Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Bài học từ những lời dạy của Bác trong thi đua ái quốc

Thứ Sáu, 08/07/2022 | 16:02

Ngày 11/6/1948, Bác Hồ đã viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Lời kêu gọi được truyền đi như lời hiệu triệu thôi thúc đồng bào và chiến sĩ cả nước ra sức thi đua, đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Quang cảnh lễ chào cờ tháng 5/2022 tại Quảng trường Hùng Vương. Ảnh: K.K

Thi đua gắn với thực tiễn

Người đã từng nói rằng: “...Trong cuộc vận động thi đua phải tránh xu hướng “bàn giấy”, “công chức hóa”, cần phải có sự phối hợp thống nhất trong chương trình thi đua thì thi đua mới có kết quả”. Lời dạy của Bác cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, bởi dù ở thời kỳ nào thì tư duy quan liêu, “bàn giấy” luôn khiến người cán bộ, công chức xa rời thực tiễn, xa rời quần chúng nhân dân.

Dù ở vào thời điểm nào, Bác Hồ cũng không quên động viên, khích lệ mọi người, mọi ngành, mọi cấp phải ra sức thi đua. Người nói: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua”, trong công tác thi đua không chỉ có “phát” mà nhất thiết phải “động”, phải liên tục, phải không ngừng lại. Bác chỉ ra: “Cán bộ trong cơ quan thì thi đua sửa đổi cách làm việc cho hợp lý hơn. Các cháu nhi đồng thì thi đua học tập và giúp mọi người công việc... Mọi người đều thi đua, mọi việc đều có thi đua”. Người phê bình những thói quen sai lệch của cán bộ, công chức: “Có nhiều nơi Nhân dân, mà trước hết là cán bộ chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của cuộc thi đua ái quốc... Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những việc hằng ngày. Thật ra công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua”.

Thi đua trong mọi phần việc

Để cho mọi người hiểu rõ hơn, Bác lấy ví dụ thật đơn giản, dễ hiểu: “Từ trước tới giờ, ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, ở, mặc cho sạch, cho hợp vệ sinh, cho khỏi ốm đau. Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm đất ruộng cho tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy”. Đặc biệt, đối với Bác, thi đua không phải là nhất thời mà phải là trường kỳ, thi đua phải sát với hoàn cảnh, sát với địa phương, không đặt kế hoạch to quá rồi làm không nổi, hoặc lúc đầu thì ồ ạt, ít lâu sau thì đuối sức. Có nơi các đoàn thể, các ngành kế hoạch không ăn khớp với nhau thành thử “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, hoặc không đúc rút kinh nghiệm để học cái hay, tránh cái dở…

Cho đến nay, những lời dạy của Bác Hồ về thi đua vẫn còn mang nhiều ý nghĩa về giá trị thực tiễn sâu sắc. Đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đánh giá cán bộ, đảng viên, công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, những bài học về thi đua yêu nước của Bác vẫn luôn là nền tảng, là động lực thu hút đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia.

Kim Kim (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.