HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam: Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện hạ tầng nghề muối ở Bạc Liêu
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam phát biểu tại buổi làm việc.
Sau khi khảo sát thực tế tại các vùng sản xuất muối trọng điểm của tỉnh, chiều 19/9, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu. Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và UBND 2 huyện Hòa Bình và Đông Hải.
Tại buổi làm việc, các đại biểu được nghe đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT báo cáo sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển của nghề muối ở Bạc Liêu. Đặc biệt, năm 2013, sản phẩm “Muối ăn Bạc Liêu” được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; đến năm 2020, nghề thủ công truyền thống “Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu” tại huyện Đông Hải và huyện Hòa Bình được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia. Theo quy hoạch, diện tích sản xuất muối của tỉnh đến năm 2030 là 1.360ha.
Tuy nhiên, nghề làm muối truyền thống trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, trở lực như: hạ tầng nghề muối chưa đồng bộ, xuống cấp, kênh mương dẫn nước bị bồi lắng nhanh, các kênh phân phối, tiêu thụ, xúc tiến thương mại còn hạn chế; hệ thống lưu trữ muối còn sơ xài, diêm dân chủ yếu làm nghề theo cách truyền thống, thiếu đầu tư trang thiết bị;… các doanh nghiệp chế biến muối trên địa bàn tỉnh chỉ dừng lại ở chế biến muối tinh, muối i-ốt,... chưa tạo ra nhiều sản phẩm từ muối có giá trị gia tăng; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm muối Bạc Liêu còn nhiều hạn chế.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung làm rõ các vấn đề còn tồn tại, hạn chế của nghề làm muối Bạc Liêu, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể như: đầu tư hệ thống kho lưu trữ muối di động để giải quyết bài toán thiếu kho bãi tích trữ muối sau thu hoạch; hoàn thành việc quy hoạch phát triển nghề muối; thành lập Hiệp hội Nghề muối tỉnh mà hạt nhân là các hợp tác xã; hình thành chuỗi logistics để phát triển nghề muối... Đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm nghề làm muối, thử chế biến và nếm thử các món ăn từ muối; chế biến các sản phẩm tinh chế từ muối để nâng cao gái trị hạt muối và hơn hết là gìn giữ và phát huy giá trị nghề truyền thống, để người làm muối thêm yêu nghề và sống được với nghề truyền thống.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đã thảo luận, góp ý để triển khai dự án hạ tầng nghề muối ở Bạc Liêu. Theo đó, toàn bộ hạ tầng cần được đầu tư có chiều dài 14,07km đường giao thông nông thôn theo tiêu chuẩn loại B; toàn tuyến có 15 cây cầu thép và 5 cây cầu bê-tông với tổng vốn đầu từ là 120 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam thông tin: Trung tuần tháng 4/2024, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bạc Liêu và các tỉnh, thành có nghề muối truyền thống tổ chức Festival để quảng bá, liên kết phát triển nghề muối, thông qua đó cũng tạo điều kiện để tiếp cận các nhà đầu tư, đầu mối tiêu thụ, chế biến, nâng cao giá trị hạt muối. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện hạ tầng nghề muối ở Bạc Liêu để giúp tỉnh phát triển bền vững lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất để dự án triển khai kịp thời, đúng tiến độ, mang lại lợi ích thiết thực cho bà con diêm dân trong vùng dự án. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng cần hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu trong việc tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, mở rộng thị trường. Song song đó, trong quá trình triển khai thực hiện dự án cũng cần tính đến việc phát triển du lịch cộng đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều phát biểu tại buổi làm việc và tiếp thu ý kiến của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều nhấn mạnh: Cùng với con tôm, cây lúa, thì nghề làm muối và giá trị hạt muối cũng là một thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp của Bạc Liêu. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một thực tế là lâu nay nghề làm muối, người làm muối chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của địa phương. Từ đó khiến cho hạ tầng nghề muối ngày một xuống cấp, giá cả hạt muối bấp bênh, đời sống diêm dân cứ chịu cảnh thiếu trước hụt sau. Do đó, việc quan tâm xây dựng hạ tầng phục vụ nghề muối là rất cấp thiết. Qua đó, giúp xây dựng thương hiệu hạt muối Bạc Liêu thông qua các sản phẩm chế biến muối chuyên sâu với bao bì, mẫu mã phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Mong rằng, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tỉnh trong việc phát triển đồng bộ, bao phủ toàn bộ diện tích sản xuất muối của tỉnh.
Tin, ảnh: C.L
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt làm việc với các bệnh viện về tình hình chuẩn bị đại hội
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Thăm, chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại các cơ sở giáo dục
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm cấp cơ sở tại 2 huyện Vĩnh Lợi và Hòa Bình
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ