Giáo dục - Học Đường

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia: Vẫn còn nhiều thách thức

Thứ Tư, 19/04/2023 | 17:19

>> Bài 2: Nhận diện rào cản

Bài cuối: Nỗ lực gỡ vướng

Nhìn vào bình diện chung của công tác xây dựng trường ĐCQG, thách thức lớn nhất mà Bạc Liêu đang phải đối diện chính là rào cản về cơ sở vật chất. Để cải thiện tình hình, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp “dài hơi” nhằm hoàn thành các chỉ tiêu trong lộ trình đã đề ra, góp phần nâng chất giáo dục toàn diện tỉnh nhà trong giai đoạn mới.

Tư duy linh hoạt, tránh “bệnh thành tích”

Trong lộ trình tái chuẩn mức độ 1 (lần 2) vào năm 2024 và tầm nhìn nâng chuẩn mức độ 2, bà Huỳnh Thị Thanh Tâm - Hiệu trưởng Trường THCS Võ Nguyên Giáp (TP. Bạc Liêu) đã tha thiết kiến nghị UBND thành phố, Phòng GD-ĐT phối hợp hỗ trợ chủ trương xin được hoán đổi phần đất phía sau trường để mở rộng thêm quỹ đất, đảm bảo diện tích ĐCQG theo tiêu chí mới. Bà Tâm trần tình: “Trường hiện có 2 khu, khu B cách xa trường với diện tích 700m2 không còn hoạt động. Chúng tôi có nguyện vọng được hoán đổi phần đất này với các hộ dân phía sau trường để thuận tiện cho việc mở rộng diện tích. Sau khi trình bày thực trạng, UBND thành phố, Phòng GD-ĐT, Phòng Tài nguyên - Môi trường đã đến khảo sát, trực tiếp làm việc với các hộ dân 2 lần và sau đó người dân đã đồng ý hoán đổi. Song đã nhiều năm trôi qua, nguyện vọng này vẫn chưa thành hiện thực”.

Cùng chung cảnh ngộ này, Trường tiểu học Lê Thị Riêng (Trường tiểu học Phường 8 cũ, TP. Bạc Liêu) cũng có nguyện vọng được di dời, hoán đổi quỹ đất hiện tại sang cơ sở mới tại vị trí Trường trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật cũ để đảm bảo yếu tố gần trường, đáp ứng đủ diện tích cho tầm nhìn xây dựng trường ĐCQG mức độ 2 trong tương lai. Nhưng thực tế ước muốn này vẫn “giậm chân tại chỗ” vì nhiều nguyên nhân.

Từ thực tiễn của địa phương mình, ông Nguyễn Trọng Hán - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho rằng việc xây dựng trường ĐCQG ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các lực lượng xã hội thì rất cần tư duy linh hoạt của địa phương. Tức là các địa phương phải luôn trong tâm thế nếu không giải được bài toán thu hồi, mở rộng thì nên tính đến bài toán di dời. “Đơn cử như trường hợp của Trường THCS Hồ Thị Kỷ (xã Định Thành), huyện đã khảo sát rất nhiều lần (quy mô lớn trên 20 lớp). Khi tiến hành khảo sát dự kiến để thu hồi đất thì người dân ra giá rất cao, thay vì phải đền bù hàng chục tỷ đồng chỉ để cơi nới trong khi cơ sở vật chất cũ đang xuống cấp thì chúng tôi chọn giải pháp di dời trường sang địa điểm mới. Hiện tại, dự án di dời trường đã được quy hoạch, đang chờ phê duyệt với tổng mức đầu tư khoảng 70 tỷ đồng. Các trường như: THCS Trần Phú (xã Long Điền, đã khởi công xây dựng theo chuẩn mức độ 2), THCS Nguyễn Huệ (xã Long Điền Đông), THCS Lê Hồng Phong (xã Điền Hải)… cũng được huyện linh hoạt tính đến bài toán di dời để đảm bảo diện tích chuẩn mới”, ông Hán cho biết.

Bên cạnh việc có cái nhìn “thoáng” trong tư duy khi xây dựng trường ĐCQG, thì các địa phương, đơn vị cũng cần chữa dứt điểm “bệnh thành tích”. Bởi lẽ, ở một số địa phương, có nhiều cơ sở giáo dục được công nhận ĐCQG nhưng thực tế cơ sở vật chất vẫn “non” so với tiêu chí của thông tư cũ, nay lại chồng thêm việc nâng chuẩn của thông tư mới thì khoảng cách tái chuẩn lại càng xa hơn. Cá biệt, có đơn vị vẫn còn “nợ” tiêu chí như đã phản ánh. Việc chạy theo số lượng, cố tình “lờ” đi chất lượng để “bằng bạn bằng bè” trong cuộc đua về đích ĐCQG chính là “tiến thoái lưỡng nan” khiến cho gần 60 trường đã đến thời hạn tái công nhận vẫn chưa dám đăng ký, hoặc mời đoàn kiểm tra về thẩm định…

Các trường nỗ lực giữ vững các tiêu chí, tiêu chuẩn đạt chuẩn quốc gia đã được công nhận. Ảnh: Đ.K.C

Cần thêm những giải pháp dài hơi

Hướng đến mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện Phước Long đang rất quyết liệt đầu tư mọi nguồn lực để nâng chất cơ sở vật chất, mở rộng quỹ đất cho 16 trường đang tới thời hạn tái công nhận. Trong đó, địa phương này chọn việc đầu tư ưu tiên không dàn trải, tập trung quyết liệt mọi nguồn lực cho những trường, những xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Cách làm này cũng được cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh xem là giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, tuy việc đầu tư cơ sở vật chất là yếu tố quan trọng nhưng cũng cần đầu tư có chất lượng, tránh việc đầu tư kiểu “lấp đầy” các tiêu chí, dẫn đến việc “đắp chiếu”, không ứng dụng trang thiết bị đã mua sắm cho hoạt động dạy học của thầy trò nhà trường.

Với các cơ sở đã ĐCQG cần phải tiếp tục phát huy và duy trì chất lượng. Theo đó, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của các địa phương thì bản thân các trường cần phải phát huy nội lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để giữ vững danh hiệu, tránh tình trạng bị “tụt chuẩn” như một vài trường đang mắc phải. Vì thế, việc làm cần kíp là các nhà trường, địa phương phải thường xuyên kiểm tra, rà soát hiện trạng cơ sở vật chất, các tiêu chuẩn, tiêu chí cần đạt để tái đầu tư, không được “thả nổi” hoặc bỏ bẵng, “ngủ quên trên chiến thắng” khi trường đã ĐCQG.

Song song đó, cần tạo điều kiện để đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ góp phần nâng chuẩn đội ngũ giáo viên theo thông tư mới; đồng thời có kế hoạch thay thế, bổ sung cho những giáo viên không đủ chuẩn có nguyện vọng về hưu trước tuổi. Không chỉ vậy, các địa phương, đơn vị cần huy động, lồng ghép các nguồn lực (nguồn nông thôn mới, nguồn vận động xã hội hóa…) để đầu tư cơ sở vật chất, các công trình phụ trợ. Trước áp lực về sĩ số đông, đã đến lúc toàn ngành, cả hệ thống chính trị nên tính đến bài toán kêu gọi thu hút đầu tư, xây dựng hệ thống trường tư thục chất lượng cao để giảm gánh nặng sĩ số cho các trường công lập, tạo điều kiện để các trường nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Không dừng lại ở đó, với vai trò của mình UBND tỉnh cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác quy hoạch, phát triển giáo dục - đào tạo. Ưu tiên kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản để mở rộng quy mô trường lớp, tiến tới ĐCQG theo Thông tư 13, 14; đầu tư trang thiết bị dạy học, bàn ghế học sinh theo hướng đạt chuẩn để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đồng thời nên cân nhắc việc đầu tư xây dựng mới các trường theo hướng ĐCQG mức độ 2 (thông tư mới)...

Về phía Bộ GD-ĐT nên điều chỉnh các phụ lục đánh giá tiêu chuẩn 3 về cơ sở vật chất theo Thông tư 17 phù hợp với Thông tư 13; cân nhắc việc áp dụng diện tích các khối phòng theo Thông tư 13, 14 đối với các hạng mục công trình được xây dựng sau năm 2020… để tạo thuận lợi cho các địa phương trong lộ trình xây dựng trường chuẩn.

Chăm lo cho sự nghiệp giáo dục là một hành trình dài và trên hành trình ấy đòi hỏi phải có sự chung tay, tương trợ của cả hệ thống chính trị, các lực lượng xã hội, mọi tầng lớp nhân dân. Sức mạnh cộng hưởng này chính là bệ phóng, là động lực để Bạc Liêu nắm chắc chiếc “chìa khóa vàng” trên hành trình nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, lộ trình xây dựng trường ĐCQG mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã đề ra.

Kim Trúc

Nghị quyết 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XVI) về phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu: Phấn đấu năm 2025 sẽ đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trường học ĐCQG đạt trên 75%. Và đến năm 2030, tỷ lệ này nâng lên trên 90%.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.