Khoa học - Công nghệ

Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao KH-CN huyện Hồng Dân: Ứng dụng thành công phân sinh học làm tăng năng suất lúa

Thứ Sáu, 27/03/2015 | 14:49

Với đề tài “Ứng dụng phân bón sinh học (Azotobacter) để tăng hàm lượng hữu cơ cho đất chuyên lúa góp phần tăng năng suất lúa tại huyện Hồng Dân”, của tác giả Phạm Thị Chúc Ly đã mở ra cho nông dân cách trồng lúa theo hướng phát triển an toàn sinh học, góp phần bảo vệ môi trường…

Công nghệ ứng dụng phân bón sinh học (Azotobacter) để tăng hàm lượng hữu cơ cho đất chuyên lúa góp phần tăng năng suất lúa là một quy trình sản xuất mới. Trong đó, nông dân sẽ kết hợp phân sinh học với phân hóa học để bón cho cây lúa. Phân sinh học được sử dụng dưới 2 dạng gồm: Phân lân hữu cơ sinh học NPK dạng hạt mịn và phân dạng lỏng Thiên Phú 2. Các loại phân này khi trộn chung với phân hóa học sẽ có nhiều tác dụng khi bón trên ruộng lúa như: Cung cấp dưỡng chất cho cây trồng, cải tạo đất bạc màu, phân hủy rơm rạ, giải quyết tình trạng ngộ độc hữu cơ, hạ phèn và tăng độ PH… Đặc biệt, khi sử dụng các sản phẩm phân vi sinh, nông dân chỉ cần bón kèm 30kg phân hóa học/công/vụ thay vì phải bón gần 100kg phân hóa học/công/vụ theo kiểu phụ thuộc hoàn toàn như trước đây.

Ruộng lúa áp dụng quy trình bón phân sinh học giúp nông dân giảm bớt chi phí đầu tư và cho năng suất cao. Ảnh: P.Đ

Qua quá trình ứng dụng vào sản xuất thử nghiệm tại xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân), đề tài đã mang lại kết quả rất khả quan. Ông Đặng Văn Lâm (ấp Tà Ben, xã Ninh Hòa) phấn khởi nhận xét: “Đây là lần đầu tiên tôi áp dụng mô hình này, và hiệu quả sản xuất rất cao. Cứ 1ha đất sử dụng phân bón sinh học, nông dân sẽ có lãi 5 triệu đồng so với sử dụng phân bón hóa học. Điều đáng mừng là, không chỉ giảm được chi phí mà năng suất lúa cũng tăng. Năng suất lúa vụ đông xuân này áp dụng theo quy trình bón phân mới đạt 1,3 tấn/công, trong khi những ruộng sử dụng phân hóa học theo truyền thống chỉ cho năng suất khoảng 1,2 tấn/công”. Công trình nghiên cứu này hứa hẹn sẽ hướng nông dân đến việc trồng lúa sử dụng phân sinh học thay thế cho phân hóa học không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn tăng lợi nhuận.

Cùng với việc hiện đại hóa nông nghiệp thì sản xuất gắn với đảm bảo môi trường là hướng đi rất cần thiết. Bạc Liêu là một tỉnh nông nghiệp, nếu quy trình sản xuất trên được nhân rộng ở các vùng chuyên canh cây lúa thì hàng năm nông dân sẽ tiết kiệm được hàng tỷ đồng. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, làm giảm được tình trạng thoái hóa, bạc màu tài nguyên đất. “Trong vụ sản xuất tới, đề tài sẽ được nhân rộng để nhiều nông dân trong huyện áp dụng. Quy trình này không chỉ ứng dụng được trên những vùng chuyên canh cây lúa mà có thể áp dụng cho vụ lúa trên vùng chuyển đổi. Trong tương lai, tôi sẽ hướng đến nghiên cứu để nông dân có thể ứng dụng phân sinh học vào việc trồng lúa thay thế hoàn toàn phân hóa học”, tác giả đề tài - Phạm Thị Chúc Ly cho biết.

Phạm Đoàn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.