Khoa học - Công nghệ
Thanh Nhãn: Đặc sản mới của du lịch Bạc Liêu
Từ lâu, nhãn Bạc Liêu đã có tiếng trên thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay lại có thêm Thanh Nhãn, một giống nhãn mới được lai tạo ngay trên vùng đất Giồng. Cục Sở hữu trí tuệ vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho loại trái cây này và hứa hẹn Thanh Nhãn sẽ trở thành một trong những đặc sản tiêu biểu của du lịch Bạc Liêu.
Đặc sản đất Giồng
Trăn trở khi nhìn những cây nhãn cổ trên vùng đất Giồng thay nhau bị đốn, bà Trần Kiều (còn gọi là Thanh Ngọc), một chủ vườn nhãn ở ấp Giồng Nhãn A (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) đã mày mò, cấy ghép thành công một giống nhãn mới cho năng suất và chất lượng cao. Bà Trần Kiều cho biết: “Cách đây hơn 10 năm, trong vườn nhãn của gia đình tôi có một gốc nhãn già cỗi cho những trái rất to. Trái nhãn có màu vàng nhạt, cơm dày, vị thơm, ngọt, giòn hơn hẳn những giống nhãn khác trong vườn. Thấy vậy, tôi đã lấy cành cây nhãn này để tháp bo lên những gốc nhãn cũ trong vườn và đã cho ra đời giống nhãn mới. Qua nhiều năm, loại nhãn mới đã được nhân giống thành công ra toàn vườn”. Giống nhãn mới này có tên là Thanh Nhãn được đặt theo tên của chị. Tuy nhiên, với chị Kiều cũng như nhiều hộ trồng nhãn ở địa phương thì nguồn gốc của cây Thanh Nhãn vẫn còn là một bí ẩn cho đến khi Sở KH-CN tỉnh bắt tay vào nghiên cứu.
Ông Huỳnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền Thanh Nhãn của Cục Sở hữu trí tuệ cho bà Trần Kiều ở ấp Giồng Nhãn A (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu). Ảnh: P.Đ |
GS-TS Nguyễn Bảo Vệ (Trường đại học Cần Thơ): Thanh Nhãn có khả năng chịu đông rất tốt. Ưu điểm chịu đông này chưa có trái cây nhiệt đới nào có được. Do vách tế bào giữ nước của Thanh Nhãn rất dày, nên giúp việc bảo quản trái nhãn rất lâu. Đây là điều kiện thuận lợi để xuất khẩu Thanh Nhãn sang các nước trên thế giới. Thêm một đặc tính nổi trội là hiện nay, trong khi các loại nhãn khác đều bị tấn công bởi bệnh chổi rồng thì Thanh Nhãn chưa có dấu hiệu nhiễm bệnh này. Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu nếu Thanh Nhãn có khả năng chống lại bệnh chổi rồng thì đây thật sự là một niềm vui lớn cho Bạc Liêu, cho những nhà vườn trồng nhãn ở ĐBSCL và cả nước. Với những ưu điểm trên, sau này chúng ta có thể dự trữ Thanh Nhãn như trữ lúa đổ bồ và nhà vườn không chỉ trúng mùa mà còn trúng giá. |
Ông Huỳnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở KH-CN cho biết: “Để tăng cường quản lý giống mới và xây dựng nhãn hiệu cho giống nhãn này, năm 2012 chủ vườn cùng với sự giúp đỡ của Sở KH-CN đăng ký nhãn hiệu cho Thanh Nhãn. Đến nay, nhãn hiệu Thanh Nhãn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ. Đây là niềm vui lớn cho Bạc Liêu nói chung, chủ vườn nói riêng, cũng là nền tảng, cơ sở khoa học để xây dựng chương trình phát triển giống nhãn mới. Ngành Khoa học cũng sẽ đồng hành với người sản xuất đưa nhãn hiệu Thanh Nhãn lên đỉnh cao”.
Sẽ “vươn ra biển lớn”
Trên thị trường, trong khi các loại nhãn khác có giá khoảng 30 - 45 ngàn đồng/kg thì Thanh Nhãn có giá hơn 80 ngàn đồng/kg. Có thể thấy, 1kg Thanh Nhãn cho chủ vườn giá trị kinh tế gần gấp đôi so với các loại nhãn khác. Cây nhãn chỉ cho trái mỗi năm 1 lần. Như vậy, nếu trồng Thanh Nhãn thì nhà vườn có thể thu về lợi nhuận gấp đôi trên cùng diện tích đất sản xuất.
Theo bà Trần Kiều, hiện nay Thanh Nhãn rất được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt là khách du lịch. Bạc Liêu đang là một điểm đến du lịch hấp dẫn, nếu cây Thanh Nhãn được trồng phổ biến thì sẽ tạo được một sản phẩm đặc thù phục vụ du lịch. Và không chỉ dùng lại ở phục vụ du lịch, Thanh Nhãn còn mở ra nhiều tiềm năng cho các nhà vườn trong việc xuất khẩu trái nhãn Bạc Liêu ra thế giới, bởi nó có những ưu điểm mà nhiều loại nhãn khác không có được.
PHẠM ĐOÀN
- Sở Tài nguyên - Môi trường: Tiếp xúc, tọa đàm, đối thoại với hơn 100 doanh nghiệp
- Lực lượng vũ trang tỉnh hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ
- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Huỳnh Hữu Trí: Quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh cần chú trọng đến tính kết nối vùng
- Những cách làm hay giúp đồng bào Khmer ổn định sinh kế
- Báo Đồng Nai trao 100 suất học bổng Vượt khó vì tương lai đến với học sinh nghèo