có lực lượng; phải từng bước, từng bước tự mình làm cho hình ảnh của mình ngày càng cao quý. Không tự nhiên mà xã hội lại thay đổi để tôn kính nghề giáo, bởi nghề giáo không thể tự tôn cao nếu người thầy không tự tôn cao chính mình”.
Tin rằng, bằng trí tuệ, tình yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp GD người thầy sẽ từng bước làm cho hình ảnh, vị thế của mình ngày càng cao quý, xứng đáng với sự trọng vọng, tôn vinh của toàn xã hội.
Kim Trúc
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ
- Bổ nhiệm bà Đỗ Ái Ngọc giữ chức Phó Chánh Thanh tra tỉnh
- Giải bóng đá mi ni chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam
- Đảng bộ Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu báo công dâng Bác
- Trao chứng chỉ bồi dưỡng tiếng Khmer cho 58 học viên