Khoa học - Công nghệ

Phát triển khoa học - công nghệ: Tập trung sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thứ Hai, 02/11/2015 | 15:31

Thời gian qua, Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) đã triển khai và đầu tư nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, đặc biệt là các đề tài, dự án phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn. Qua đó góp phần khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, giúp nông dân tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống.

Chuyển giao nhiều mô hình

Để giải quyết những khó khăn, thách thức và khai thác, sử dụng có hiệu quả các thế mạnh vốn có trong sản xuất nông nghiệp, Sở KH-CN đã vận động, khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng nhiều thành tựu tiến bộ KH-CN mới vào sản xuất. Cụ thể, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN (trực thuộc Sở KH-CN) đã triển khai nhiều dự án phục vụ phát triển sản xuất, tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ và tránh ô nhiễm môi trường.

* Kiểm tra sự sinh trưởng của cây lúa từ đề tài nghiên cứu giống lúa chịu mặn tại huyện Hồng Dân.

* Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Tân Phong Phú (huyện Hòa Bình). Ảnh: Kiết Tường

Đơn cử như Dự án xây dựng mô hình xử lý nước sinh hoạt và mô hình biogas composite tại một số xã phát triển nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực, vừa tạo ra khí đốt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao ý thức cộng đồng cho nông dân. Hay Dự án chuyển giao, ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời vào các xã đặc biệt khó khăn đã tạo ra hàng chục ngàn lít nước nóng, cùng hàng trăm ngàn KW điện sử dụng năng lượng thiên nhiên từ ánh nắng mặt trời để phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Hoặc Dự án xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng nấm thương phẩm cũng góp phần tận dụng được nguyên liệu tại chỗ, giải quyết thời gian nông nhàn và giúp nông dân tăng thêm thu nhập…

Bên cạnh ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất, sinh hoạt, Sở KH-CN đã phối hợp với các nhà khoa học, doanh nghiệp và các địa phương triển khai nhiều đề tài, dự án và thử nghiệm nhiều mô hình trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Trong 5 năm qua, Sở KH-CN đã nghiệm thu 65 đề tài, dự án cấp tỉnh, trong đó có 48 đề tài nghiên cứu và 17 dự án sản xuất thử nghiệm. Đó là: Chuyển giao kỹ thuật cộng đồng quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái cho huyện Hồng Dân; Nghiên cứu kích thích sinh sản cá dầy; Chuyển giao ứng dụng quy trình kỹ thuật ương nuôi cá chình bông trọng lượng từ 200 con/kg lên 50 con/kg; Xây dựng mô hình nuôi rắn hổ hèo sinh sản tại xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình); Nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp trong điều kiện cấp nước không chủ động ở vùng Bắc Quốc lộ 1A của huyện Giá Rai; Thử nghiệm mô hình luân canh cá kèo - tôm thẻ chân trắng ở phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu)…

Các đề tài, dự án và mô hình ứng dụng hiệu quả trên đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ứng dụng công nghệ cao

Một trong những mục tiêu phát triển kinh tế từ nay đến năm 2020 của Bạc Liêu vẫn là sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đó phải là sản xuất nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và KH-CN phải đi tiên phong.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới, đồng bộ cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động KH-CN, ngành KH-CN tỉnh sẽ ưu tiên ứng dụng một số công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, nghiên cứu phát triển có trọng tâm, trọng điểm các công nghệ nền của công nghệ sinh học như: công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh, công nghệ enzym- protein... để nâng cao trình độ công nghệ sinh học của tỉnh. Qua đó, bảo tồn, lưu giữ và khai thác hợp lý nguồn gen quý hiếm, đặc thù của tỉnh như: tôm, cua, cá, lúa, cây ăn trái, bảo vệ đa dạng sinh học, tránh  ô nhiễm môi trường…

Song song đó nghiên cứu ứng dụng và sản xuất các chế phẩm vi sinh dùng trong nuôi thủy sản, phòng trừ sâu bệnh, điều hòa sinh trưởng cho cây trồng - vật nuôi, xử lý môi trường nhằm tạo ra sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tăng cường ứng dụng công nghệ và thiết bị tạo năng lượng tái tạo như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, khí sinh học; xây dựng hệ thống giải pháp phát triển cơ giới hóa nông nghiệp từ nay đến năm 2020 phục vụ nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến…

Cùng với đó là xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn như: mô hình cánh đồng mẫu (lúa, muối, tôm); mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; mô hình liên kết “4 nhà”; ứng dụng các thành tựu KH-CN khai thác cho hiệu quả, bền vững các lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng sinh thái, hình thành các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Cụ thể, đối với trồng trọt, cần nghiên cứu tạo các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh, thích hợp với từng vùng sinh thái, nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyển chọn các giống hoa lan, cây cảnh có giá trị kinh tế cao; nghiên cứu chọn tạo giống nấm (nấm ăn, nấm dược liệu) cho năng suất cao, chất lượng tốt, thích hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.

Về chăn nuôi, nhân giống nhanh các dòng heo mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện chăn nuôi của tỉnh; nghiên cứu chọn tạo các giống gia cầm, thủy cầm siêu thịt, siêu trứng cho chất lượng cao, sức đề kháng tốt, tỷ lệ tiêu thụ thức ăn thấp, phù hợp với mô hình VACB, an toàn sinh học và mô hình nuôi công nghiệp gắn với công nghệ xử lý chất thải, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường và kiểm soát hữu hiệu dịch bệnh.

Ở lĩnh vực thủy sản, xây dựng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao như: mô hình nuôi an toàn sinh học; mô hình nuôi tôm sạch không sử dụng hóa chất; mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng; chuyển giao công nghệ sản xuất giống nhân tạo một số loài thủy sản có giá trị cao như: nghêu, sò huyết, cá chim vây vàng, cá giò (cá bớp), cá bống mú, cá chẽm, tôm càng xanh; nghiên cứu cải tiến các thiết bị công nghệ, ngư cụ trong khai thác thủy sản và hậu cần biển…

Việc đẩy mạnh phát triển, ứng dụng KH-CN sẽ góp phần quan trọng tạo thêm động lực đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh có nền nông nghiệp và công nghiệp theo hướng hiện đại trong tương lai.

Văn Thống

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.