HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO
Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng: Cán bộ, công chức, viên chức phải là người nêu gương, thực hiện tốt chỉ đạo phòng chống dịch bệnh
Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng phát biểu chỉ đạo cuộc họp.
Ngày 30/7, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh tổ chức họp trực tuyến với Ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh chủ trì hội nghị. Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng dự và chỉ đạo cuộc họp.
Tại hội nghị, ngành Y tế tỉnh cho biết đang chuẩn bị 200 giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19. Ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế thông tin, Bộ Y tế sẽ cử đoàn cán bộ, chuyên gia đến hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Trong 11 ngày thực hiện giãn cách xã hội đã ghi nhận 17 trường hợp nhiễm COVID-19. Tất cả đều là công dân về từ vùng dịch, được phát hiện, quản lý kịp thời nên không lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo báo cáo của các địa phương, qua 12 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, việc thực hiện của người dân khá nghiêm túc. Các địa phương đã thành lập nhiều chốt kiểm soát, nhiều tổ kiểm tra lưu động trên các tuyến đường liên xã, liên huyện (cả đường bộ và đường thủy) để nhắc nhở, tăng cường xử phạt những trường hợp không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt là các trường hợp ra đường không có lý do rõ ràng.
Công tác chuẩn bị các khu cách ly tập trung để đón người dân về từ vùng dịch vào cách ly phòng bệnh COVID-19 cũng được các địa phương tiến hành khẩn trương theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Nhiều địa phương cũng đang tổ chức vận động các mặt hàng thiết yếu để gởi hỗ trợ người dân của địa phương mình đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Sở LĐ-TB&XH cho biết công tác triển khai gói hỗ trợ 26 ngàn tỷ đồng của Chính phủ đang được các địa phương rà soát các đối tượng thụ hưởng. Đối với chính sách giảm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đã giảm 561 đơn vị, trên 5.000 lao động với số tiền trên 4 tỷ đồng. Đối với vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Cao Xuân Thu Vân đề nghị các địa phương khẩn trương gởi ngay danh sách các đối tượng về tỉnh để nhanh chóng tiến hành hỗ trợ. Các đối tượng còn sót lại sẽ tiến hành thống kê, hỗ trợ sau, không chờ thống kê đủ mới gởi về tỉnh.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh, cho biết tỉnh đang từng bước tiến hành công tác rước người dân từ các vùng dịch về. Ngành Y tế cần chuẩn bị đủ các trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch. Hướng dẫn thành lập Trung tâm hỗ trợ cấp tỉnh và cấp huyện để đáp ứng kịp thời các yêu cầu của người dân. Xây dựng phương án năng lực điều trị, cách ly của tỉnh và các địa phương, không để bị động trước các tình huống. Công tác tiêm vắc-xin phải triển phai đúng kế hoạch, đúng đối tượng ưu tiên.
Sở Tài chính cần linh hoạt, bố trí đủ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngành Công thương phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở công tác phòng, chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có đông lao động. Chủ động kiểm tra thị trường, giá cả hàng hóa.
Sở GT-VT phải nắm chặt các tài xế, nhất là các trường hợp vào tỉnh từ địa phương khác. Ngành Nông nghiệp cần có phương án sản xuất cụ thể trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Phải có đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của người dân, đảm bảo lương thực đầy đủ.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng thay mặt Tỉnh ủy cảm ơn Nhân dân tỉnh nhà đã chấp hành tốt chủ trương giãn cách xã hội trong thời gian qua và biểu dương các lực lượng đã hết mình trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời nhấn mạnh: Các ngành, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở để người dân thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới. Cán bộ, công chức, viên chức phải là người nêu gương, thực hiện tốt chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, của tỉnh.
Quang cảnh cuộc họp.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, phải thực hiện Chỉ thị 16 thật nghiêm. Lãnh đạo các cấp phải luôn động viên, nhắc nhở các lực lượng tuyến đầu thực hiện nhiệm vụ thật tốt, phải bảo đảm công tác hậu cần cho các lực lượng này.
Đảm bảo cơ sở vật chất, kinh phí nhằm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, nhất là sẵn sàng các điều kiện để chuẩn bị rước công dân từ các tỉnh đang có dịch gặp khó khăn về cách ly phòng bệnh. Với phương châm đảm bảo sức khỏe cho người dân là trên hết, nên các đơn vị, địa phương liên quan cần tính toán kỹ, kể cả hậu cần, lực lượng phục vụ, y tế...
Việc thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ phải thực hiện nhanh, không được chậm trễ. Phải tiến hành hỗ trợ ngay, không được chờ đủ danh sách mới cấp phát vì thời điểm này người dân đang gặp rất nhiều khó khăn, cần sự hỗ trợ, chung tay của chính quyền.
Cần chủ động thành lập các tổ, đội cung cấp, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân từ tỉnh đến địa phương nhằm chủ động trong mọi tình huống.
Phải quản lý chặt địa bàn. Các sở, ngành cấp tỉnh phải phân công Ban giám đốc trực đêm để ứng phó tình huống trong phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Các lực lượng vũ trang phải giữ vững an ninh chính trị, xã hội của tỉnh. Cơ quan truyền thông phải tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu, chấp hành tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Kiên quyết thực hiện phương châm “thần tốc, quyết liệt, nhanh hơn, hiệu quả hơn” trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tin, ảnh: C.K