Khoa học - Công nghệ

Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta

Thứ Hai, 03/06/2019 | 15:19

Ngày 5/6 hàng năm được Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc chọn là Ngày Môi trường thế giới. Đây là sự kiện môi trường quốc tế thường niên hết sức quan trọng được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của cộng đồng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Băng-rôn tuyên truyền Ngày Môi trường thế giới năm 2019 trên địa bàn TP. Bạc Liêu.

CHỐNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ

Năm 2019 này, Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc đã đưa ra chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) là “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta”, nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.

Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí (trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương có gần 4 triệu người). Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 ngàn tỷ USD mỗi năm. Ô nhiễm ozon trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội.

Có thể nói, ô nhiễm môi trường không khí được tồn tại ở nhiều dạng khác nhau trong đời sống sinh hoạt và phát triển sản xuất. Cụ thể như ô nhiễm không khí từ các hộ gia đình trong việc nấu nướng, điều hòa không khí và ánh sáng, hoặc ô nhiễm không khí ngoài trời từ các hoạt động sản xuất như: đốt đồng, đốt rác, phun thuốc bảo vệ thực vật, khí thải từ các cơ sở sản xuất, các phương tiện tham gia giao thông…

Do vậy, trước mắt cần hạn chế ô nhiễm từ các hoạt động này thông qua việc không xử lý hình thức đốt cải tạo, xử lý rác, cần thay thế bằng các công nghệ xử lý sinh thái thân thiện với môi trường. Như phân loại rác và tái sử dụng rác. Bên cạnh đó, khuyến khích sử dụng và phát triển sử dụng năng lượng tái tạo thay cho khí đốt, nhất là năng lượng mặt trời, năng lượng gió… Đặc biệt, nên trồng và phát triển hệ thống cây xanh, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cho môi trường không khí.

Kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 5/6 tại Trung Quốc, nhằm kêu gọi mọi người cân nhắc cách thay đổi cuộc sống hàng ngày để giảm lượng ô nhiễm không khí thải ra môi trường, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm không khí gây nên sự nóng lên toàn cầu và ảnh hưởng tới sức khỏe của chính chúng ta.

Đối với Việt Nam, Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm nay sẽ được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu. Cùng với đó là tổ chức chuỗi các hoạt động Tháng hành động vì môi trường, Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam.

Trồng cây xanh góp phần cải thiện môi trường ở huyện Đông Hải.

CHUNG TAY HÀNH ĐỘNG

Để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2019 và có những hành động thiết thực bảo vệ môi trường không khí, Bộ TN&MT đề nghị các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau: Tập trung triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 theo phân công của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 985A/QĐ-TTg.

Để thực hiện tốt kế hoạch này, cần chú trọng một số giải pháp cụ thể như: Tập trung kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng; tăng cường kiểm soát khí thải phát sinh từ các khu vực xử lý chất thải rắn nông thôn, làng nghề, cụm công nghiệp…

Bên cạnh đó, thực hiện đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhằm hạn chế phát sinh khí thải. Đồng thời, tăng cường xây dựng, lắp đặt, vận hành các hệ thống xử lý khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường không khí.

Thực hiện việc đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống truyền số liệu quan trắc khí thải tự động liên tục từ cơ sở sản xuất có nguồn khí thải lớn theo danh mục tại Phụ lục Nghị định số 38/2015/NĐ-CP tới Sở TN&MT các tỉnh, thành phố có liên quan và Bộ TN&MT; thiết lập các điểm quan trắc môi trường không khí theo Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường không khí xung quanh ở các đô thị đặc biệt và đô thị loại I trở lên.

Tập trung xử lý, kiểm soát và giám sát khí thải phát sinh từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Huy động sự tham gia của cộng đồng đối với việc giám sát khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, năng lượng, giao thông, xây dựng và các nguồn khí thải khác.

Song song đó, tập trung triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa” với nội dung “Giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và của toàn xã hội” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thư ngỏ số 161/LĐCP ngày 25/4/2019; xác định và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng của bộ, ngành, địa phương; tích cực triển khai các chương trình cụ thể về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn, rác thải nhựa ven biển và trên các hải đảo.

Tổ chức triển khai các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải, rác thải, không thải rác thải nhựa ra môi trường, khuyến khích các hoạt động tái chế, tái sản xuất và tái sử dụng chất thải nhựa; phát động phong trào đi bộ, đi xe đạp, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân (ô tô, xe máy) để giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm không khí; phong trào trồng cây xanh trong các khu đô thị, khu dân cư; hạn chế việc đốt chất thải nông nghiệp sau thu hoạch tại các khu vực nông thôn.

Khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng như: Trồng cây xanh chắn cát, chống sạt lở và ngăn ngừa xâm nhập mặn, thực hiện các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như phát hiện, biểu dương và khen thưởng những tổ chức, cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp có những đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát huy vai trò của mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường,…

THANH THẢO

(bài viết có sử dụng tài liệu của Tổng cục Môi trường)

Đốt rác thải ở khu vực ven biển Bạc Liêu gây ô nhiễm môi trường không khí. Ảnh: L.D

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.