Khoa học - Công nghệ
Chủ động ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0
Năm 1997, tỉnh Bạc Liêu được tái lập lần thứ hai, cùng thời điểm đó, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra là bước đánh dấu giai đoạn cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ ba (CMCN 3.0) bắt đầu kết thúc. CMCN 3.0 thoái trào, nhường đường cho CMCN lần thứ tư (CMCN 4.0) ra đời vào đầu thế kỷ 21. Đảng bộ, chính quyền và doanh nghiệp tỉnh nhà đã chủ động đề ra giải pháp tiếp cận, ứng dụng các thành tựu CMCN 4.0 vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Bài 2: Khi “lửa” đã nhen lên
>>Bài 1: Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng
Nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh đã nhen nhóm ngọn lửa của cuộc CMCN lần thứ tư. Đến nay, cụm từ “CMCN 4.0” không còn là khái niệm xa lạ và được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực…
CMCN 4.0 được chú trọng
Vừa qua, UBND tỉnh và Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về viễn thông và công nghệ thông tin giai đoạn 2015 - 2020. Từ đó đến nay, nhiều giải pháp công nghệ thông tin của VNPT đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực y tế, tính đến tháng 8/2017, phần mềm quản lý khám, chữa bệnh VNPT-HIS được triển khai tại 36 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, giúp công tác này dần đi vào nền nếp, khoa học và văn minh, đem lại sự thuận tiện cho cả bệnh nhân và đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng. Tỉnh cũng đã kê khai thuế, bảo hiểm xã hội qua mạng và hơn 1.000 đơn vị, cơ quan sử dụng dịch vụ chữ ký số VNPT-CA.
Ngoài các dịch vụ này, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ công cũng hợp tác với nhau trong thanh toán không sử dụng tiền mặt theo Quyết định 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Công ty Điện lực Bạc Liêu, đến nay đã có 20.750/221.900 khách hàng thực hiện giao dịch điện tử qua các hình thức: trích nợ tự động từ tài khoản ngân hàng, thu qua ATM, mobile banking, internet banking… để thanh toán tiền điện.
Nữ nhân viên Công ty TNHH Công nghệ phần mềm GO-iXE - Bạc Liêu tư vấn cho người tham gia hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp. Ảnh: N.Q
Trong ngành Vận tải, giữa tháng 6/2018, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch vụ gọi xe thông minh GO-iXE. Ông Hàng Bá Trí (quê Tiền Giang) - người sáng lập GO-iXE cho biết, mô hình này ra đời từ ứng dụng công nghệ 4.0 như: trực tuyến tương tác theo thời gian thực, điện toán đám mây, kết hợp mô hình kinh tế chia sẻ. Hệ sinh thái GO-iXE là sản phẩm công nghệ cao hoàn toàn do người Việt xây dựng ròng rã hơn 1 năm, ra thị trường lần đầu vào năm 2016, tiếp tục cập nhật, hoàn thiện thêm hơn 1 năm nữa để “đẩy” ra thị trường chính thức vào cuối năm 2017. Giờ đây, chỉ với chiếc điện thoại di động có kết nối Internet, khách hàng có thể đặt xe taxi, mô tô, thuê xe đi du lịch hay gọi xe tải đến chở hàng hóa và theo dõi được đường đi của kiện hàng với chi phí hợp lý, an toàn. Tốc độ tăng trưởng GO-iXE tại Bạc Liêu nhanh, chỉ sau hơn 10 ngày triển khai đã có hơn 200 xe (dòng car, dòng taxi và dòng bike) tham gia, còn lượng người tải App (phần mềm ứng dụng) trên 3.000 lượt. Ứng dụng gọi xe này giúp giảm mật độ phương tiện lưu thông trên đường, tiết kiệm nhiên liệu cho xe và hầu bao của người sử dụng.
Ứng dụng trên nhiều lĩnh vực
Nuôi trồng thủy sản, bao gồm nuôi tôm thuộc ngành Nông nghiệp. Thế nhưng, xu hướng đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, nhất là tự động hóa vào các khâu nuôi tôm, thì người lao động phải có tay nghề tương ứng, thậm chí là có bằng đại học, tuân thủ kỷ luật nghiêm nên sẽ không quá khi gọi họ là công nhân nông nghiệp. Điều này đang dần phổ biến ở Bạc Liêu - một địa phương được Chính phủ định hướng trở thành thủ phủ tôm của cả nước.
Mới đây, Hợp tác xã (HTX) Công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) đã ra đời, dựa trên nền tảng của 21 hộ nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao riêng lẻ hợp nhất lại. Sau khi đi vào hoạt động, HTX sẽ xây dựng website giới thiệu và bán tôm nguyên liệu. Bước kế tiếp sau khi thành lập HTX, tỉnh sẽ xây dựng thành chủ trương là củng cố, kiện toàn các HTX trong toàn tỉnh và xem mô hình HTX này là hình mẫu để nhân rộng. Có thể khẳng định, nhiều doanh nghiệp, HTX trong tỉnh đang bắt kịp với xu hướng của nền nông nghiệp 4.0 khi áp dụng các dự án, mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Họ đầu tư thiết bị tự động hóa và robot hóa đưa vào tất cả các khâu sơ chế, xuất khẩu thủy sản, hay nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường (thứ 5 từ phải sang) tham quan khu nuôi tôm của kỹ sư Long Văn Nghĩa (huyện Hòa Bình). Ảnh: P.T.C
Mô hình nuôi tôm ở huyện Hòa Bình của kỹ sư Long Văn Nghĩa được lãnh đạo Trung ương và địa phương đánh giá cao ở cả phương diện kinh tế và xã hội. Các ao tôm của anh quan trắc môi trường bằng hệ thống cảm biến đo tự động đã đo được nhiều chỉ số (nhiệt độ, DO, HN3, NO2, pH), sử dụng máy cho ăn tự động bằng công nghệ điện toán đám mây, thiết bị cung cấp oxy tự động có hẹn giờ. Qua việc ứng dụng công nghệ cao giúp giảm 50% công lao động, hạn chế nhiễm bệnh do thao tác đo thủ công cần có sự tác động của con người, tiết kiệm gần 1/3 tiền điện sản xuất so với các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh khác, tỷ lệ nuôi trúng từ 80 - 90%, sản lượng 100 - 150 tấn/ha/năm. Về hiệu quả xã hội, giúp người nuôi tôm công nghệ cao áp dụng quy trình xử lý chất thải trong nuôi tôm rất hiệu quả, không làm ảnh hưởng môi trường tự nhiên, giảm xung đột lợi ích với nhau và phát huy hiệu quả một cách bền vững. Đồng thời, giải quyết lao động cho người dân tại địa phương, hướng dẫn cho nhiều người cùng tham gia để giúp họ làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Cũng ở lĩnh vực nuôi tôm, khâu sản xuất tôm giống cũng được các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, không sử dụng kháng sinh để cho ra con giống tốt có chất lượng, như: Công ty Việt Úc, Nam Miền Trung, Thông Thuận, Đắc Lộc… Con giống là tiền đề để nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản.
Không riêng lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, CMCN 4.0 còn đem lại những cơ hội lớn cho nhiều ngành, lĩnh vực khác, như ứng dụng trong mua bán trực tuyến, cải cách hành chính, dịch vụ du lịch, chăm sóc sức khỏe, dịch thuật… Tóm lại, CMCN 4.0 là nền tảng để chúng ta tiếp tục phát triển các ứng dụng trên nhiều lĩnh vực.
Nguyễn Quốc
- Tập huấn phần mềm kiểm kê tài sản công cho hơn 600 cán bộ
- Tổng rà soát người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt làm việc với các bệnh viện về tình hình chuẩn bị đại hội
- Nhạc sĩ Nguyễn Quốc (Bạc Liêu) đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc
- TP. Bạc Liêu: Bàn giải pháp ứng phó với sạt lở tuyến đê biển Đông