Khoa học - Công nghệ
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Hướng đi mới giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
Vừa qua, một số doanh nghiệp trong tỉnh đã được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH-CN), tiêu biểu như Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh (viết tắt là Công ty Trúc Anh). Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, hướng đi mới này không chỉ phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn giúp doanh nghiệp nâng tầm, phát triển ổn định, lâu dài, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước...
Ông Huỳnh Minh Hoàng - Giám đốc Sở KH-CN (bìa trái) trao Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN cho ông Lê Anh Xuân - Giám đốc Công ty Trúc Anh. Ảnh: P.Đ |
Để được công nhận là doanh nghiệp KH-CN, Công ty Trúc Anh đã phấn đấu đạt nhiều tiêu chí: Thành lập mới hoàn toàn một doanh nghiệp; hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp thủy sản… Doanh nghiệp đã nghiên cứu thành công công trình khoa học “Xây dựng quy trình nuôi tôm sạch sử dụng chế phẩm vi sinh thay thế hóa chất”. Kết quả của công trình nghiên cứu trên là đã tạo ra được những dòng sản phẩm phục vụ nuôi trồng thủy sản như: Chế phẩm vi sinh xử lý bùn đáy ao TA PONDPRO; chế phẩm làm thức ăn bổ sung cho tôm, cá DR SHRIMP. Các chế phẩm sinh học này có thể thay thế hóa chất trong việc chữa trị các bệnh đen mang, đóng rong, đứt râu… trên tôm, cá; tiết kiệm được chi phí cho người nuôi cũng như góp phần bảo vệ môi trường. Từ thực tế cho thấy, Công ty Trúc Anh đã mở ra một hướng đi mới cho người nuôi tôm là thay thế hoàn toàn các sản phẩm hóa chất bằng các sản phẩm sinh học trong quá trình nuôi tôm, hứa hẹn sẽ tạo ra sản phẩm tôm sạch cho Bạc Liêu trong tương lai.
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp KH-CN như: được xem xét giao quyền sử dụng hoặc sở hữu kết quả KH-CN; được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; được hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, quỹ Phát triển KH-CN và các quỹ khác; được hưởng các dịch vụ tư vấn, đào tạo miễn phí của các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp do các cơ quan Nhà nước thành lập… Việc trở thành doanh nghiệp KH-CN tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ứng dụng những kết quả KH-CN vào trong sản xuất, kinh doanh. Từ đó, hoạt động thương mại hóa những sản phẩm hàng hóa công nghệ ngày càng được đẩy mạnh. Doanh nghiệp sẽ đưa những nghiên cứu khoa học ứng dụng vào trong sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, người tiêu dùng sẽ tiếp cận được nhiều hơn với những sản phẩm KH-CN cao cũng như sử dụng được những sản phẩm chất lượng từ nhà sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mở rộng được thị trường và gắn kết hơn với người tiêu dùng.
Thiết nghĩ, từ những lợi ích trên, các doanh nghiệp nên định hướng phấn đấu, phát triển thành doanh nghiệp KH-CN để phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, đây cũng là hướng đi bền vững để nâng tầm doanh nghiệp.
Phạm Đoàn
- UBND tỉnh: Kiểm tra việc thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Phước Long
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL