Khoa học - Công nghệ

Hiệu quả từ việc chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất

Thứ Tư, 27/02/2013 | 15:33

Thời gian qua, Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao khoa học công nghệ (TN&CGKHCN) huyện Hồng Dân đã chú trọng đưa khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào trong sản xuất. Từ việc làm trên đã nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện cuộc sống cho người dân.

Hiệu quả trong sản xuất

Ông Trần Văn Đáng (ấp Tà Ky, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) cho biết: “Gia đình tôi được Sở KH&CN hỗ trợ 31 triệu đồng để nuôi thí điểm mô hình cá thát lát cườm từ tháng 5/2012 với diện tích 652m2. Sau 4 tháng nuôi thì thu hoạch, mỗi ki-lô-gam cá bán được 60 ngàn đồng, trừ chi phí tôi còn lãi 30 triệu đồng,”. Việc đưa KH&CN vào sản xuất không chỉ cung ứng kịp thời nhu cầu về giống cây trồng, giống thủy sản để người dân địa phương an tâm và chủ động trong sản xuất, mà còn giảm giá thành đầu vào, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Ông Đáng cho biết thêm, nuôi cá thát lát cườm theo mô hình mới đạt hiệu quả cao hơn so với nuôi thông thường. Cụ thể, tổng số cá giống ông thả là 3.000 con thì chỉ hao hụt 7 con; cùng thời gian nuôi 3 tháng, cá của ông bình quân đạt 280g/con; còn hộ nuôi không áp dụng mô hình bình quân chỉ đạt 250g/con.

Mô hình nuôi cá bống tượng ở huyện Hồng Dân cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đốc Nam

Ngoài mô hình nuôi cá thát lát cườm, việc ứng dụng và chuyển giao quy trình sản xuất rau an toàn, nuôi cá phi Gift cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình người trồng rau an toàn lợi nhuận từ 7 - 9 triệu đồng/1.000m2/vụ.

Việc ứng dụng và CGKHCN vào sản xuất không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của họ, mà còn góp phần phát triển kinh tế của địa phương một cách vững chắc và đảm bảo an sinh xã hội.

Mô hình được nhân rộng

Thấy được hiệu quả của việc CGKHCN vào sản xuất, nhiều nông dân đã ứng dụng vào mô hình kinh tế của gia đình mình. Một số mô hình được áp dụng rộng rãi như trồng nấm, nuôi cá sặc rằn, cá bống tượng, lươn… Hiện nay, toàn huyện Hồng Dân có hơn 50 nông dân ứng dụng quy trình này, với diện tích nuôi là 10.000m2 cá ao đìa, hơn 25ha lúa - cá sặc rằn. Hàng năm, cung cấp hơn 3 tấn cá sặc rằn giống cho địa phương. Đây là cơ sở cho các vùng phát động rộng rãi mô hình lúa - cá, góp phần giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Mô hình này còn giúp hộ nghèo cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Ông Võ Đăng Ký, Phó Giám đốc Trung tâm TN&CGKHCN huyện Hồng Dân, cho biết: “Xác định một số mô hình để ứng dụng và CGKHCN trên vùng đất phèn mặn như mô hình cá thát lát cườm, cá sặc rằn, tôm càng xanh…, năm 2013, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình phù hợp với điều kiện của nhà nông để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ mở nhiều lớp tập huấn cho nông dân trên địa bàn”.

Kết quả từ CGKHCN đã mở ra nhiều mô hình kinh tế mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

HOÀNG LAM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.