Khoa học - Công nghệ
Thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp: Chọn khoa học - công nghệ làm khâu đột phá
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 156 về thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, khoa học - công nghệ (KH-CN) phải đi trước một bước.
Ưu tiên cho KH-CN
Có một thực tế không thể phủ nhận là khi thực hiện tái sản xuất nông nghiệp, một số địa phương thường chọn chuyển đổi mô hình sản xuất, hay phát triển thêm các mô hình sản xuất mới và xem đó là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng trên thực tế, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp không chỉ đơn thuần là thay đổi cây, con giống, mô hình sản xuất, hoặc chỉ dừng ở việc làm tăng năng suất…, mà mục đích chính là tạo ra sản phẩm chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, đảm bảo cho người nông dân sản xuất có lãi, sống được với nghề. Đây mới là mục tiêu cần đạt và góp phần tháo gỡ những bất cập trong sản xuất nông nghiệp lâu nay.
Đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Trong ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Minh Bạch (huyện Giá Rai). Ảnh: L.H |
Trong suốt quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ hàng nông, thủy sản gần như đều có sự tham gia trực tiếp của KH-CN. Chẳng hạn như trong sản xuất lúa, từ khâu chọn giống, áp dụng kỹ thuật chăm sóc, bón phân, thu hoạch cho đến khi vào nhà máy để tạo ra thành phẩm là hạt gạo thì đều có sự tham gia của KH-CN. Vấn đề là việc áp dụng KH-CN vào từng khâu nhiều hay ít, nhằm tạo ra các sản phẩm cho giá trị khác nhau. Hay như con tôm xuất khẩu, nếu tuân thủ các quy trình sản xuất khép kín từ khâu lựa chọn con giống, sử dụng vi sinh để tạo ra sản phẩm sạch thì luôn bán được với giá cao. Rồi con tôm không dừng ở bán tôm đông mà chuyển sang chế biến các mặt hàng khác như: tôm tẩm bột, tôm xiên que, tôm hấp… sẽ tạo nên nhiều sản phẩm cho giá trị gia tăng. Muốn làm được việc này chỉ có giải pháp duy nhất là áp dụng đúng quy trình sản xuất và đầu tư công nghệ hiện đại cho dây chuyền chế biến…
Liên kết “bốn nhà”
Muốn thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thì bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng KH-CN mới vào sản xuất, phải tranh thủ cho được nguồn lực từ các doanh nghiệp thông qua mô hình liên kết “bốn nhà”, đặc biệt là liên kết với nông dân. Bởi trong điều kiện ngân sách Nhà nước có hạn, nhưng phải đầu tư nhiều cho phát triển hạ tầng, nên sẽ gặp khó trong đầu tư cho từng mô hình sản xuất. Do vậy, phải phát huy cho được vai trò, nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư phát triển KH-CN. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ là người đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu tạo ra những sản phẩm mới cho năng suất, chất lượng cao để chuyển giao cho nông dân áp dụng vào thực tiễn. Thay vì nghiên cứu theo… kế hoạch, chưa gắn với những nhu cầu bức xúc mà thực tiễn đặt ra, khó ứng dụng vào cuộc sống...
Với thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, Bạc Liêu cần tăng cường đầu tư cho việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất và xem KH-CN là tiên phong trong thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Làm được điều này sẽ góp phần tạo nền tảng trong xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường, hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH-HĐH nông nghiệp - nông thôn.
KIẾT TƯỜNG
- Nhìn lại nghệ thuật Đờn ca tài tử trong thời đương đại
- Đám cưới quê
- Trường mầm non Hoa Xuân (huyện Hồng Dân): Tăng cường hoạt động trải nghiệm giúp trẻ phát triển toàn diện
- TP. Bạc Liêu: Thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Chấn chỉnh, xử lý nghiêm trường hợp cố tình đăng tin xấu độc, sai sự thật