Hương vị quê nhà
Ăn món canh rau tập tàng, nhớ về một thời gian khó
Tuổi thơ tôi lớn lên và trải qua nhiều mùa giáp hạt thiếu đói, một phần nhờ món canh rau tập tàng giản đơn nhưng vô cùng ngon ngọt mà mẹ và bà thường hay nấu mà lớn lên, trưởng thành đến hôm nay. Để rồi món ăn một thời khốn khó ấy đã khắc sâu vào tâm trí những đứa con xa quê như tôi. Giờ đây, dù mâm cao cỗ đầy, vẫn nhớ mãi hương vị món canh rau tập tàng năm nào…
Ảnh: B.T
Chỉ cần ra sau vườn nhà, hoặc đi men theo ven bờ ruộng, rẫy bắp, một loáng là đã mang về cho mẹ, cho bà một rổ đầy ắp các thứ rau dại mọc hoang như: rau dền, rau sam, rau vòi voi, rau chay... Tất cả các thứ rau lộn xộn đó được rửa sạch sẽ rồi mang nấu chung vào một nồi, kết quả là có được món canh rau tập tàng ngon ngọt đến khó quên, mặc dù khi nấu chỉ nêm chút muối, chút bột ngọt, sang hơn thì vài con tôm khô giã mềm, hoặc vài con tép bạc, chút hành, chút tiêu xay... Nếu có vài con cua đồng giã lấy nước thì càng ngon tuyệt.
Để được gọi là canh rau tập tàng thì trong nồi canh phải có ít nhất 3 - 4 loại rau trở lên, mà nhất thiết phải toàn là rau dại mọc tự nhiên. Cũng có khi canh rau tập tàng là sự kết hợp của mấy thứ rau ấy, cộng với vài lá bầu, lá mướp non vò nát, rau má, bồ ngót, hay thêm mấy bông hoa bí, hoa thiên lý... Mẹ tôi thường bảo, càng có nhiều thứ rau nấu lẫn thì nồi canh càng ngon ngọt.
Canh rau tập tàng nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai nấu cũng ngon, mà phải có một chút “bí quyết” nho nhỏ, nếu không canh có thể bị quá mặn hoặc quá nhạt; đôi khi rau lại quá nồng, ăn mất ngon... Để có món canh rau tập tàng ngon thì lúc nấu phải liệu độ nêm nếm sao cho khéo để canh ăn vừa miệng, không có mỡ, dầu. Khi nước sôi, bỏ rau vào nấu phải đun lửa to để rau không bị vàng úa, mà luôn giữ màu xanh non bắt mắt.
Nguyễn Thị Hải
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội thao kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp Việt Nam
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long