Giáo dục - Học Đường

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia: Vẫn còn nhiều thách thức

Thứ Hai, 17/04/2023 | 16:45

>> Bài 1:  Canh cánh nỗi lo… “rớt chuẩn”

Bài 2: Nhận diện rào cản

Dù đạt được kết quả ấn tượng với 219/271 trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia (ĐCQG - đạt 80,81%), nhưng khó khăn mà Bạc Liêu phải đối diện trong công tác xây dựng trường ĐCQG vẫn luôn hiện hữu. Điều này đòi hỏi toàn ngành, cả hệ thống chính trị phải quyết liệt vào cuộc, cùng nhau nhận diện khó khăn, rào cản để tích cực gỡ khó.

Công trình 12 phòng học lầu của Trường THCS Trần Huỳnh (TP. Bạc Liêu) chưa thể thực hiện vì thiếu quỹ đất.

“Nợ” tiêu chí

Theo phản ánh từ các địa phương, nguyên nhân dẫn đến việc tái công nhận, nâng mức ĐCQG hiện gặp nhiều vướng mắc vì tài chính eo hẹp. Hầu như các trường tới thời hạn để công nhận ĐCQG đang cố “giãn” thời gian vì cơ sở vật chất xuống cấp, nhưng kinh phí để đầu tư nâng cấp vẫn là bài toán nan giải. Trong chuyến giám sát chuyên đề về xây dựng trường ĐCQG của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tại huyện Phước Long, lãnh đạo UBND huyện đã chia sẻ thẳng thắn: “Việc xây dựng trường ĐCQG là tiêu chuẩn, tiêu chí được huyện triển khai thực hiện quyết liệt từ năm 2011 để đạt mục tiêu về đích xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015), do đó huyện đã đẩy nhanh tiến độ đầu tư theo Thông tư 17, 18, 19. Thời điểm đó, huyện Phước Long là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh sớm nhất, cao nhất về xây dựng trường ĐCQG. Cũng vì tăng tốc về đích nên một số tiêu chí cũng được “9 bỏ làm 10”, cho “nợ” để trả sau nên đến thời điểm hiện tại nhiều nơi đã xuống cấp, gây khó trong việc tái chuẩn, nâng chuẩn mới…”.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc xây dựng trường ĐCQG tại Bạc Liêu đang tồn tại một thực tế:  có những tiêu chí chưa đạt trong quá trình hoàn thiện nên được cho “nợ có thời hạn” để hoàn tất thủ tục công nhận. Vì vậy, hiện tại các trường đang phải đối diện với nỗi lo vừa phải “trả nợ”, vừa bị “trôi chuẩn” với những tiêu chí đã được công nhận, nên khó khăn lại chồng chất khó khăn. Đó là còn chưa kể áp lực từ chỉ tiêu đặt ra trong lộ trình xây dựng trường ĐCQG theo từng giai đoạn, nên lãnh đạo các địa phương bị “rối” khi không biết phải đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trước để “công nhận lại”, hay phải đầu tư để công nhận mới, nâng chuẩn để tăng tỷ lệ trường ĐCQG?!

Rào cản lớn khiến nhiều trường “trôi chuẩn” còn do sĩ số học sinh (HS) vượt quá quy định. Theo Điều lệ trường mầm non, tiểu học, THCS thì bậc tiểu học không quá 35 HS/lớp; THCS không quá 45 HS/lớp; mầm non, mẫu giáo, với lớp Nhóm khoảng 20 bé, lớp Mầm là 25 bé, lớp Chồi là 30 bé và lớp Lá là 35 bé nhưng nhiều trường ở khu vực thành thị, trung tâm tỉnh lỵ đã vượt mức này quá xa. Đơn cử như TP. Bạc Liêu, có lớp bán trú của các trường tiểu học Trần Phú, tiểu học Lê Văn Tám lên đến 53 HS/lớp. Áp lực từ sĩ số này đều do quy hoạch mới từ các khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp trong tỉnh làm cho số di dân cơ học ngày càng tăng khiến cho nhiều trường có số lớp, số HS vượt quá quy định, cơ sở vật chất không đáp ứng kịp, gây khó cho công tác xây dựng trường ĐCQG.

Mặt khác, tình trạng tinh giản biên chế kiểu cào bằng, cơ học gây ra việc thừa - thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương, đơn vị. Đội ngũ giáo viên chưa thật sự đồng bộ ở một số cấp học nên việc nâng cao chất lượng toàn diện theo hướng đổi mới chưa đạt hiệu quả tối ưu. Đội ngũ nhân viên y tế, thư viện, thiết bị, văn phòng còn thiếu, không đủ chuẩn theo yêu cầu về nghiệp vụ (vì đa số sử dụng giáo viên làm nhân viên hoặc kiêm nhiệm).

Một thực trạng đáng chú ý nữa là nhiều trường tới thời hạn công nhận lại đã không chủ động đề nghị cấp trên kiểm tra, vì biết chắc khi công nhận lại sẽ không đạt nên “lờ” đi. Điều này cũng kéo theo một thực trạng nhiều trường tiếp đoàn kiểm tra theo kiểu đối phó, “câu giờ”…

Nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia nhưng cơ sở vật chất xuống cấp, bàn học thì cũ kỹ chưa được thay mới. Ảnh: Đ.K.C

Thiếu đất, thiếu tiền, vướng tiêu chí mới

Có thể nói, trong quá trình xây dựng trường chuẩn, việc phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung trang thiết bị, đồ dùng dạy học đáp ứng các tiêu chuẩn trường ĐCQG do Bộ GD-ĐT ban hành là yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, hầu hết các trường ở vùng ven, ngoại thành, khu vực nông thôn đều gặp vướng mắc do thiếu kinh phí. Theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Hải - Trương Hà Giang, toàn huyện có 28/42 trường ĐCQG, đạt tỷ lệ 66,67%. Khó khăn lớn nhất vẫn là việc thiếu kinh phí đầu tư. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ trường chuẩn của huyện đạt thấp hơn so với bình quân chung của tỉnh.

Còn ở huyện Phước Long, tuy cán đích 100% trường ĐCQG, nhưng đến thời điểm hiện tại có tới 16 trường đến hạn tái công nhận, nhưng nếu áp theo Thông tư mới thì khó có thể giữ chuẩn vì vướng nhiều nhất là tiêu chuẩn 3 về cơ sở vật chất. Theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phước Long - Nguyễn Văn Thiện, nguyên nhân chính là do huyện gặp khó về kinh phí đầu tư, trong khi đó việc huy động nguồn vốn xã hội hóa lại hạn chế. Do đó, việc xây dựng trường học đạt chuẩn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh. 

Trong khi đó, ở khu vực nội thành, thị xã, thị trấn với đặc điểm đất chật, người đông, nên khó khăn thường gặp là thiếu quỹ đất xây dựng, mở rộng trường học. Trưởng phòng GD-ĐT TP. Bạc Liêu - Trần Bằng Phi cho hay, thách thức lớn đối với công tác xây dựng trường đạt chuẩn là do trên địa bàn thành phố tập trung nhiều khu đô thị mới, dân số cơ học tăng nhanh, dẫn đến quy mô HS biến động lớn, nhưng việc mở rộng diện tích cho các trường học gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, nhiều trường chọn giải pháp cải tạo, mở rộng diện tích bằng cách nâng tầng. Thêm một khó khăn mà toàn ngành phải đối diện, đó là theo quy định của Bộ GD-ĐT, để đảm bảo tiêu chuẩn trường ĐCQG, 1 trường tiểu học phải có tối đa 30 lớp, tương đương với 1.035 HS. Trong khi đó, thực tế khu vực nội thành, thị xã, thị trấn trung tâm lại gặp khó về quỹ đất, nên khó có thể đáp ứng tiêu chuẩn số lớp/trường, càng khó để mở rộng xây dựng thêm trường mới.

Áp lực chưa dừng lại ở đó, khi mà nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn về diện tích đất, thực hiện công tác kiểm tra trường chuẩn, công tác kiểm định chất lượng giáo dục; quy định về đánh giá tiêu chuẩn cơ sở vật chất đạt mức nào trong 3 mức (tối thiểu, mức độ 1, mức độ 2); việc đánh giá ngoài để công nhận ĐCQG đối với mầm non, tiểu học… quy định trong các Thông tư 17, 18, 19 đều được nâng chuẩn lên cao hơn trong Thông tư 13, 14.

Càng về sau, việc xây dựng trường ĐCQG là việc làm không phải dễ. Từ việc nhận diện rào cản, lý giải những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan sẽ giúp cho toàn ngành Giáo dục, cả hệ thống chính trị tìm ra “nút thắt”. Từ đó, đề xuất được những giải pháp sát hợp với thực tế để cùng gỡ vướng, đẩy nhanh lộ trình xây dựng trường ĐCQG theo hướng đủ số, vững chất!

Kim Trúc

Tính đến nay, toàn ngành GD có 9.490 công chức, viên chức và người lao động; trong đó có 643 cán bộ quản lý, 7.489 giáo viên trực tiếp giảng dạy (510 giáo viên hợp đồng), hầu hết đều đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố, đảm bảo cơ cấu các khối công trình phù hợp cho từng cấp học với 5.243 phòng học, phòng bộ môn, trong đó có 4.162 phòng kiên cố..., nhưng về lâu dài vẫn không đáp ứng được lộ trình xây dựng trường ĐCQG.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.