Gương sáng học đường
Cô Trần Thị Kim Dung: Hết lòng vì con em đồng bào dân tộc
Theo gia đình đi kinh tế mới, Bạc Liêu đã trở thành “quê hương thứ hai” với cô Trần Thị Kim Dung (Tổ trưởng Tổ Văn - Sử - Địa, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh) sau quê mẹ huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình). Nhà nghèo, lại đông con với bộn bề khó khăn sau ngày đất nước thống nhất, chị em cô Dung sau giờ đến trường lại tất tả chạy về phụ ba mẹ đan đát, kéo lưới để cải thiện bữa ăn. Cuộc sống khó nghèo, chật vật là vậy, nhưng 4/7 anh chị em của cô đều cống hiến cho ngành Giáo dục. Và hiện tại chồng, con dâu của cô cũng đang hết lòng với nghề giáo.
Sau ngày tốt nghiệp đại học tại Cần Thơ, cô về nhận nhiệm vụ giảng dạy tại thị trấn Năm Căn (tỉnh Minh Hải cũ). Năm 1995, cô xin chuyển công tác về Trường phổ thông Dân tộc nội trú và giảng dạy đến tận bây giờ. Do đặc thù của một trường “chuyên biệt” đa phần là con em đồng bào dân tộc ở nội trú, nên ngoài sự quan tâm, chăm bồi tri thức với vai trò của giáo viên; cô còn dùng cả tình thương, sự bao dung và quan tâm của một người mẹ để đối đãi với học trò nhằm khỏa lấp trong các em sự thiếu thốn tình cảm khi phải sống xa gia đình, người thân. Mỗi tiết dạy của cô là thêm một chân trời tri thức rộng mở, chắp cánh cho những ước mơ đẹp của học trò người dân tộc Khmer bay cao, bay xa.
Nhà báo Danh Ngọc Hiếu (hiện công tác tại Báo Công an TP. HCM) vẫn còn nhớ như in những tháng ngày khó khăn, thiếu thốn khi còn học THPT tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Nhà anh rất nghèo, nên mỗi sáng trước khi lên lớp không có tiền để ăn sáng như các bạn. Bữa nọ, anh bệnh mà trong người không có một xu. Nằm trong phòng ký túc xá mà nước mắt ràn rụa, vậy rồi cô Kim Dung (lúc ấy là giáo viên chủ nhiệm) đã mang thuốc đến, dùng sữa bột của con mình khuấy cho anh ly sữa để lót dạ và những giọt ngọt ngào như “tình mẹ” ấy đã theo anh cho đến tận bây giờ.
Ngày hay tin mình đậu đại học Báo chí, anh chạy đến bên cô mà khóc, khóc vì vui và cũng vì cám cảnh chẳng biết lấy tiền đâu mà học. Vậy rồi cô bảo: “Gia đình em nghèo, chỉ có học vấn mới mong thay đổi cuộc sống sau này. Em cứ đi học, dù phải làm thuê làm mướn cũng phải quyết chí học cho nên người!”. Chính lời khuyên của cô Kim Dung đã trở thành động lực để anh phấn đấu vượt qua khó khăn và đạt được thành công như ngày hôm nay.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo, chứng kiến bao lớp học trò ra trường rồi thành danh, cô Kim Dung cảm thấy mãn nguyện vì mình cũng đóng góp một phần không nhỏ vào sự thành công của các thế hệ học trò. Học trò của cô có người là kỹ sư, bác sĩ, phóng viên, công an; người công tác tại tòa án, viện kiểm sát… nhưng hàng năm mỗi dịp lễ tết, đặc biệt là Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, dù công việc có bận rộn đến mấy vẫn tranh thủ thời gian về thăm cô, tri ân “người mẹ thứ hai” đã giúp họ công toại danh thành. “Hãy đối đãi tử tế, dùng sự bao dung của người thầy và tình yêu thương chân thành của những người cha người mẹ thật sự để chở che, bảo bọc học trò. Hãy cứ cho đi rồi bạn sẽ nhận lại thật nhiều, vì tình thương sẽ vun đắp tình thương và nhân đôi những nụ cười, hạnh phúc”, đó là phương châm sống và bám trụ với nghề mà cô Kim Dung luôn tâm đắc.
Thư Các
- Phấn đấu sản lượng vận tải năm 2025 tăng trên 8%
- Thanh tra tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Thường trực Tỉnh ủy làm việc với xã Định Thành A, huyện Đông Hải về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát và chuẩn bị Tết Quân - dân
- Toàn tỉnh Bạc Liêu có 184,509MWp tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà
- Huyện Hồng Dân: Gần 100 lao động hợp sức xây dựng cầu dây văng trị giá hơn 1 tỷ đồng