Khoa học - Công nghệ

Phát triển khoa học - công nghệ: Đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển toàn diện và bền vững

Thứ Sáu, 06/06/2014 | 18:37

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước là quá trình vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước mà Đảng và Nhà nước đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Muốn vậy, trước hết phải CNH-HĐH nông nghiệp - nông thôn vì Việt Nam có đến 80% người dân sống bằng nông nghiệp. Trong đó, phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN) có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược này.

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất giúp nông dân tăng năng suất và chất lượng hạt lúa. Trong ảnh: Nông dân huyện Hòa Bình thu hoạch lúa.

Thành tựu từ sự phát triển KH-CN

Thời gian qua, nông nghiệp Bạc Liêu đã từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học trong công tác chọn giống, hiện nay cơ cấu giống cây trồng của tỉnh đã được chuyển đổi theo hướng sử dụng các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Trong nuôi trồng thủy sản, nhiều loại giống mới được nghiên cứu (cá đối, cá chình, cá chẽm…). Tỉnh chú trọng nghiên cứu phát triển mạnh các mô hình nuôi trồng thủy sản đa dạng như nuôi xen canh, luân canh, kết hợp lúa với tôm, cá, cua... tránh né dịch bệnh, ít bị rủi ro trong tiêu thụ sản phẩm, đa dạng hóa mô hình và đối tượng nuôi để tạo thêm việc làm, giúp người dân có thu nhập hiệu quả và ổn định; đồng thời thử nghiệm các mô hình chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn dịch bệnh như: heo, gà, vịt, rắn, ba ba…

Những tiến bộ của KH-CN đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao như: lúa chịu mặn, nhãn giồng, nấm linh chi, tôm giống, cá chẽm giống, nghêu giống, artemia... Đặc biệt, nghiên cứu và chuyển giao sản xuất nhiều chế phẩm sinh học kích thích tăng trưởng, phòng ngừa bệnh tôm đã được thương mại hóa như chế phẩm EM. Bên cạnh đó, nhiều công nghệ đã được ứng dụng để phục vụ sinh hoạt nông thôn như dịch vụ lọc nước, lắp đặt hầm ủ biogas, hệ thống chống sét, chương trình chuyển giao kỹ thuật nấm rơm cho nông hộ…

Từ những kết quả trên cho thấy, việc quan tâm đầu tư cho hoạt động KH-CN đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Khuyến khích nghiên cứu KH-CN góp phần tích cực cho phát triển nông nghiệp - nông thôn. Trong ảnh: Sinh viên khoa Nông nghiệp nghiên cứu lúa chất lượng cao. Ảnh: K.T

Những khó khăn đan xen...

Bên cạnh những thành tựu đạt được, CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn ở Bạc Liêu hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Một trong những hạn chế đó là cơ chế, chính sách: Việc tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa hợp lý, sản xuất nhiều loại sản phẩm nhưng lại phân tán, manh mún, không gắn kết giữa vùng nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến tình trạng được mùa rớt giá, khi trồng, khi bỏ ở một bộ phận nông dân, ngư dân. Nông nghiệp phát triển còn ở trình độ thấp, vẫn đang trong quá trình chuyển đổi và tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu bền vững, sản xuất luôn bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh…

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ, chất lượng thấp, năng lực phòng chống, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng còn nhiều bất cập; nhiều công trình kênh mương, cống đập, nhiều tuyến lộ, cầu giao thông bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng thiếu kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Điện phục vụ cho sản xuất, nhất là các vùng nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó là vấn đề đầu tư kinh phí: Nhu cầu vốn đầu tư cho nghiên cứu phát triển nông nghiệp, nông thôn rất lớn, nhưng nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước có giới hạn. Trong khi đó, việc huy động các nguồn lực của nhân dân và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn gặp nhiều khó khăn.

…Và tháo gỡ

Để khắc phục những hạn chế trên, cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp sau: Tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành và quy hoạch sản phẩm có liên quan tới nông nghiệp, nông thôn để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nông dân trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện đầy đủ và vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách do Nhà nước ban hành về nông nghiệp, nông thôn; rà soát, cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh cơ chế, chính sách theo thẩm quyền; tạo mọi điều kiện để thu hút vốn đầu tư theo hướng có lợi nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án có vốn đầu tư quy mô lớn và những ngành, lĩnh vực mà tỉnh khuyến khích đầu tư.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến thương mại và các hoạt động đối ngoại; giữ vững thị trường truyền thống và phát triển mở rộng các thị trường mới. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN mới vào nuôi trồng, chế biến thủy sản. Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu điều tra, khảo sát, đánh giá tìm ra nguyên nhân suy giảm năng suất nuôi trồng thủy sản, từ đó đề xuất các giải pháp cải tạo đất, nước; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; xác định đối tượng nuôi và quy trình nuôi phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả nuôi tôm và các loài thủy sản khác. Tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao KH-CN. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh thực hiện các đề tài nghiên cứu, ứng dụng, xác định tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao vào thực tế sản xuất, chế biến, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh…

Tăng cường mối quan hệ với các viện, trường đại học trong và ngoài nước về hợp tác nghiên cứu KH-CN và chuyển giao tiến bộ KH-CN. Đồng thời tích cực tham gia hội chợ, triển lãm KH-CN để tiếp thu các công nghệ mới có thể áp dụng vào thực tế sản xuất ở địa phương. Tăng cường mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các trường đại học trên thế giới về phát triển KH-CN; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; phòng chống dịch bệnh, thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tiếp tục tổng kết, đổi mới và xây dựng các mô hình liên kết kinh tế, các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; khuyến khích phát triển việc liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang trại, sản xuất hàng hóa lớn, phù hợp nhu cầu thị trường...

TS. Huỳnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở KH-CN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.