HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO
Quốc hội thảo luận về Luật bảo về quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
(BL-KP) Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 10/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu tại phiên họp ngày 10/11. Ảnh: QH
Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Theo đó, kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp có 465 ĐBQH tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 93,37%. Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 sau khi bổ sung, chỉnh lý gồm 4 Điều.
Điều hành thảo luận dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH tập trung thảo luận các nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cụ thể gợi ý 7 nội dung lớn cần tập trung thảo luận.
Các ĐBQH đã cho nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và sử dụng thông tin của người tiêu dùng để khỏi bị lộ, lọt hoặc bị sử dụng thông tin trái phép; làm rõ khái niệm người tiêu dùng và vấn đề xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đặt vấn đề liên quan đến sự cần thiết quy định chi tiết về loại hình bán hàng trực tiếp, bán hàng đa cấp; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng; những quy định bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng chưa cụ thể. Đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi cấm, các công ty, tổ chức phải chịu trách nhiệm về những thông tin quảng cáo của mình. Quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra; quy định cụ thể hơn về tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quy định rõ hơn về bảo vệ nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương…
Kết thúc phiên thảo luận, có 21 đại biểu phát biểu, 2 đại biểu tranh luận; Thứ trưởng Bộ Công thương đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH.
* Trước đó, sáng cùng ngày, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung Phiên họp.
Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp có 443 ĐBQH tán thành thông qua Luật, chiếm 88,96%.
Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải. Có 21 đại biểu phát biểu, 4 lượt đại biểu tranh luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình, tiếp thu ý kiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; hoàn thiện các quy định về kinh tế tập thể phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển mới, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.