HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO
Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Ngành Giáo dục cần chú trọng đến chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chuyển đổi số
Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân.
Chiều 21/8, Sở GD-ĐT tổ chức tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024. Dự hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều.
Theo đánh giá, năm học 2022 - 2023, ngành GD-ĐT đã chủ động, kịp thời chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh được sắp xếp, bố trí phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư xây dựng, mua sắm bổ sung phục vụ cho hoạt động dạy và học. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được các địa phương quan tâm thực hiện, đạt tỷ lệ khá cao, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Trẻ mầm non đến trường được đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất lẫn tinh thần, được cân, đo và theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng, được khám sức khỏe theo quy định. Chất lượng giáo dục phổ thông tiếp tục được duy trì, ổn định và đạt ở mức khá cao: Tiểu học có 96,69% học sinh hoàn thành chương trình lớp học, tỷ lệ học sinh được đánh giá mức độ hoàn thành và hoàn thành tốt ở môn Tiếng Việt, Toán đều đạt trên 96%; THCS có 99,37% học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt và 67,04% học sinh xếp loại học lực khá, giỏi; THPT có 98,95% xếp loại hạnh kiểm khá, tốt và 61,21% học sinh xếp loại học lực khá, giỏi; kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có 99,89% học sinh đỗ tốt nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều tặng Bằng khen cho các tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2022 - 2023.
Chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp được nâng lên và chuẩn hóa. Đến cuối năm học 2022 - 2023, tỷ lệ nhà giáo đạt chuẩn về trình độ chuyên môn theo Luật Giáo dục 2019 của cấp học mầm non là 98,13% (trong đó trên chuẩn 70,88%); cấp học tiểu học 92,94%; cấp học THCS 93,39%, cấp học THPT 100% (trong đó trên chuẩn 15,59%).
Các cơ sở giáo dục đã chú trọng đổi mới công tác quản trị nhà trường theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình; tổ chức đề xuất lựa chọn sách giáo khoa theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, thiết bị dạy học, các nguồn học liệu hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế dạy học của mỗi nhà trường; chất lượng học sinh phần lớn đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành GD-ĐT tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: Số trường có quy mô nhỏ còn khá nhiều, nhất là cấp học mầm non; tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường còn thấp so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Mặc dù tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, nhưng theo các quy định của Bộ GD-ĐT hiện nay thì phần lớn cơ sở vật chất của các trường học trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng với tiêu chuẩn mới.
Đội ngũ giáo viên còn thiếu so với định mức; việc tuyển dụng bổ sung giáo viên chưa đáp ứng kịp yêu cầu (do thiếu nguồn tuyển và thực hiện tinh giản biên chế) dẫn đến khó khăn trong việc bố trí giáo viên, nhất là giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Đối với các môn học mới, môn học tích hợp chưa có giáo viên đáp ứng yêu cầu, vẫn phải bố trí giáo viên các môn hiện tại để giảng dạy gây khó khăn trong việc sắp xếp giáo viên và xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.
Ngoài việc thiếu giáo viên, các cơ sở giáo dục còn thiếu các chức danh khác như: nhân viên văn thư, kế toán, thư viện, y tế… nhưng không thể tuyển dụng được.
Thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi mầm non đã được cải thiện đáng kể từ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương và địa phương nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học ở các cấp học, ngành học, còn 24 điểm trường chưa có đồ chơi ngoài trời (chủ yếu là điểm lẻ),… Những khó khăn này phần nào ảnh hưởng đến việc đảm bảo yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở một số trường phổ thông còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Năm học 2023 - 2024, toàn ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ của nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2023 - 2024 là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới quản lý, giảng dạy và học tập nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, toàn ngành tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục rà soát, sắp xếp, bố trí hợp lý mạng lưới trường học; Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng - an ninh; Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục; Tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều ghi nhận và biểu dương những kết quả ngành Giáo dục đạt được trong năm học qua. Đồng thời, để năm học mới 2023 - 2024 đạt nhiều kết quả hơn, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành GD-ĐT cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả 12 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục đã được Bộ GD-ĐT triển khai. Trong đó, chú trọng đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chuyển đổi số...
Tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành. Đồng thời cụ thể hóa việc thực hiện Chương trình hành động, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh trong năm học này và những năm tiếp theo sát với tình hình thực tiễn của ngành. Trong đó tập trung chỉ đạo các chỉ tiêu đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao để triển khai thực hiện kịp thời trong năm học mới.
Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với công chức, viên chức và người lao động để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành. Rà soát, kiểm tra, đôn đốc đảm bảo đủ cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục trước thềm năm học mới. Khẩn trương xây dựng kế hoạch, tuyển dụng số biên chế được giao theo quy định; đồng thời phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan khắc phục tình trạng cơ cấu đội ngũ giáo viên còn bất cập giữa các cấp học và các địa bàn của địa phương; thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; trong trường hợp chưa thể tuyển dụng đủ giáo viên theo định mức thì thực hiện các giải pháp hợp đồng giáo viên theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ
Quan tâm, đẩy mạnh thực hiện nhiều phong trào thi đua trong ngành Giáo dục trong năm học 2023 - 2024 phù hợp với chủ đề năm học, từ đó để các phong trào thi đua thật sự là động lực cho sự phát triển của toàn ngành.
Xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao và thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT 2018.
Tiếp tục xây dựng kỷ cương, nền nếp trong các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong đó, giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng; giáo dục mầm non chú trọng việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Quan tâm đúng mức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; giáo dục thẩm mỹ, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, phòng chống bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, tội phạm ma túy,…; phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.
Tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được triển khai trong thời gian qua nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện làm nền tảng để phát triển chất lượng giáo dục mũi nhọn. Tiếp tục triển khai Chương trình GDPT 2018 bảo đảm chất lượng và hiệu quả.
Tích cực tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm phát triển chất lượng giáo dục của tỉnh nhà. Trong đó có chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục thành tích cao. Giao Sở GD-ĐT phối hợp với các ngành khẩn trương tham mưu, đề xuất dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh trong việc ban hành “chính sách khen thưởng khuyến khích đối với tập thể, cá nhân đạt thành tích cao trong lĩnh vực GD-ĐT trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu” hoàn thành trước ngày 31/8/2023.
Thực hiện tốt các chính sách và có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em được đến trường học tập. Tập trung ưu tiên phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng có nhiều đồng bào dân tộc Khmer, nhằm nâng cao dân trí, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về giáo dục giữa các vùng.
Giám đốc Sở GD-ĐT - Lâm Thị Sang tặng Bảng tuyên dương các đơn vị đoạt hạng Nhất trong các phong trào thi đua của ngành, năm học 2022 - 2023.
Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong GD-ĐT. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và Bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành cấp tỉnh tiếp tục quan tâm phối hợp, cùng với Sở GD-ĐT kịp thời tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp GD-ĐT tỉnh nhà phát triển ổn định, bền vững, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của quê hương Bạc Liêu.
Dịp này, có 20 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều tập thể, cá nhân nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và Bảng tuyên dương của Giám đốc Sở GD-ĐT…
Tin, ảnh: C.K
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt làm việc với các bệnh viện về tình hình chuẩn bị đại hội
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Thăm, chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại các cơ sở giáo dục
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm cấp cơ sở tại 2 huyện Vĩnh Lợi và Hòa Bình
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ