Khoa học - Công nghệ
Nuôi tôm bằng vi sinh mang lại hiệu quả kinh tế cao
Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến - kết hợp ít thay nước và sử dụng vi sinh trong suốt quá trình nuôi được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải thực hiện thí điểm tại xã Định Thành. Sau 3 năm thực hiện đã thật sự đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm.
Ông Lý Văn Xứng (giữa) bên vuông tôm được nuôi bằng chế phẩm vi sinh. Ảnh: C.L |
Từ thực trạng trên, năm 2012 Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải triển khai mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến - kết hợp ít thay nước tại xã Định Thành. Tham gia mô hình, người dân được các các bộ kỹ thuật của Trung tâm và Phòng NN&PTNN hướng dẫn cách xử lý ao nuôi trước mỗi vụ bằng các loại chế phẩm vi sinh do Trung tâm cung cấp mà người dân không phải tốn chi phí. Đồng thời, dự án còn phân công cán bộ thường xuyên xuống cơ sở trực tiếp hướng dẫn và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc của bà con gặp phải trong quá trình nuôi.
Ban đầu dự án được triển khai với 38 tổ viên, diện tích 77,2ha. Sau một năm thực hiện, tới vụ thu hoạch năng suất đạt 414kg/ha (cua, tôm), nông dân trong vùng dự án thu lợi gần 35 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt, có hộ thu lợi nhuận trên 60 triệu đồng/ha/năm. So với những hộ nuôi ngoài vùng dự án liền kề thì những hộ trong vùng dự án có lợi nhuận cao hơn gần 30 triệu đồng/ha/năm. Ông Lý Văn Xứng (người nuôi tôm trong vùng dự án) cho biết: “Khi tham gia dự án, tôi thấy chi phí trong quá trình nuôi giảm đi rất nhiều. Chúng tôi không còn lạm dụng các loại hóa chất quá nhiều như trước nữa. Hiệu quả tăng trên 50% so với cách nuôi của gia đình tôi trước đây”.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình, đến vụ nuôi 2013 - 2014, nhiều hộ dân xin được tham gia vào dự án. Đến nay, dự án đã thành lập được 5 tổ hợp tác với 137 tổ viên. Tổng diện tích tham gia dự án là 337,2ha. Năng suất bình quân sau thu hoạch đạt 275kg/ha/6 tháng, tăng 30 - 50kg so với vụ nuôi năm đầu thực hiện dự án (2012 - 2013), lợi nhuận gần 40 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, người dân trong vùng dự án còn được hướng dẫn kỹ thuật nuôi ghép sò huyết trong ao nuôi tôm và trồng thanh long trên bờ bao, nhằm tăng thu nhập trên cùng một diện tích canh tác.
Về vấn đề trên, ông Lê Phước Thiện, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh cho biết: “Sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong nuôi tôm không chỉ giúp người dân giảm nhẹ chi phí mà còn tạo ra nguồn tôm sạch. Đây là một hướng đi bền vững cho người nuôi tôm. Sắp tới, Trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ở hai xã An Trạch (huyện Đông Hải) và Tân Phong (huyện Giá Rai)”.
Đoàn Nhiền
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh