Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Học Bác về chăm lo đời sống cho nhân dân: Những "ông Bụt" giữa đời thường
Một trong những kết quả đáng phấn khởi qua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là ngoài những cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu còn có những quần chúng tích cực làm theo, âm thầm cống hiến...
Ông Hứa Tỷ vá đường trên tuyến cầu Kim Sơn (phường 3, TP. Bạc Liêu).
Mượn tiền giúp bệnh nhân nghèo
Số điện thoại 0918.988.658 được nhiều bệnh nhân nghèo lưu lại cẩn thận, rồi sau đó truyền tai nhau cho những người có cùng cảnh ngộ. Chủ nhân của số máy này là anh Huỳnh Công Bình (43 tuổi, ngụ phường 7, TP. Bạc Liêu), được nhiều người biết đến với dịch vụ xe cứu thương phục vụ bệnh nhân nghèo miễn phí.
Trước đây, là tài xế lái xe dịch vụ nên anh Bình nhiều lần chứng kiến cảnh bệnh nhân nghèo tử vong oan uổng do không có tiền chuyển bệnh lên tuyến trên. Bản thân anh Bình cũng đã thấu cảm được nỗi đau ấy khi mất đi một người em chỉ vì gia đình lúc đó không có tiền thuê xe, để rồi khi đưa được bệnh nhân đến nơi thì bác sĩ kết luận “đã quá muộn…”. Không muốn nỗi đau này lại đến với những gia đình nghèo, anh Bình quyết định… mượn lương hưu của cha để đầu tư mua xe cứu thương. Anh Huỳnh Công Bình chia sẻ: “Khi nghe tôi hỏi mượn tiền để mua xe cứu thương giúp bệnh nhân nghèo, không chỉ mắng tôi một trận mà ba tôi còn bảo tôi “là thằng khùng”, vì bản thân mình còn nghèo mà lo được cho ai. Thế nhưng, thấy tôi năn nỉ mãi, cuối cùng ba tôi cũng xiêu lòng, vét sạch túi được gần 300 triệu đồng mà ông chắt chiu cả đời để cho tôi mượn mua xe”.
Thời điểm đó là vào năm 2017, chiếc xe cứu thương 16 chỗ được trang bị đầy đủ các y cụ phục vụ cứu thương như: băng-ca, bình ô-xy, ống thở…, trung bình mỗi ngày tùy theo tuyến đường ngắn hay dài mà anh Bình phục vụ từ 2 - 3 chuyến cấp cứu miễn phí cho bệnh nhân nghèo từ tỉnh đến các huyện; chuyển bệnh nhân nghèo lên tuyến trên (TP. Hồ Chí Minh) và chuyển giúp cả những bệnh nhân đã tử vong ở bệnh viện về nhà.
Trước đây, cả gia đình anh Bình sống dựa vào nguồn thu nhập chạy xe dịch vụ của anh; nhưng kể từ khi mua xe cứu thương phục vụ miễn phí bệnh nhân nghèo, anh Bình mải bận bịu với việc giúp đỡ bệnh nhân nghèo, khi rảnh thì mới chạy vài cuốc xe để kiếm tiền… đổ xăng. Vậy là vợ anh Bình - chị Nguyễn Thị Dân phải từ bỏ công việc nội trợ, đẩy xe bán hàng rong (bán bánh bò nướng) để tạo thêm thu nhập lo cho cuộc sống và chia sẻ gánh nặng với chồng. Vợ anh Bình bộc bạch: “Việc mua bán tuy cực nhọc, nhưng thấy chồng làm việc nghĩa rất đáng quý, và hơn hết là anh Bình rất vui với công việc này nên tôi hết lòng ủng hộ. Xuất thân từ cảnh nghèo nên tôi hiểu được nỗi khổ của người nghèo nên hễ giúp được gì là tôi giúp ngay”.
Anh Huỳnh Công Bình nhận điện thoại vận chuyển bệnh nhân nghèo miễn phí. Ảnh: L.D
Lo cho người sống, an lòng người khuất
Phải khẳng định rằng, trong nỗi vất vả mưu sinh vì “cơm áo gạo tiền” vẫn còn đó nhiều tấm lòng thơm thảo, họ âm thầm cống hiến cho cộng đồng và chưa bao giờ nghĩ rằng làm việc nghĩa để được tuyên dương. Đó là trường hợp của ông Hứa Tỷ (phường 5, TP. Bạc Liêu), đã hơn 20 năm vá đường không công. Năm nay, ông Tỷ đã bước sang tuổi 73, nhưng gần như nơi nào mặt đường hư, xuất hiện “ổ gà”, “ổ voi” là người ta lại thấy ông xuất hiện, mang đến sự an toàn cho nhiều người tham gia giao thông. Hình ảnh một ông lão lom khom bất kể nắng mưa, ì ạch khuân vác từ bao đá, bao cát, lưng áo ướt đẫm mồ hôi cặm cụi vá đường khiến cho nhiều người cảm phục.
Đáng quý hơn cả là ông Tỷ dành dụm tất cả số tiền kiếm được từ nghề chở bình gas mướn, với mỗi tháng hơn 2 triệu đồng đều dành cho việc mua nguyên vật liệu như: cát, đá, xi-măng, nhựa đường, dầu nhớt… để vá đường. Ông Hứa Tỷ cho biết: “Nhiều lần chứng kiến những vụ tai nạn thương tâm do đường hư khiến tôi trăn trở và đau xót lắm. Mình già rồi đâu cần tiền nhiều để làm gì, cơm ăn hàng ngày thì có đứa em phụ giúp nên làm được bao nhiêu tiền tôi đều dùng cho việc dặm vá đường. Nhà nước đã đầu tư cho những công trình lớn, thì còn mấy chỗ hư hỏng nhỏ mình làm được thì nên tự làm chứ đợi chờ gì…”.
Nếu như ông Hứa Tỷ lo cho người sống, thì ông Viên Quang Tỷ (63 tuổi, ngụ thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) lại quan tâm đến người đã mất. Với quan niệm dân gian “sống có nhà, chết có mồ”, nên đối với nhiều hộ nghèo, muốn mua một mảnh đất để chôn người thân không phải là chuyện dễ. Thấu hiểu được nỗi khổ ấy, từ năm 2008 đến nay, ông Viên Quang Tỷ đã vận động cộng đồng và người thân đóng góp hàng trăm triệu đồng để mua áo quan hỗ trợ hộ nghèo có người thân mất mà gia đình không có tiền lo hậu sự. Đặc biệt, ông Tỷ còn cho đất để các hộ nghèo chôn người thân. Ngoài ra, nếu hộ nghèo nào quá khó khăn, ông hỗ trợ tẩn liệm, tổ chức xe tang đưa người mất đến nơi an nghỉ cuối cùng. Nghĩa cử và việc làm của ông Viên Quang Tỷ được Huyện ủy Hồng Dân tuyên dương về thành tích trong học tập và làm theo tấm gương của Bác dịp 2/9/2019.
Lan tỏa việc tốt trong cộng đồng
Có thể nói, những việc làm ý nghĩa, thấm đượm nhân văn của những tấm gương điển hình trên được ví như những “ông Bụt” giữa đời thường. Việc làm, nghĩa cử của họ đã tạo nên sức lan tỏa lớn và tô điểm cho đời những gam màu tươi sáng, khơi dậy phong trào thi đua làm việc tốt trong cộng đồng. Như trường hợp của anh Huỳnh Công Bình, đã thu hút được các nhà từ thiện trong, ngoài nước. Nhiều người đã điện thoại và gửi tiền với mong muốn chia sẻ gánh nặng tài chính với anh như: anh em của gia đình cậu Vinh (phường 7) xin được đóng góp 700.000 đồng/tháng, anh Hiển (phường 3) xin hỗ 500.000 đồng/tháng, anh Hùng tài xế ở Phú Lộc xin hỗ trợ 200.000 đồng/tháng… để giúp anh Bình đổ xăng, sửa xe chở bệnh nhân nghèo. Đáng quý hơn cả những người xin hỗ trợ và đồng hành cùng anh đều là lao động nghèo.
Hay ở trường hợp của ông Hứa Tỷ, thì sau việc vá đường của ông, nhiều con đường sau một thời gian sửa chữa, mặt đường bị bong tróc trở lại cũng được những hộ dân ở khu vực đó tổ chức dặm vá (như tuyến lộ Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, TP. Bạc Liêu). Hoặc ở trường hợp của ông Viên Quang Tỷ, “tiếng lành đồn xa” nên hiện đã có nhiều nhà từ thiện từ TP. Hồ Chí Minh gửi tiền về hàng trăm triệu đồng để ông mua áo quan hỗ trợ hộ nghèo có người thân qua đời…
Có thể nói, nghĩa cử và việc làm tốt từ những tấm gương điển hình đã cổ vũ mạnh mẽ và khơi dậy lòng yêu thương, trách nhiệm với cộng đồng. Bài học kinh nghiệm ấy đã được Bác Hồ kính yêu khẳng định “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn”. Và những tấm gương sống ấy đã góp phần làm ngát hương vườn hoa của Bác.
Lư Trung
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tập huấn nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội
- Bế mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT
- Ùn tắc giao thông vì dựng rạp án ngữ dưới lòng đường