HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO
Triển khai phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2022
Đồng chí Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo cải cải cách tư pháp tỉnh Bạc Liêu phát biểu kết luận hội nghị.
Chiều 31/3, đồng chí Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo cải cải cách tư pháp (CCTP) tỉnh Bạc Liêu đã chủ trì hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2022.
Trong năm 2021 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo CCTP tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chương trình trọng tâm công tác CCTP của Trung ương và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, góp phần tăng cường hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mặt công tác trong CCTP và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trong năm qua, ngành Công an đã tiếp nhận hơn 1.100 tin báo, giải quyết trên 1.000 vụ, đạt tỷ lệ hơn 90,8%; Viện kiểm sát 2 cấp trong tỉnh đã kiểm sát giải quyết 1.200 tin báo, tin tố giác tội phạm; thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 915 vụ với 988 bị can; thụ lý thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 533 vụ, với 866 bị can. Đã ban hành 690 yêu cầu điều tra, 47 kiến nghị đối với cơ quan điều tra, 18 kiến nghị đối với tòa án yêu cầu khắc phục vi phạm, 15 kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và nhiều văn bản yêu cầu, kháng nghị, kiến nghị đối với các cơ quan có liên quan. Tòa án hai cấp thụ lý 6.387 vụ án các loại, đã giải quyết 4.476 vụ, đạt tỷ lệ 70%. Thi hành án dân sự 2 cấp trong tỉnh cũng đã thụ lý hơn 12.200 việc, đã thi hành xong 5.890/9.777 việc có điều kiện thi hành.
Thảo luận tại cuộc họp, đại biểu của các ngành công an, kiểm sát, tòa án, tư pháp đã nêu lên những hạn chế, khó khăn và giải pháp trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm; công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử; công tác xét xử án hành chính; công tác giám định tư pháp; ý kiến của các địa phương như Thị ủy Giá Rai về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách tư pháp; huyện Vĩnh Lợi về thực trạng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Thị Ái Nam đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác CCTP năm 2021. Những kết quả, nhất là nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tư pháp và CCTP được nâng lên rõ rệt. Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Trung ương giao và đúng quy định pháp luật. Ban Nội chính làm tốt vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo CCTP, đặc biệt trong vấn đề tham mưu cho Ban chỉ đạo trong các mặt công tác liên quan đến công tác CCTP. Trưởng Ban chỉ đạo CCTP tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng của các cấp, các ngành trong công tác CCTP. Đề nghị các cấp, các ngành phải tự soi rọi lại mình, làm sao để công tác CCTP của năm 2022 phải có chuyển biến tốt hơn, hiệu quả hơn.
Để làm tốt hơn nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, đồng chí Lê Thị Ái Nam đề nghị các cấp ủy đảng, nhất là ở các huyện, thị xã, thành phố tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác CCTP, làm sao phải có chuyển biến thật sự, có hiệu quả cao hơn so với cùng kỳ, khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra trong năm 2021. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án kéo dài, dư luận bức xúc, quan tâm.
Những hạn chế được đồng chí Lê Thị Ái Nam chỉ ra, đó là việc tự kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng của các ngành, các cấp còn nhiều hạn chế, vẫn cần được chú ý, quan tâm hơn nữa. Nhất là công tác thanh tra, kiểm tra nhiều cuộc nhưng kiến nghị xử lý hành chính rất ít, đa phần là kiểm điểm rút kinh nghiệm. Không có vụ nào chuyển tra cơ quan điều tra. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị người đứng đầu cấp ủy đảng phải quan tâm đến vấn đề này, xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Bên cạnh đó, Trưởng Ban chỉ đạo CCTP tỉnh cũng lưu ý đến vấn đề tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tình hình tội ma túy ngày càng phức tạp, người nghiện trẻ hơn, len lỏi vào nông thôn.
Quang cảnh hội nghị.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, tổ chức bổ trợ tư pháp. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống tham nhũng, nhất là phát huy sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Phấn đấu không để xảy ra các vi phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, không để vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Giảm tỷ lệ án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán. Quan tâm chỉ đạo, đẩy nhanh việc xét xử các vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế, án đối với người có chức vụ. Có giải pháp nâng cao tỷ lệ thi hành án, thu hồi tài sản vi phạm, giảm án có điều kiện thi hành nhưng còn tồn đọng. Xây dựng đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp thật sự trong sạch, vững mạnh, khắc phục tình trạng cán bộ “vừa thừa vừa thiếu”. Không chỉ học tập, làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cán bộ ngành Tư pháp còn phải nêu gương.
Đồng chí Lê Thị Ái Nam cũng đề nghị tăng cường công tác giám sát, kiểm tra đối với các cơ quan tố tụng để kịp thời đề xuất các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các cơ quan này. Cùng với đó, các ngành, các địa phương quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho Nhân dân và làm tốt hơn nữa công tác bổ trợ tư pháp, quan tâm đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp phát huy được vai trò, trách nhiệm trong các hoạt động tư pháp, đặc biệt đối với công tác giám định tư pháp.
Tin, ảnh: K.P
- THỦ TƯỚNG TRAO QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM VÀ GIAO NHIỆM VỤ CHO 2 TÂN BỘ TRƯỞNG
- Khai mạc Hội chợ thương mại - Triển lãm sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu năm 2024
- Tập huấn chuyên sâu về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- Hội Cựu chiến binh TP. Bạc Liêu: Tổng kết công tác Hội năm 2024
- Tỉnh Bạc Liêu và Quảng Ngãi chia sẻ kinh nghiệm về công tác chống khai thác IUU