HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO
Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế
(BL-KP) Ngày 30/10 là ngày làm việc cuối cùng của đợt 1 kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.
Trong ngày làm việc cuối cùng của đợt họp trực tuyến, Quốc hội thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Dự phiên họp tại điểm cầu Bạc Liêu, có đồng chí Lữ Văn Hùng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, cùng các ĐBQH của Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu.
Đồng chí Lữ Văn Hùng - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu chủ trì phiên họp tại điểm cầu Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ
Buổi sáng, Quốc hội thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra 5 quan điểm. Trong đó, nhấn mạnh tập trung khắc phục những hạn chế, hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm của Kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020; bổ sung các nhiệm vụ nhằm tận dụng các cơ hội, các mô hình kinh doanh mới và giải quyết tốt các vấn đề chiến lược để phát triển nhanh và bền vững. Cơ cấu lại nền kinh tế phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện đồng bộ, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa Trung ương với địa phương, là bước đi cần thiết để đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Các ý kiến thảo luận buổi sáng của các ĐBQH đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn (2016 - 2020) theo Nghị quyết số 24, ngày 8/11/2016 của Quốc hội. Các đại biểu cho rằng, trong 5 năm qua, nền kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, một số lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế, nhất là ngành nông nghiệp, chế biến chế tạo… được quan tâm đầu tư, không gian thị trường được mở rộng. Từ đó, niềm tin về Đảng, Nhà nước và chế độ ngày càng được cải thiện, thu nhập của người dân được nâng lên, đời sống đô thị và người dân miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc được cải thiện.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 vẫn còn những tồn tại, bất cập nhất định. Cụ thể là, qua tái cơ cấu thời gian qua cho thấy kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Nhà nước chỉ mới tập trung đẩy mạnh đến tái cơ cấu theo vùng trung tâm, khu vực đô thị mà chưa có đề cập sâu đến tái cơ cấu kinh tế không gian khu vực trung du, miền núi. Chưa gắn kết được sự liên kết chặt theo từng vùng, từng khu vực cụ thể để tạo động lực, sự liên kết trong phát triển đồng bộ.
Các đại biểu Quốc hội đề xuất Chính phủ cần tập trung nhiều hơn nữa để kinh tế tư nhân phát triển, tạo môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Cần nâng cao giá trị nền kinh tế thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ, thay đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao, cơ cấu lại thị trường khoa học công nghệ. Cần chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ quyền lợi người lao động...
* Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Quốc hội xác định, quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch tài nguyên đặc biệt, phải đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước phát triển nhanh, bền vững. Phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất (quy hoạch xây dựng, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch tỉnh) đảm bảo tính liên vùng, liên tỉnh, kết nối giao thông, hành lang kinh tế ven biển; gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn; giữa yêu cầu công nghiệp hóa với nhu cầu đô thị hóa trên bình diện quốc gia và từng địa phương.
Buổi chiều các ĐBQH cũng đã thảo luận trực tuyến liên quan đến những vấn đề vướng mắc trong quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt các đại biểu băn khoăn trước tầm nhìn về quy hoạch sử dụng đất, đề nghị cần sớm sửa đổi Luật Đất đai hiện hành và các quy định pháp luật có liên quan chưa thống nhất; cần sửa đổi nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo đồng bộ với các quy hoạch đất rừng phòng hộ, đất trồng lúa nước, đất an ninh quốc phòng làm sao phải tính đến yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu; đảm bảo tính liên kết, tính khoa học hiện đại và quan tâm đến vấn đề sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất trong tương lai.
Cuối phiên họp buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024
- Họp báo thông tin về kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa X
- Bàn giải pháp nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống thiên tai vùng ĐBSCL
- Quốc hội thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu: Hơn 260 học sinh - sinh viên được tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước