Giáo dục - Học Đường
Ý nghĩa Dự án “Giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc Khmer”
Hội nhập và hiện đại hóa khiến giới trẻ (học sinh) Khmer ngày càng rời xa văn hóa truyền thống, đặc biệt là việc sử dụng tiếng Khmer trong giao tiếp hằng ngày. Lo lắng nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc sẽ mai một dần, nên nhóm tác giả Thạch Phát và Danh Ngọc Ái (lớp 12T, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, huyện Hòa Bình) đã thực hiện Dự án “Giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc Khmer của học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bạc Liêu”. Dự án đã “hiến kế” nhiều giải pháp hay và xuất sắc đoạt giải Tư Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật năm học 2024 - 2025 cấp tỉnh.
Danh Ngọc Ái và Thạch Phát thuyết trình dự án tại cuộc thi. Ảnh: ĐVCC
Các tác giả đã sử dụng bảng hỏi Google form (công cụ tạo biểu mẫu trực tuyến) để thu thập dữ liệu, đồng thời thực hiện khảo sát định tính thông qua phỏng vấn trực tiếp học sinh trường. Qua quá trình khảo sát thực tế về khả năng nói, đọc, hiểu, viết ngôn ngữ Khmer thì có 88,2% học sinh biết sơ lược, 7,8% biết thông thạo và 10% hoàn toàn không biết. Từ việc khảo sát thực tế, nhóm tác giả bắt đầu đánh giá thực trạng, xác định các yếu tố ảnh hưởng, từ đó cân nhắc giải pháp đề xuất sao cho xác hợp với tình hình thực tế tại trường.
Thạch Phát chia sẻ: “Hiện nay, một bộ phận giới trẻ (học sinh) có biểu hiện lơ là với những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Điều đáng báo động nhất là thực trạng không ít người Khmer không biết nói, đọc, viết ngôn ngữ của dân tộc mình. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này như tác động của những loại hình văn hóa ngoại nhập, việc lưu truyền giữa các thế hệ không được chú trọng nên nhiều thanh niên, học sinh không hiểu được giá trị di sản văn hóa vô giá của dân tộc mình”.
Từ mối bận tâm lớn này, dự án ý nghĩa của Phát và Ái đã đề ra nhiều giải pháp hay để duy trì và phát huy các giá trị văn hóa Khmer truyền thống như: Thiết kế bảng chữ cái Khmer đặt ở nơi dễ thấy để học sinh học mỗi ngày; giúp học sinh học nhạc cụ ngũ âm; khuyến khích học sinh mặc trang phục dân tộc, tham gia các lễ hội, trò chơi dân gian truyền thống…
Giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc Khmer cho học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự kiên trì. Tuy trường đã có nhiều nỗ lực đáng kể trong công tác này nhưng vẫn còn gặp không ít khó khăn. Bởi vậy, thời gian tới, cần lắm sự phối hợp chặt chẽ của gia đình - nhà trường - xã hội để tạo ra môi trường thuận lợi giúp nét đẹp văn hóa dân tộc Khmer được bảo tồn và phát huy.
Thư Các