Khoa học - Công nghệ

Hoạt động KH-CN Bạc Liêu: Phát triển nhanh và bền vững

Thứ Ba, 19/05/2015 | 09:20

 TS. Huỳnh Minh Hoàng

Thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong thời gian qua, Sở KH-CN đã chủ động tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch 47 của UBND tỉnh về phát triển KH-CN nhằm đáp ứng tốt hơn với sự phát triển của nền kinh tế tỉnh nhà, đặc biệt lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Gắn nghiên cứu với thực tiễn

Trong năm 2014, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển KH-CN đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra và đã có những bước rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu ứng dụng với thực tiễn sản xuất. Theo đó, có nhiều đề tài, dự án đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển sản xuất và giải quyết kịp thời những khó khăn do thực tiễn đặt ra. Đơn cử như Dự án thực nghiệm xây dựng mô hình sản xuất 2 vụ lúa - 1 vụ tôm trong vùng lúa - tôm có độ mặn từ 4 - 60/00 ở huyện Hồng Dân; Dự án khôi phục và phát triển giống Nhãn mới tại khu vực Giồng Nhãn - TP. Bạc Liêu; Đề tài nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật và một số giải pháp để cải tiến quy trình nuôi tôm sú công nghiệp ở Bạc Liêu...

* Đẩy mạnh nghiên cứu các đề tài phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

* Đoàn cán bộ Bộ NN&PTNT tham quan quy trình sản xuất vi sinh tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh. Ảnh: K.T

Đối với hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH-CN, đã có nhiều mô hình ứng dụng KH-CN mới nhất khu vực ĐBSCL được ứng dụng tại Bạc Liêu như: Công nghệ khí sinh học - Biogas composite; Công nghệ vật liệu Panel 3D; Công nghệ trải bạt sản xuất muối chất lượng cao; Công nghệ lọc nước khử phèn, quy mô hộ gia đình; Công nghệ trồng nấm ăn và nấm dược liệu; Công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học và phân hữu cơ vi sinh…

Có thể nói, từ khi có chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KH-CN, đặc biệt là Luật KH-CN sửa đổi năm 2013 có những hướng dẫn khắc phục những bất cập trong hoạt động KH-CN đã qua như là kết quả đề tài, dự án sau khi nghiệm thu không có địa chỉ áp dụng. Chính vì vậy, từ năm 2013 Sở KH-CN thực hiện đổi mới trong hoạt động KH-CN, cụ thể là: Đổi mới cơ cấu thực hiện nhiệm vụ KH-CN theo hướng có địa chỉ áp dụng, có sản phẩm và hiệu quả cho xã hội. Hạn chế loại hình nghiên cứu, tăng cường triển khai thực nghiệm, cải tiến kỹ thuật, đưa nhanh kết quả vào sản xuất. Tăng cường đầu tư triển khai nhiệm vụ KH-CN cấp huyện cũng như tổ chức thành lập các trung tâm thực nghiệm và chuyển giao KH-CN. Phân bố kinh phí cho hoạt động KH-CN cấp huyện tăng dần hàng năm gắn với cơ chế đặt hàng và giao nhiệm vụ. Lấy doanh nghiệp và kinh tế hợp tác là trung tâm trong hoạt động đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ KH-CN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm có giá trị và tính cạnh tranh cao.

Đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ

Một trong những kết quả đạt được trong thời gian qua, góp phần thúc đẩy KH-CN phát triển là Sở KH-CN đã làm tốt công tác phối - kết hợp với doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh liên kết nghiên cứu ứng dụng KH-CN. Cụ thể, trong lĩnh vực tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, Sở KH-CN phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 3 (Quatest 3) tổ chức hội thảo “Năng suất theo cách tiếp cận mới” cho đối tượng là các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu để nâng cao nhận thức về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua các công cụ cải tiến năng suất và áp dụng có hiệu quả.

Bên cạnh đó còn tổ chức vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp và đã hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, các công cụ cải tiến năng suất, chứng nhận hợp chuẩn, xây dựng mã vạch cho một số sản phẩm nông - thủy sản, công nghiệp, thủ công mỹ nghệ đặc thù của tỉnh như: Hỗ trợ xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001: 2008 tại 3 doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Muối Đông Hải - Bạc Liêu, Xí nghiệp chế biến thủy sản Láng Trâm, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh). Hỗ trợ xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 22000 tại 4 doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Bạc Liêu, Công ty TNHH MTV chế biến thủy sản XNK Thiên Phú, Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Yến Sào Việt Nam, Công ty Cổ phần thức ăn thủy sản TomKing). Hỗ trợ xây dựng và chứng nhận hợp chuẩn sản phẩm cửa sổ, cửa đi bằng khung nhựa U-PVC theo TCVN 7451: 2004 tại 1 doanh nghiệp (DNTN Song Anh Window).

Ngoài ra, còn tiến hành hướng dẫn cho hơn 100 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ công bố tiêu chuẩn cơ sở theo Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2014 của Bộ KH-CN. Hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở về lĩnh vực sản xuất tàu đánh cá chống chìm bằng vật liệu composite của Công ty TNHH MTV Chân Trời Mới Phần Lan - FRP... Đồng thời, tổ chức vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia, góp phần giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu. Năm 2012, Công ty TNHH MTV chế biến thủy hải sản XNK Thiên Phú đạt giải Bạc chất lượng quốc gia; năm 2013, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh đạt giải Bạc chất lượng quốc gia và Công ty TNHH MTV chế biến thủy hải sản XNK Thiên Phú đạt giải Vàng chất lượng quốc gia và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; năm 2014 có 3/5 doanh nghiệp được đề xuất lên Hội đồng quốc gia xem xét trao giải Vàng chất lượng quốc gia cho Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh và giải Bạc chất lượng quốc gia cho Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu và Công ty Cổ phần thức ăn thủy sản TomKing…

Để KH-CN trở thành động lực

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển KH-CN trong thời gian qua cũng còn tồn tại nhiều khó khăn. Vì vậy, để KH-CN thật sự trở thành động lực, Sở KH-CN kiến nghị: Đối với các sở, ngành trong quá trình triển khai nhiệm vụ KH-CN cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, nhằm lựa chọn những đề tài cần thiết để thực hiện trước; xây dựng đề tài, dự án cụ thể, chi tiết khi đề nghị hỗ trợ và lựa chọn chính xác đơn vị chủ trì được hỗ trợ nhằm đạt hiệu quả cao. Đồng thời, trước khi thực hiện các đề tài KH-CN về sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu, công nghệ sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu nông sản, các ngành cần phối hợp xem xét, nghiên cứu về xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm nhằm phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả các mô hình trình diễn cho người dân nắm bắt được lợi ích thiết thực để nhân rộng. Đối với huyện, thành phố, cần liên kết, phối hợp với các viện, trường xác định nhiệm vụ KH-CN, tập trung ưu tiên áp dụng các thành tựu KH-CN tiên tiến, thích hợp trong sản xuất và đời sống, áp dụng quản lý hệ thống chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng thương hiệu tạo dựng uy tín cho các doanh nghiệp.

Đối với các đề tài, dự án phát sinh trong thực tiễn công tác có tính cấp thiết, Giám đốc Sở KH-CN được quyền đặt hàng trực tiếp cho nhà khoa học hoặc tổ chức hội đồng xét duyệt đề cương nghiên cứu để tuyển chọn chủ nhiệm và cấp kinh phí thực hiện. Đồng thời được ký kết hợp tác với các sở KH-CN và các đơn vị khoa học khác trong toàn quốc để nghiên cứu và triển khai các đề tài, dự án phục vụ phát triển vùng, miền và cả nước trên nguyên tắc các bên đều có lợi...

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.