HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO

Hội nghị trực tuyến báo cáo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII

Thứ Hai, 11/10/2021 | 17:09

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bạc Liêu. Ảnh: H.T

(BL-TT) Chiều 11/10, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị báo cáo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII. Đồng chí Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì và trực tiếp báo cáo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 4 vừa qua.

Tại Bạc Liêu, dự điểm cầu cấp tỉnh có các đồng chí: Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy… Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo các địa phương tổ chức điểm cầu cấp huyện do các đồng chí huyện, thị, thành ủy chủ trì Hội nghị.

Sau hơn 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. BCH Trung ương Đảng đã đánh giá: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự ảnh hưởng nặng nề của các đợt bùng phát dịch COVID-19, nhưng cả nước vẫn đạt được những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực: giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản đảm bảo các cân đối lớn, lạm phát được kiểm soát; thu ngân sách vượt dự toán (đạt 80,2%), cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm  vụ cấp bách; xuất khẩu hàng hóa tăng 24,4% so với cùng kỳ. Đặc biệt là, đã kịp thời ứng phó và thực hiện các chính sách hỗ trợ để khắc phục, giải quyết khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; công tác quốc phòng - an ninh, đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, tiếp tục nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, Hội nghị cũng đã đánh giá những khó khăn, hạn chế và dự đoán là 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Kinh tế vĩ mô tiềm ẩn một số rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc trong khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh, ước nhập siêu cả năm khoảng 2 tỷ USD, chủ yếu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, máy móc, thiết bị. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp, chậm được khắc phục, nhất là vốn ODA và vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài. Tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề; riêng trong quý 3/2021, tỷ lệ thất nghiệp là 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất từ quý 1/2020 đến nay. Nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển sản xuất, chuyển đơn hàng tạm thời. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể vẫn ở mức khá cao.

Dự báo, từ đây đến cuối năm, thậm chí đến năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Do đó, cần phải có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thời, với những kết quả đạt được và hạn chế, khó khăn, BCH Trung ương Đảng xác định nhiệm vụ giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2021 như: Tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch Covid-19; nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân; ngăn chặn, không để dịch lan rộng, nhất là các địa bàn đặc biệt quan trọng, các khu đô thị lớn, khu công nghiệp. Chủ động dự báo, hoàn thiện các kịch bản, phương án phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới. Hoàn thành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Khẩn trương rà soát, tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc; xử lý các vấn đề tồn đọng, điểm nghẽn, giảm thiểu các thủ tục và chi phí trong sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa; tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân (thuế, phí, lãi suất…). Có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế, cũng như tránh sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn (cả Nhà nước và tư nhân), có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế. Chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, trọng điểm quốc gia.

Gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam; chú trọng thực hiện chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao năng lực hệ thống y tế. Đồng thời chăm lo sức khỏe, đời sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục; trong đó dựa trên tình hình thực tế để đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp. Cho phép học sinh trở lại trường học bình thường ở những nơi an toàn, kiểm soát được dịch bệnh.

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. Tập trung thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các sự kiện lớn của đất nước; chú trọng tuyên truyền, cổ vũ những gương người tốt, việc tốt; kịp thời phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, không để đối tượng thù địch lợi dụng; đấu tranh ngăn chặn các thông tin xấu, độc, xử lý nghiêm các vi phạm…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.