Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)
Sức sống mới ở những vùng căn cứ cách mạng
Bạc Liêu có nhiều vùng đất từng là chiến trường ác liệt, oằn mình dưới mưa bom bão đạn, nhưng sau 50 năm thống nhất đất nước đã trở thành những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Cuộc sống người dân nơi đây ngày càng ấm no, hạnh phúc, giữ vững truyền thống cách mạng và hướng tới phát triển bền vững.
Lộ giao thông nông thôn sạch đẹp ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi).
NHỮNG VÙNG ĐẤT ANH HÙNG
Châu Thới - xã anh hùng thuộc huyện Vĩnh Lợi - là mảnh đất trung dũng, kiên cường, ghi dấu ấn đậm nét trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Về Châu Thới trong những ngày tháng 4 lịch sử, qua các cuộc gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ và người dân, đặc biệt là các cô chú - những người không quản ngại hy sinh, gian khổ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, chúng tôi càng thêm khâm phục tinh thần bất khuất, lòng trung thành sắt son với Đảng và Bác Hồ của người dân vùng đất này. Ông Nguyễn Đăng Khoa - người trực tiếp tham gia bảo vệ Đền thờ Bác Hồ là một trong những nhân chứng lịch sử. Thời kỳ chiến tranh, ông Khoa cùng đồng đội nhặt những quả pháo lép, lựu đạn của địch để cải tạo thành chướng ngại vật, quyết tâm ngăn chặn kẻ thù phá hoại Đền thờ Bác Hồ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Khoa tiếp tục gắn bó với Đền thờ Bác Hồ trong suốt 50 năm, tận tụy và chăm sóc nơi thiêng liêng này.
Còn cô Lê Thị Đầm - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Châu Thới, kể lại: Thời kỳ kháng chiến, Châu Thới là địa bàn bị địch càn quét ác liệt, đặc biệt tại khu vực Căn cứ Huyện ủy Vĩnh Lợi - nơi vừa là đầu não kháng chiến vừa là vị trí xây dựng Đền thờ Bác. Địch không ngừng tấn công nhằm phá hoại tinh thần và cơ sở cách mạng tại đây. Thế nhưng, bằng ý chí sắt đá và lòng trung kiên, người dân Châu Thới đã kiên quyết bảo vệ cán bộ, bảo vệ Đền thờ Bác Hồ - biểu tượng của niềm tin và khát vọng độc lập, tự do…
Khu căn cứ xã Phong Thạnh Tây (TX. Giá Rai), trong 2 cuộc kháng chiến, cũng là nơi hoang vu, người dân nơi đây cùng các chức sắc, chức việc, đạo tâm Cao đài Minh Chơn đạo dưới sự lãnh đạo của cụ Cao Triều Phát đã làm nên trận Giồng Bốm vang danh, đánh dấu son chói lọi. Trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây là căn cứ nuôi chứa cán bộ huyện và tỉnh. Ngày nay, xã NTM Phong Thạnh Tây đã đổi thay, điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang, trở thành vùng quê đáng sống.
Một góc vùng nông thôn xã Phong Thạnh Tây (TX. Giá Rai) ngày nay.
Bên cạnh đó, những cái tên như Ninh Quới, Ninh Thạnh Lợi, Cái Chanh thuộc huyện Hồng Dân cũng đều khắc sâu trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là những vùng đất giáp ranh với các tỉnh nên địch đóng đồn dày đặc, là địa bàn trọng điểm bị oanh tạc, càn quét ác liệt. Thế nhưng chính nơi đây, người dân vẫn một lòng kiên trung, bám đất giữ làng, che giấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng, giữ vững phong trào kháng chiến cho đến ngày toàn thắng. Từ cơ sở này, sau khi đất nước thống nhất, nhiều xã của huyện Hồng Dân vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, biểu tượng sống động cho truyền thống bất khuất và tinh thần yêu nước của Nhân dân địa phương.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: M.Đ
CHUYỂN MÌNH THÀNH NHỮNG VÙNG QUÊ ĐÁNG SỐNG
Sau chiến tranh, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng nỗ lực không ngừng của người dân, từ những vùng quê nghèo nàn, hạ tầng thấp kém, đất đai nhiễm phèn mặn thì nay đã đổi thay mạnh mẽ. Sau nửa thế kỷ giải phóng, nhiều vùng đất từng là chiến trường ác liệt đã trở thành các xã đạt chuẩn NTM, tiếp tục nâng chất lên NTM nâng cao và phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong tương lai gần. Điển hình như xã Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi A (huyện Hồng Dân) đã có bước tiến vượt bậc từ phong trào xây dựng NTM. Từ đường đất lầy lội, thiếu thốn mọi bề, vậy mà nay các tuyến đường bê-tông vươn dài khắp các xóm ấp. Nhà cửa kiên cố mọc lên ngày càng nhiều, đời sống người dân được nâng cao rõ rệt. Từ sự thay đổi trong phương thức sản xuất, vùng nông thôn đã thật sự chuyển mình. Nhiều mô hình sản xuất như nuôi tôm kết hợp với trồng lúa trên nền đất phèn mặn đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Đây không chỉ là giải pháp thích ứng với điều kiện tự nhiên, mà còn mang lại thu nhập ổn định, tạo sinh kế vững chắc cho người dân. Ông Tăng Sân (Ninh Thạnh Lợi A) chia sẻ: “Thời chiến, vùng này bom rơi đạn nổ, bà con cực khổ lắm. Vậy mà giờ đây, nhờ vào tôm - lúa mang lại thu nhập khá cao, nhiều hộ dân vươn lên khá, giàu và xây được nhà kiên cố”.
Hiện Ninh Thạnh Lợi A được công nhận là xã NTM kiểu mẫu, Ninh Thạnh Lợi là xã NTM nâng cao. Riêng xã Ninh Quới cũng được công nhận đạt chuẩn NTM và xã đang củng cố, nâng cao các tiêu chí để hướng đến trở thành xã NTM nâng cao.
Trở lại các vùng căn cứ những ngày cuối tháng 4 này, dọc theo các tuyến đường là sắc đỏ của cờ hoa rợp bóng. Những ngôi nhà mới khang trang, những cánh đồng tôm - lúa trải dài. Những vùng đất anh hùng đang từng ngày đổi thay nhưng vẫn giữ vững truyền thống cách mạng, hướng tới tương lai phát triển bền vững.
MINH ĐẠT
- Sức sống mới ở những vùng căn cứ cách mạng
- Thế hệ sinh năm 1975: Trưởng thành cùng quê hương Bạc Liêu
- Đại thắng mùa Xuân 1975: Minh chứng thuyết phục về sức mạnh đoàn kết dân tộc
- Bạc Liêu - Cà Mau chiếm gần 30% tiềm năng điện gió ven bờ cả nước
- Bàn giao 101 máy quét Căn cước và thiết bị sinh trắc học cho các cơ sở y tế