HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO
Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đối thoại với nông dân
Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều phát biểu tại buổi gặp gỡ đối thoại với nông dân. Ảnh: M.Đ
Sáng 29/12, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đã chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân với chủ đề "Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân trong sản xuất, kinh doanh". Dự hội nghị có lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, các sở, ban ngành và hơn 100 cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh.
Tại hội nghị, các cán bộ, hội viên và nông dân trong tỉnh đã kiến nghị nhiều ý kiến với Chủ tịch UBND tỉnh như: đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp; kiểm soát chất lượng cây - con giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đảm bảo đầu vào trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ vay vốn phát triển các mô hình nông nghiệp có tiềm năng; hỗ trợ nông dân khi có dịch bệnh xảy; ô nhiễm môi trường nước trong nuôi tôm siêu thâm canh ảnh hưởng đến những hộ nuôi quảng canh; biện pháp xử lý cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường; xây dựng nhãn mác, thương hiệu nông sản; vấn đề thi công các công trình thủy lợi, điều tiết nước phục vụ sản xuất; bình ổn giá lúa, giá tôm, lươn, cá sấu; hỗ trợ bao tiêu; biện pháp hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khi hậu đến sản xuất nông nghiệp…
Sau gần 60 lượt ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân đặt ra, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đã phân công lãnh đạo các sở, ngành tỉnh trả lời trực tiếp các vấn đề đặt ra.
Cán bộ, hội viên nông dân phát biểu ý kiến tại cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân. Ảnh: M.Đ
Phát biểu kết thúc đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều biểu dương hội nghị đã phát huy tốt tinh thần thẳng thắn, cởi mở, các ý kiến, kiến nghị nêu rất cụ thể; các cơ quan, đơn vị tham gia trả lời tâm huyết và trách nhiệm. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành tỉnh cần nghiêm túc tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của bà con nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp trực tiếp đặt ra tại hội nghị. Theo đó, kịp thời giải quyết theo thẩm quyền và tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh xem xét, giải quyết; rà soát các quy định, chính sách của Trung ương, của tỉnh; từ đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, để các nghị quyết, cơ chế chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng nhanh khoa học - công nghệ, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu sản phẩm, ứng dụng tem nhãn truy xuất nguồn gốc theo mã QR, chuyển đổi số trong nông nghiệp, thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Rà soát, báo cáo kết quả bước đầu mô hình nông nghiệp hữu cơ và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đi đầu trong áp dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển sản xuất, kinh doanh; chú trọng phát triển kinh tế tập thể, liên kết với doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình. Tăng cường quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sàn thương mại điện tử, xây dựng chuỗi cửa hàng nông sản an toàn…
THANH MAI
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững