Khoa học - Công nghệ
Đổi mới cơ chế, chính sách khoa học - công nghệ
Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới cơ chế, chính sách cũng như nội dung quản lý nhiệm vụ khoa học - công nghệ (KH-CN). Qua đó từng bước cải thiện chất lượng các đề tài, dự án; nâng cao tính ứng dụng và khả năng nhân rộng kết quả sau nghiệm thu, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song, điều đáng tiếc là nhiệm vụ này vẫn chậm được đổi mới, làm hạn chế đến hiệu quả, sức cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của nông dân TP. Bạc Liêu.
Sở Công thương nghiệm thu và bàn giao máy dập tôn công nghệ mới cho doanh nghiệp. Ảnh: C.L
Còn nhiều “điểm nghẽn”
Xác định ứng dụng KH-CN trong sản xuất, kinh doanh là “chìa khóa” để thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn, thời gian qua, các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm đầu tư, phát triển KH-CN. Từ đó góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn khá khiêm tốn; số đề tài lớn, mang tầm bao quát và có ảnh hưởng sâu rộng chưa nhiều.
Theo báo cáo kết quả giám sát về tình hình và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về KH-CN (giai đoạn từ năm 2013 - 2017) của HĐND tỉnh, trong giai đoạn này, Bạc Liêu không có đề tài, dự án nghiên cứu nào được Bộ KH-CN kiểm duyệt và thông qua. Nguyên nhân là do nguồn nhân lực có trình độ cao trong tỉnh tuy đông nhưng chủ yếu làm công tác quản lý và giảng dạy. Số cán bộ chuyên làm công tác nghiên cứu khoa học chiếm tỷ lệ thấp, thiếu những nhà khoa học đầu ngành trong từng lĩnh vực. Cơ sở vật chất cũng như tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu còn nghèo nàn và nằm rải rác tại các cơ quan, đơn vị. Chưa có cơ chế liên kết phối hợp giữa các cơ sở nghiên cứu, các phòng thí nghiệm trên địa bàn; sự liên kết với các tỉnh, thành lân cận chưa được chú trọng.
Cùng với đó, kinh phí đầu tư cho từng đề tài còn hạn chế, công tác quản lý tài chính còn nhiều bất cập, các quy định về chế độ chi tiêu, thủ tục quyết toán sau khi hoàn thành kết quả nghiên cứu vẫn còn những bất hợp lý, chưa khuyến khích các nhà khoa học tham gia nghiên cứu. Ông Phan Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, chia sẻ: “Nghiên cứu và thực hiện một đề tài khoa học không mệt bằng việc phải làm các giấy tờ, thủ tục để xin kinh phí thực hiện và nghiệm thu đề tài. Vì vậy, đội ngũ cán bộ làm khoa học rất ngại mỗi khi muốn thực hiện đề tài. Mong rằng sắp tới tỉnh sẽ có những cải cách hoặc đơn giản hóa các thủ tục này để thu hút và khuyến khích nhiều người tham gia nghiên cứu khoa học, đóng góp vì sự phát triển chung của tỉnh”.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất lâu nay vẫn được xem là một trong những điểm yếu, cả trong sản xuất và chế biến. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho chất lượng, giá trị nông sản còn thấp, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Khâu chế biến nông sản còn khá đơn giản, sản phẩm đưa ra thị trường dưới dạng thô, giá trị kinh tế thấp. Thiếu các cơ sở chế biến công nghiệp để tăng chất lượng, giá trị hàng hóa (như tôm, muối, lúa gạo, hoa màu…); chỉ một số ít sản phẩm được chế biến đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Do đó giá trị kinh tế từ nông nghiệp mang lại cho nông dân, doanh nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Nhu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng, chuyển giao KH-CN vào sản xuất và xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ ngày càng trở nên cấp bách. Tại hội nghị “Các giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm bền vững” (tổ chức vào ngày 3/6/2018 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh), ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nhấn mạnh: Trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, mắt xích quan trọng là nghiên cứu, chuyển giao KH-CN và dẫn dắt nông dân sản xuất. Do đó, Bạc Liêu cần tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia mạnh mẽ vào nghiên cứu KH-CN. Đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực và cần phải có một bộ phận chuyên trách về hỗ trợ nghiên cứu KH-CN để tiếp nhận các kiến nghị, vướng mắc và hướng dẫn cách giải quyết để đẩy mạnh công tác nghiên cứu KH-CN trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Tháo gỡ vướng mắc
Để tháo gỡ những vướng mắc và thúc đẩy KH-CN phát triển, thật sự trở thành nền tảng và động lực phát triển kinh tế - xã hội, việc đổi mới cơ chế quản lý nói chung và cơ chế quản lý nhiệm vụ KH-CN nói riêng có ý nghĩa quyết định.
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành trên cả nước thực hiện việc khoán kinh phí thực hiện các đề tài, dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH-CN tập trung thời gian để tạo ra những sản phẩm tốt nhất mà không phải lo lắng nhiều về chứng từ thanh - quyết toán. Bên cạnh đó, việc triển khai ứng dụng các đề tài, dự án đã được nghiệm thu cần được quan tâm, đầu tư để mang lại hiệu quả. Lâu nay, chúng ta mới quan tâm đến khâu nghiên cứu kết quả, còn việc ứng dụng kết quả đó như thế nào, triển khai ra sao thì chưa có cơ chế cụ thể, chưa có sự gắn kết rõ ràng giữa các cơ quan tham gia.
Để góp phần giải quyết vấn đề này, ông Trịnh Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiến nghị: “Hiện nay, mức hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài cấp cơ sở là 30 triệu đồng/đề tài. Khoản kinh phí này rất khó để chủ nhiệm đề tài thực hiện công tác ứng dụng, chuyển giao sau nghiên cứu. Kiến nghị UBND tỉnh xem xét giao cho các ngành, huyện chủ động mức kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH-CN cấp cơ sở không quá 50 triệu đồng/đề tài”.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN hàng năm gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ưu tiên cho nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, bảo vệ môi trường… Cơ quan chủ quản cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về KH-CN. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa việc ứng dụng, chuyển giao các đề tài, dự án KH-CN đã được nghiệm thu. Định kỳ có sơ, tổng kết đánh giá kết quả hoạt động KH-CN để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Hằng năm, các địa phương cân đối, lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện ứng dụng, chuyển giao, duy trì các dự án KH-CN đã nghiệm thu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh… Phấn đấu đến năm 2020, hoạt động KH-CN đóng góp 30% tăng trưởng kinh tế; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại đạt khoảng 10%/năm; xây dựng ít nhất 3 sản phẩm chủ lực của tỉnh mang thương hiệu Việt Nam; đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, nghiên cứu KH-CN đạt mức 10 người/10.000 dân; đến năm 2020 toàn tỉnh có 20 doanh nghiệp KH-CN.
Khôi Nguyên
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024: “Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới”
- Quốc hội thảo luận tại tổ 4 dự thảo luật
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh