Khoa học - Công nghệ

Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP: Tái cơ cấu để thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ Sáu, 28/06/2019 | 16:07

Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã tích cực thực hiện và chủ động xây dựng nhiều kịch bản, giải pháp để ứng phó với những thay đổi của môi trường.

 Nông dân huyện Vĩnh Lợi bơm nước chống hạn cho cây lúa.

 Triều cường gây ngập cục bộ trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: Kim Trung

TÍCH CỰC TRIỂN KHAI

Khi Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ được ban hành, UBND tỉnh đã tổ chức triển khai đến các sở, ban ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời đề xuất kế hoạch thực hiện và bổ sung nguồn vốn bố trí cho các nhiệm vụ trong Nghị quyết đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra, các vấn đề thích ứng với biến đối khí hậu và bảo vệ tài nguyên - môi trường, phòng chống thiên tai đều được UBND tỉnh quan tâm lồng ghép vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành và địa phương. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 để đưa Bạc Liêu phát triển theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, môi trường được bảo vệ, các nguồn tài nguyên được sử dụng một cách hiệu quả, tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.   

Cùng với đó là huy động nhiều nguồn lực để xây dựng và thực hiện các biện pháp, dự án, công trình thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể, hiện nay Bạc Liêu đang tiến hành cập nhật Kịch bản biến đổi khí hậu, trong đó, lồng ghép xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt theo các kịch bản nước biển dâng đến cấp xã; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh phù hợp với kịch bản nước biển dâng. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở vùng thường xuyên xảy ra thiên tai (rừng phòng hộ ven biển và các cửa sông, cửa biển) nhằm ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng - an ninh, thực hiện đề án chống ngập đối với những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và có nguy cơ xảy ra sạt lở cao như: huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình và TP. Bạc Liêu.

TẬP TRUNG TÁI CƠ CẤU

Bạc Liêu xác định sản xuất nông nghiệp là kinh tế mũi nhọn và chịu tác động sâu sắc từ biến đổi khí hậu. Vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh quan tâm và tập trung thực hiện chính là tái cơ cấu sản xuất. Để cụ thể hóa quan điểm này, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 156/QĐ-UBND về thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Qua đó, nâng cao khả năng thích ứng, khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế gắn với quan điểm là “sống chung” và hóa giải các nguy cơ trở thành “thời cơ”. Từ đó, tổ chức quy hoạch lại sản xuất theo từng vùng, tiểu vùng và phát triển thêm các vùng sản xuất mới theo hướng chủ động thích ứng. Đơn cử như vùng Bắc Quốc lộ 1A ở các huyện: Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Phước Long, TX. Giá Rai đang tập trung mở rộng diện tích sản xuất lúa trên đất tôm để nâng cao hiệu quả sản xuất (dự kiến có thể phát triển đến 50.000ha canh tác lúa trên đất tôm); tăng cường các biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất nuôi tôm quảng canh cải tiến; sản xuất lúa thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn; phát triển cánh đồng mẫu lớn gắn với bao tiêu sản phẩm; phát triển mô hình đa cây - đa con trên cùng một đơn vị diện tích..

Riêng vùng Nam Quốc lộ 1A thuộc TP. Bạc Liêu, các huyện: Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Đông Hải tập trung phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp (hướng đến siêu thâm canh), nuôi tôm sinh thái, phát triển rau màu, làm muối theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống triều cường. Thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình nhằm chủ động trong công tác phòng, tránh, hạn chế các tác động tiêu cực của triều cường, nước biển dâng, ngập lụt, mặn xâm nhập, nắng nóng…

Với việc chủ động và ban hành các giải pháp, kế hoạch nêu trên, Bạc Liêu bước đầu đã xây dựng được các mô hình sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc xây dựng các kịch bản, kế hoạch ứng phó còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đầu tư các công trình xây dựng cơ bản chống triều cường, xâm nhập mặn, chống xói lở… Vì vậy, Bạc Liêu kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn kinh phí cho tỉnh thực hiện các chương trình, dự án và các thiết bị hiện đại phục vụ việc dự báo, cảnh báo về biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng. Đồng thời, tổ chức nhiều hơn nữa các khóa tập huấn, bồi dưỡng về lĩnh vực biển đổi khí hậu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp vào việc phòng, tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường huy động các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế để đầu tư xây dựng cho các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của biến đổi khí hậu.

THANH THẢO

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.