HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO
Bộ NN&PTNT: Đánh giá hiện trạng và giải pháp trọng tâm của ngành tôm năm 2021 với 28 tỉnh, thành phố ven biển
Ngày 16/7/2021 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển, nhằm đánh giá hiện trạng và giải pháp trọng tâm của ngành tôm năm 2021. Đồng thời, triển khai Quyết định 339 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Dự hội nghị tại điểm cầu Bạc Liêu có ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 tuy bị tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 nhưng giá trị tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp đạt khá cao. Đặc biệt là ngành tôm nuôi, tôm nước lợ đã đóng góp rất lớn cho kết quả tăng trưởng này. Cụ thể, năm 2020, với diện tích thả nuôi tôm nước lợ hơn 742 ngàn 400 ha, đã cho tổng sản lượng đạt 900 ngàn tấn, tăng 12% so với năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng tôm nuôi đạt 371 ngàn tấn, tăng 12% so cùng kỳ, ước kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt mức 1,5 tỷ USD.
Tại hội nghị, các vấn đề về tiềm năng phát triển nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao; việc quản lý môi trường nuôi tôm; phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi; công tác tổ chức sản xuất, chế biến và mở rộng thị trường xuất khẩu tôm nước lợ… đã được các đại biểu các địa phương thảo luận, đưa ra các giải pháp cho năm 2021 và các năm tiếp theo.
Thu hoạch tôm công nghệ cao của công ty Việt Úc TP. Bạc Liêu.
Tham luận với hội nghị, ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Bạc Liêu nằm ở giữa các tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng - có diện tích nuôi tôm hơn 135 ngàn ha, là vùng trọng điểm nuôi tôm nước lợ của cả nước nên có tiềm năng và dư địa rất lớn trong việc phát triển chuỗi giá trị ngành tôm. Bạc Liêu cũng đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển ngành tôm Việt Nam và xây dựng thương hiệu phục vụ cho phát triển bền vững.
Đặc biệt, trong năm qua và 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù sản xuất nông nghiệp gặp những khó khăn do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh COVID-19, nhưng toàn ngành nông nghiệp đã chủ động thực hiện công tác phòng chống hạn, mặn, điều tiết nước phục vụ sản xuất. Nhờ đó, mức tăng trưởng của ngành đạt 6,42%, trong đó thủy sản chiếm trên 58% giá trị toàn ngành, đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh đạt 7,17% và Ngành Nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò là “trụ đỡ” quan trọng trong phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả thuận lợi về tiềm năng phát triển nghề nuôi tôm nước lợ thì ngành tôm của Bạc Liêu cũng đang phải đối mặt những khó khăn như: dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kênh phân phối sản phẩm đứt gãy, gián đoạn ở một số thị trường xuất khẩu; giá tôm nguyên liệu ngày càng giảm; tình hình thời tiết cũng đang diễn biến phức tạp, bất lợi cho người nuôi tôm, hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ... Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đã đề nghị Bộ NN&PTNT sớm hỗ trợ Bạc Liêu một số khó khăn, vướng mắc.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phùng Đức Tiến đánh giá cao những nỗ lực của Bạc Liêu, cùng những kết quả rất nổi bật trong phát triển hệ thống sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Đồng thời, ghi nhận các kiến nghị của tỉnh để khẩn trương xử lí, sớm giúp Bạc Liêu phát triển ngành tôm ổn định, bền vững. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh: Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19, một số chuỗi cung ứng bị đứt gãy, logistic không thuận lợi, giá tôm sụt giảm, giá cước vận tải tăng, thời tiết, môi trường có những diễn biến bất thường... là những trở ngại ảnh hưởng đến ngành tôm. Vì vậy, nhằm phát triển bền vững ngành tôm nước lợ, đáp ứng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị toàn ngành và các địa phương phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ về giống, nuôi trồng, thú y phòng bệnh và bảo quản sau thu hoạch. Bên cạnh đó, cơ cấu lại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi và nâng cao giá trị đối với sản phẩm tôm nước lợ.
Cũng tại hội nghị, Bộ NN&PTNT đã Triển khai Quyết định 339, ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 .
Tin, ảnh: Lư Dũng