Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Những tấm gương bình dị mà cao quý
Thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Bạc Liêu đã có nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu được Ban Thường vụ cấp ủy các cấp tuyên dương. Hai nhân vật dưới đây có nhiều điểm chung: cùng là nữ giáo viên từ miền Bắc vào Bạc Liêu công tác, lúc đang dạy học hay khi đã nghỉ hưu, họ đều sống, lao động theo tấm gương của Bác, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.
CHI HỘI TRƯỞNG TRÁCH NHIỆM, TẬN TỤY
Bà Trịnh Thị Hồi - Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Vĩnh An (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) vừa được Ban Thường vụ Thành ủy TP. Bạc Liêu tuyên dương vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác đợt 1 năm 2024. Là giáo viên Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (xã Vĩnh Trạch), sau khi nghỉ hưu, thấy mình còn sức khỏe nên bà Hồi ra sức cống hiến cho các hoạt động của ấp, xã.
Qua hơn 20 năm làm Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Vĩnh An, bà đã đề xuất xây dựng các chương trình công tác, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát động trong cán bộ, hội viên xây dựng “Gia đình 5 không - 3 sạch” gắn với nâng chất xã nông thôn mới, bằng cách đào hố rác sau vườn nhà, phân loại và xử lý rác tại nguồn. Đến nay đã có 335/350 hộ hội viên đạt 8 tiêu chí “Gia đình 5 không - 3 sạch”.
Bà Trịnh Thị Hồi (giữa) duy trì mô hình nuôi heo đất tiết kiệm. Ảnh: N.Q
Mỗi dịp tết Nguyên đán, nhằm tạo phong trào sôi nổi của chi hội, bà Hồi kêu gọi chị em góp công, ủng hộ tiền để gói hơn 50 đòn bánh tét trao tặng đến hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình nuôi heo đất tiết kiệm cũng được gầy dựng, duy trì nhiều năm nay, đây là cách phụ nữ tự giúp nhau, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi hội viên. Nguồn vốn xoay vòng hằng tháng đã thúc đẩy hội viên, phụ nữ tích cực lao động, cải thiện đời sống gia đình, qua đó, xây dựng xóm làng tiến bộ.
Chia sẻ về việc làm của mình, người Chi hội trưởng lớn tuổi chỉ nói: “Để làm được những điều trên, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng cao. Bấy lâu nay, tôi vẫn đau đáu về việc xây dựng một sân chơi cho trẻ em trong ấp, cho nên bản thân phải nỗ lực nhiều hơn nữa để các cháu có nơi vui chơi lành mạnh”.
“VIỆC GÌ CÓ LỢI CHO TRƯỜNG THÌ GẮNG LÀM!”
Cô giáo Đào Thị Thanh Thúy (quê huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) - Hiệu trưởng Trường mầm non Vàng Anh (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) vừa nghỉ hưu hồi tháng 6/2024. Sau khi chuyển từ Trường mầm non Tuổi Thơ (Phường 8, TP. Bạc Liêu) về Trường mầm non Vàng Anh công tác, đồng chí Thanh Thúy đã cùng cấp ủy, giáo viên xây dựng nhà trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và năm học 2023 - 2024 đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Trường mầm non Vàng Anh đứng chân trên địa bàn biên giới biển, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nên thành tích đạt được là sự nỗ lực to lớn của tập thể đơn vị, trong đó thể hiện rõ vai trò của Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường - Đào Thị Thanh Thúy.
Đồng chí Đào Thị Thanh Thúy (bìa phải) được tuyên dương về học tập và làm theo Bác.
Thời gian qua, Chi ủy Chi bộ Trường mầm non Vàng Anh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc tổ chức triển khai học tập và làm theo Bác tại đơn vị đã thu hút được sự tham gia tích cực của tất cả đảng viên, viên chức, phụ huynh và học sinh nhà trường. Kết quả thể hiện rõ trong việc nhà trường xây dựng thành công trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và thực hiện công tác đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục đạt cấp độ 3, hoàn thành tốt các chỉ tiêu năm học.
Đồng chí Thanh Thúy cho biết: “Trong học tập và làm theo Bác, tôi tâm đắc nhất là đức tính “Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” của Người. Cho nên, mỗi khi họp chi bộ, Hội đồng sư phạm trường, tôi cũng đều nhắc nhở viên chức, người lao động tiết kiệm điện, nước và những việc gì có lợi cho nhà trường thì cố gắng làm”. Nhờ đó, mấy năm qua, nhà trường tiết kiệm được 380 triệu đồng để xây dựng mái che cũng như chi vào các hoạt động khác để xây dựng trường.
NGUYỄN QUỐC