Khoa học - Công nghệ
Thực hiện Kế hoạch 47: Cần tăng cường đầu tư cho phát triển khoa học - công nghệ
Nông dân huyện Phước Long thu hoạch cá thác lác (ảnh trái) và tôm càng xanh (ảnh phải) trên đất lúa. Ảnh: K.T
Qua 2 năm thực hiện Kế hoạch 47/KH-UBND của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa bước đầu đã mang lại nhiều kết quả. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, cán bộ, nhân dân, và xem KH-CN là động lực cho phát triển hiệu quả, bền vững.
Sở KH-CN kiến nghị Chính phủ và Bộ KH-CN hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ các nhiệm vụ KH-CN ở địa phương trong thời gian tới như: Dự án xây dựng Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh, Dự án xây dựng Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bạc Liêu, Dự án xây dựng Khu ứng dụng công nghệ sinh học tỉnh, Dự án xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất muối ở huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải. Đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia là thế mạnh của tỉnh (gạo, thủy sản và muối). Hỗ trợ chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn, các vùng còn khó khăn của tỉnh. Đẩy mạnh việc xúc tiến thành lập Viện Nghiên cứu thủy sản nước lợ tại Bạc Liêu (trực thuộc Bộ NN&PTNT) trên cơ sở nâng cấp Trại thực nghiệm thủy sản hiện nay (tại phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu). Kiến nghị với UBND tỉnh thành lập Viện Nghiên cứu và phát triển bán đảo Cà Mau (trực thuộc Đại học Bạc Liêu). Hỗ trợ xây dựng mô hình doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao, tiến tới thành lập doanh nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp KH-CN, những doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thế mạnh của tỉnh vay vốn từ Quỹ phát triển KH-CN quốc gia để mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ... T.A (tổng hợp)
Triển khai nhiều dự án
Thời gian qua, Sở KH-CN đã làm tốt công tác phối hợp, kết hợp với các ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai nhiều dự án đầu tư phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Cụ thể như lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN với dự toán 50 tỷ đồng; Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng với dự toán 108 tỷ đồng… UBND tỉnh cũng đã có chủ trương cấp đất để xây dựng 2 trung tâm này tại khu công nghiệp Trà Kha.
Bên cạnh đó, đã thành lập Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao KH-CN huyện Phước Long và huyện Giá Rai. Sắp tới, sẽ thành lập thêm các trung tâm này ở huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải nhằm phục vụ tốt nhu cầu chuyển giao, ứng dụng các thành tựu KH-CN mới vào sản xuất, đời sống.
Đặc biệt, trong 2 năm qua, Sở KH-CN đã triển khai nhiều dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trong tỉnh. Điển hình như dự án sản xuất muối trải bạt tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) cho năng suất đạt từ 180 - 200 tấn/ha, và giá bán cao hơn muối thường 300 đồng/kg (nhờ chất lượng tốt). Hay dự án sản xuất chế phẩm Fito - Humat xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ. Dự án này vừa tạo ra loại phân bón hữu cơ rẻ tiền, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Hoặc dự án nuôi thủy sản nước ngọt trên vùng đất nhiễm phèn mặn ở huyện Hồng Dân (nuôi cá thác lác cườm, cá sặc rằn, cá bống tượng, tôm càng xanh trên đất lúa) mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Ngoài ra, Sở KH-CN còn triển khai nhiều dự án khác góp phần khai thác có hiệu quả thế mạnh đặc thù gắn với điều kiện thực tế ở từng địa phương. Đó là dự án nuôi tôm càng xanh trong ô đê bao khép kín ở huyện Giá Rai; dự án sản xuất nghêu giống nhân tạo công suất 200 triệu con/năm; dự án sản xuất chế phẩm vi sinh chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản; xây dựng nhà yến mẫu theo công nghệ Ma-lai-xi-a và chuyển giao công nghệ này nhằm phát triển nghề nuôi chim yến ở Bạc Liêu mang lại lợi nhuận cao.
Không chỉ ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Sở KH-CN còn triển khai nhiều dự án hỗ trợ doanh nghiệp và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ sản xuất, đời sống. Cụ thể như hỗ trợ Công ty Cổ phần muối và thương mại tỉnh và Công ty Cổ phần muối Đông Hải vay vốn từ Quỹ phát triển KH-CN để đầu tư đổi mới công nghệ, giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Xây dựng mô hình thư viện điện tử tại 78 ấp ở các xã nông thôn mới thuộc huyện Phước Long. Hỗ trợ người dân lắp đặt hệ thống biogas bằng vật liệu composite với nhiều tính ưu việt. Cấp chứng nhận cho 3 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Trúc Anh; Công ty Seafish; Công ty TNHH Chân Trời Mới - Phần Lan…
...Vẫn còn khó khăn
Theo đánh giá của Sở KH-CN, qua 2 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 47 của UBND tỉnh, lĩnh vực KH-CN của tỉnh đạt được kết quả như: Áp dụng cơ chế đặt hàng, tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ KH-CN trong công tác quản lý hoạt động KH-CN. Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH-CN đã hướng đến các doanh nghiệp và cơ sở để ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất, đời sống, nâng cao giá trị sản phẩm thế mạnh của địa phương. Đồng thời nâng cao tiềm lực hoạt động KH-CN thông qua việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho khu công nghệ sinh học, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Hợp tác, ký kết nghiên cứu khoa học với một số viện, trường trên toàn quốc... nhằm thu hút chuyên gia, nguồn lực để triển khai, thực hiện trên địa bàn tỉnh. Hoạt động KH-CN ở các ngành, các huyện, thành phố có những tiến bộ, được tổ chức tốt, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đầu tư KH-CN có trọng tâm và trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí...
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện kế hoạch còn chậm và gặp nhiều khó khăn; cơ chế chính sách về hoạt động KH-CN ban hành chưa đồng bộ, nhất là về cơ chế tài chính vẫn còn nhiều bất cập, không theo kịp những chính sách mới ban hành. Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm KH-CN cuối cùng theo kết quả đầu ra chưa được thực hiện vì chưa có hướng dẫn của Bộ KH-CN. Việc huy động nguồn lực tập trung từ ngân sách Nhà nước để đầu tư cho hoạt động KH-CN chưa được quan tâm bố trí theo kế hoạch hàng năm (ngân sách cấp cho hoạt động KH-CN hiện chỉ đạt 0,6% tổng chi ngân sách). Nhiều đề tài, dự án vẫn còn thiếu vốn đầu tư; đầu tư cho phát triển KH-CN chưa kịp thời, gây khó khăn cho việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng các thành tựu KH-CN mới phục vụ phát triển...
Kế hoạch 47 đề ra chỉ tiêu là: Năm 2015, tổng mức đầu tư xã hội cho KH-CN đạt 1,5% GDP của tỉnh, phấn đấu đạt 2% vào năm 2020 và 3% vào năm 2030; đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho KH-CN đảm bảo tối thiểu đạt 2% tổng chi ngân sách... Do vậy, thiết nghĩ, tỉnh cần tăng cường đầu tư nhiều hơn nữa mới mong thực hiện thắng lợi mục tiêu “làm cho KH-CN thật sự trở thành động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế...”.
QUỐC THỐNG
- Nhìn lại nghệ thuật Đờn ca tài tử trong thời đương đại
- Đám cưới quê
- Trường mầm non Hoa Xuân (huyện Hồng Dân): Tăng cường hoạt động trải nghiệm giúp trẻ phát triển toàn diện
- TP. Bạc Liêu: Thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Chấn chỉnh, xử lý nghiêm trường hợp cố tình đăng tin xấu độc, sai sự thật