Giáo dục - Học Đường

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia: Vẫn còn nhiều thách thức

Thứ Sáu, 14/04/2023 | 14:21

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (ĐCQG) được xem là “chìa khóa vàng” để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) theo tinh thần Nghị quyết 29, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Bởi vậy, từ lâu chủ trương này không còn là nhiệm vụ riêng của ngành GD-ĐT, mà trở thành nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, các lực lượng xã hội… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, đằng sau công tác này là cả câu chuyện dài về những khó khăn, thách thức trước những yêu cầu của tiêu chí mới.

Bài 1:  Canh cánh nỗi lo… “rớt chuẩn”

Vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe theo quy định để được công nhận ĐCQG đã khó, nỗ lực giữ vững danh hiệu còn khó hơn! Đặc biệt khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, nhiều trường ĐCQG ở Bạc Liêu đang đứng trước nỗi lo “rớt chuẩn” khi yêu cầu về tiêu chí trường chuẩn ngày càng cao, nhất là việc tái công nhận và nâng chuẩn lên mức độ 2.

Mới thành lập từ năm học 2021 - 2022 nên Trường tiểu học Nguyễn Thị Định (TP. Bạc Liêu) chưa đủ thời gian được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Nhiều khó khăn

Được công nhận ĐCQG mức độ 1 năm 2014, Trường THCS Võ Nguyên Giáp trở thành ngôi trường đầu tiên cấp THCS của TP. Bạc Liêu ĐCQG. Trong niềm vui ấy, trường được các cấp, các ngành đầu tư thêm về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy học, góp phần nâng cao mặt bằng chung về chất lượng giáo dục của thành phố. Sự quan tâm này đã giúp trường được tái công nhận ĐCQG mức độ 1 vào năm 2019. Tuy nhiên, để tiếp tục tái chuẩn vào năm 2024, trường đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn.

Bà Huỳnh Thị Thanh Tâm - Hiệu trưởng Trường THCS Võ Nguyên Giáp (TP. Bạc Liêu), lo lắng: “Trong lần tái công nhận chuẩn năm 2019, trường vẫn còn “nợ” một số tiêu chí thấp. Chẳng hạn như, diện tích trước đây được tính cả diện tích sàn nên đảm bảo. Các phòng y tế, bộ môn nếu thiếu có thể dùng, hoặc thay thế bằng cầu thang trường học, các phòng tạm thông qua việc sơn sửa, thiết kế lại miễn sao đảm bảo thì đoàn kiểm tra cũng châm chước chấp nhận. Các phòng hiệu bộ cũng có thể ghép lại, rồi ngăn ra đặt tên theo chức năng riêng. Trường được đoàn kiểm tra thông cảm (cho nợ lại) khi trang thiết bị tuy đầy đủ, nhưng đa phần đã cũ kỹ và hỏng hóc nhiều. Trường đang rất lo lắng cho lộ trình tái chuẩn vào năm 2024 khi đang thiếu 4 giáo viên; nhân viên thiết bị, công nghệ thông tin, y tế học đường… theo chuẩn mới đều không có. Đó là chưa kể việc thiếu diện tích khoảng 500m2 (tính trên đầu học sinh); thiếu các phòng bộ môn, phòng hiệu bộ cho đoàn thể và các tổ bộ môn; nhà vệ sinh cũng thiếu, không đảm bảo theo chuẩn mới; hệ thống cấp thoát nước xuống cấp; thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của lớp 6 và 7 chưa được trang bị…”.

Còn tại Trường tiểu học Kim Sơn (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải), sau khi được công nhận ĐCQG mức độ 2, kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 3 vào năm 2020, trường luôn chủ động xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục, tranh thủ các nguồn lực nâng cấp, xây dựng mới nhiều công trình, hạng mục theo quy định. Tuy nhiên, để được tái công nhận vào năm 2025 thì trường phải nỗ lực khắc phục tình trạng ngập, đọng nước trong sân trường do mưa lớn hoặc triều cường. Trường cũng cần thêm biên chế với vị trí giáo viên tin học còn thiếu, cũng như nhân viên y tế học đường (vị trí này hiện do giáo viên Tổng phụ trách Đội đảm nhiệm).

Tình trạng của Trường THPT Trần Văn Bảy (huyện Phước Long) càng khó gấp bội phần trên lộ trình tái công nhận ĐCQG mức độ 1 vào cuối năm 2023. Bởi theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Tân - Hiệu trưởng trường thì trường được xây dựng cách đây đã hơn 12 năm, đến năm 2018 được công nhận ĐCQG mức độ 1. Từ đó đến nay, trường chưa được đầu tư thêm bất kỳ công trình, hạng mục nào mới. Để tái công nhận, trường đang vướng tiêu chuẩn về cơ sở vật chất…

Cụ thể, có 10 phòng học tầng trệt đã sụt lún, bàn ghế qua 12 năm sử dụng đã hỏng nhiều (cần được trang bị mới 400 bộ).  Không chỉ vậy, toàn bộ hệ thống tường rêu phong, cũ kỹ do chưa được sơn lại lần nào gây mất mỹ quan… Đó là những “rào cản” cần được xử lý để trường đạt chuẩn các tiêu chí trong lộ trình tái công nhận.

Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh kiểm tra một số công trình phụ tại Trường mầm non thị trấn Phước Long (đạt chuẩn quốc gia mức độ 2). Ảnh: Đ.K.C

Nơi nào cũng... rối

Những “lát cắt” từ thực tế cho thấy ở mỗi cấp học, mỗi địa phương trên toàn tỉnh đều phải đối diện với những khó khăn, thách thức riêng trên lộ trình xây dựng trường ĐCQG theo tiêu chí của thông tư mới (Thông tư 13, 14 của Bộ GD-ĐT).

Đơn cử như TP. Bạc Liêu, hiện có 8 trường không đủ điều kiện để ĐCQG (1 trường mẫu giáo, 7 trường tiểu học), 2 trường chưa đủ điều kiện để công nhận lại (Trường tiểu học Lê Văn Tám và Trường THCS Trần Huỳnh). Cụ thể, Trường mẫu giáo Hướng Dương chưa đạt tiêu chuẩn 3 về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học (do cơ sở của trường được cải tạo lại từ nhà ở của người dân). Các trường tiểu học như: Kim Đồng, Phùng Ngọc Liêm, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Lê Quý Đôn, Lê Thị Riêng thì vướng các tiêu chí về sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định (có lớp đến 53 học sinh), giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo; diện tích khuôn viên, sân chơi, sân tập chưa đúng theo quy định; khối phòng phục vụ học tập, hành chính - quản trị còn thiếu nhiều; thiếu giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên thư viện…

Riêng Trường tiểu học Lê Văn Tám được công nhận ĐCQG từ năm 2011, song đến nay số lớp, số học sinh/lớp của trường đã vượt quá quy định; cơ sở vật chất xây dựng kiên cố từ trước nên không còn đảm bảo về diện tích, số phòng học, phòng phục vụ học tập theo quy định hiện hành. Trường THCS Trần Huỳnh được công nhận ĐCQG từ năm 2012, đến nay ngoài việc không đảm bảo về diện tích, số phòng học còn thiếu, chưa đạt chuẩn theo quy định hiện hành, thì còn thiếu giáo viên, nhân viên y tế… gây khó cho việc tái công nhận.

Tại huyện Đông Hải, tuy đã có 28/42 trường ĐCQG, nhưng vẫn còn không ít trường trong số này gặp khó khăn, bất cập về phòng học, cơ sở vật chất, công trình phụ trợ… gây khó trong việc tái công nhận, hoặc nâng chuẩn mới. Riêng 14/42 trường chưa ĐCQG vẫn còn vướng về hồ sơ, các tiêu chí trong từng tiêu chuẩn; chờ quy hoạch đất xây dựng hoặc đang kêu gọi đầu tư các công trình, hạng mục theo hướng chuẩn hóa.

Với huyện Phước Long, tuy đã cán đích mục tiêu xây dựng trường ĐCQG 100% (theo tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới), với 40/40 trường đạt chuẩn. Tuy nhiên, với chuẩn quy định của Thông tư mới đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn khiến cho 16 trường đã đến thời gian tái công nhận vẫn chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất để được đề nghị công nhận lại.

Mỗi nơi mỗi kiểu… rối, nên việc nhận định đúng rào cản, nguyên nhân của thách thức, cũng như xác định rõ trọng tâm để ưu tiên tháo gỡ, đầu tư hiệu quả, tránh dàn trải là việc cần rốt ráo triển khai. Có như vậy mới đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường ĐCQG theo đúng lộ trình, kế hoạch đã đề ra.

Kim Trúc

Tính đến cuối tháng 10/2022, toàn tỉnh có 219/271 trường mầm non, phổ thông công lập ĐCQG, đạt tỷ lệ 80,81%. Trong đó, có 69/76 trường mầm non (37 trường ĐCQG mức độ 2); 88/113 trường tiểu học (39 trường ĐCQG mức độ 2); 49/62 trường THCS (13 trường ĐCQG mức độ 2) và 13/20 trường THPT ĐCQG.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.