HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO

Thủ tướng chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn cho giao thông ĐBSCL

Thứ Tư, 16/10/2024 | 16:34

Ngày 16/10, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cùng dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Trần Hồng Hà, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBCSL. Về phía tỉnh Bạc Liêu, tham dự hội nghị có đồng chí Lữ Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tinh thần hội nghị hôm nay, khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, không để trì trệ, không để kéo dài. Phân công thực hiện nhiệm vụ theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ kết quả”.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, các địa phương, nhà thầu… đánh giá lại sau 3 tháng (từ tháng 7/2024) tại cuộc họp của Thủ tướng, các bộ, ngành Trung ương với các địa phương về việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông trọng điểm triển khai tại ĐBSCL.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ĐBSCL có nhiều lợi thế, nhưng hạ tầng giao thông còn khó khăn, vận chuyển hàng hóa khó, làm tăng chi phí logistics, khó cạnh tranh sản phẩm. Vì vậy, phải nghiên cứu thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa vùng ĐBSCL, tích cực đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền… để hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm hiệu quả nhất. Thủ tướng đề nghị các bộ xem các vấn đề về thủ tục, bố trí nguồn vốn trên nguyên tác bố trí đủ nhu cầu của các địa phương; các địa phương xem nguyên vật liệu vướng cái gì, vướng ở đâu để báo cáo tại hội nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ.  

Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) và các địa phương luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Riêng Thủ tướng Chính phủ đã 5 lần trực tiếp kiểm tra hiện trường và làm việc với các địa phương để chỉ đạo, cho chủ trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án. Tuy nhiên, theo Bộ GT-VT, các dự án cao tốc đang triển khai tại ĐBSCL đều chậm tiến độ từ 4 - 15% so với kế hoạch.

Thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (đoạn qua tỉnh Bạc Liêu).

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GT-VT - Nguyễn Duy Lâm cho biết: Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án cao tốc đang triển khai đạt trên 99%, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công; riêng Dự án đường Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu thi công (đoạn qua tỉnh Kiên Giang đạt 56%, qua tỉnh Bạc Liêu đạt 82%); Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ còn vướng mặt bằng tại nút giao Lộ Tẻ (đoạn qua TP. Cần Thơ).

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, để đảm bảo hoàn thành các dự án theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết, tập trung chỉ đạo các nhà thầu huy động tối đa các nguồn lực tài chính, nhân lực, thiết bị và quyết liệt tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, các nhà thầu đã huy động tổng số 450 mũi thi công, 6.500 nhân lực, 2.200 thiết bị phù hợp với điều kiện thi công tại ĐBSCL (riêng Dự án Cần Thơ - Cà Mau đã huy động 183 mũi thi công, 971 thiết bị, 3.000 nhân lực). Tuy nhiên, hầu hết các Dự án/Dự án thành phần (DATP) đều chậm tiến độ so với kế hoạch từ 4% đến 15%...

Tại hội nghị này, lãnh đạo các địa phương: Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp phép khai thác mỏ cát với các mỏ thương mại và mỏ theo cơ chế đặc thù của Trung ương. Đồng thời cũng phản ánh đa số các mỏ trữ lượng khai thác không đáp ứng yêu cầu, thiếu hụt so với đánh giá ban đầu, có mỏ không có cát khai thác. Một số mỏ cát ảnh hưởng đến sạt lở bờ sông, nên cần thời gian đánh giá đầy đủ tác động môi trường,… Các địa phương đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét bố trí thêm vốn trong năm 2024 với các dự án đang cần vốn để giải ngân kịp tiến độ…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Hôm nay là cuộc họp thứ 6 về vấn đề cao tốc ở ĐBSCL. Tôi đề nghị các Bộ, ban ngành Trung ương và các địa phương trên tinh thần khó ở đâu thì ở đó gỡ; bàn làm, không bàn lùi”. Thủ tướng cho biết, từ khi chúng ta bắt đầu nghiên cứu các dự án cao tốc ở ĐBSCL, với nhiều cuộc họp, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản để thực hiện. Chúng ta đã biến cái không thể thành cái có thể, từ khó thành dễ, từ không có tuyến đường đến có các dự án cụ thể và nhiều cây cầu lớn đã hoàn thành. Từ cánh đồng lúa bát ngát đến cao tốc hiện đại để góp phần phát triển ĐBSCL. Kết quả này là nỗ lực rất lớn. Thủ tướng yêu cầu, không để chậm tiến độ các dự án, phải hoàn thành mục tiêu 2025 phải có 3.000km cao tốc, trong đó ĐBSCL là 207km. Khó ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không để trì trệ, vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp trên. Theo quy hoạch, vùng ĐBSCL có 6 tuyến cao tốc, tổng chiều dài 1.200km. Vì vậy phải làm sao đến 2025 ĐBCSL có 550km đường cao tốc được đưa vào khai thác, đến 2030 có 1.200km. Các dự án nếu kéo dài sẽ lãng phí nguồn lực, nên chúng ta làm dựa trên đòi hỏi của nhân dân, của yêu cầu phát triển ĐBSCL. Và đã làm thì phải có sản phẩm cụ thể, kết quả cụ thể. “Giao thông phải đi trước mở đường để đưa ĐBSCL phát triển mạnh mẽ hơn. Chúng ta cần quyết tâm chính trị cao nhất” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin, ảnh: Chí Thức - Lư Dũng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.