Khoa học - Công nghệ
Ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất: Nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu
Gần đây, một số doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp có nhiều sáng kiến ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng nông sản. Những sáng kiến ấy đã được Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) chứng nhận là Doanh nghiệp KH-CN.
Sáng kiến nâng cao chất lượng hạt muối
Mới đây, Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu được Sở KH-CN trao chứng nhận Doanh nghiệp KH-CN. Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu chuyên sản xuất và cung ứng các sản phẩm muối tinh chế sấy, muối tinh chế chất lượng cao, muối xay, muối hạt các loại, muối iốt, muối gia vị và các sản phẩm liên quan. Công ty đã nhận được nhiều giải thưởng lớn như: Thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn năm 2004, 2013, 2014, 2015; Cúp vàng Cửu Long hội nhập tại hội chợ Bông lúa vàng Việt Nam - Kiên Giang EXPO năm 2007; Huy chương vàng Sản phẩm muối iốt và muối xay Bạc Liêu năm 2007; Huy chương vàng Giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2015; Giải nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật Bạc Liêu lần thứ VI cho giải pháp “Thay thế sấy muối tĩnh vĩ ngang bằng sấy muối trống quay”…
Ông Huỳnh Minh Hoàng (bìa trái), Giám đốc Sở KH-CN trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH-CN cho Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu.
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh (bìa phải) nhận giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH-CN. Ảnh: M.Đ
Đại biểu tham quan trưng bày các sản phẩm muối Bạc Liêu.
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh kiểm tra tôm nuôi sau khi xử lý bùn đáy ao. Ảnh: M.Đ
Hàng năm công ty thu mua hơn 10.000 tấn muối cho diêm dân; xuất khẩu khoảng 600 tấn muối/năm cho một số nước như Nhật, Hàn Quốc… Đồng thời, các sản phẩm muối của công ty đưa vào tiêu thụ hơn 200 siêu thị trong nước với khoảng 120 tấn muối/năm.
Để nâng cao chất lượng hạt muối, công ty đã ứng dụng KH-CN cải tiến thùng sấy muối trống quay. Từ đó chất lượng hạt muối được nâng lên, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cũng như cung cấp cho các hệ thống siêu thị. Ông Hồ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu, cho biết: “Tôi rất vui vì được Sở KH-CN trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH-CN. Đây là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của công ty, là động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục phấn đấu, tiếp tục nghiên cứu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị hạt muối Bạc Liêu”. Đến nay, toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp được Sở KH-CN trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH-CN.
Chế phẩm xử lý bùn đáy ao nuôi tôm
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh (gọi tắt là Công ty Trúc Anh) được Sở KH-CN trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH-CN cho sản phẩm chế phẩm vi sinh xử lý bùn đáy ao (TA PONDPRO) và chế phẩm làm thức ăn bổ sung cho tôm cá (DR SHRIMP). Đây là kết quả đầu tư, nghiên cứu KH-CN của ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty Trúc Anh.
Công ty Trúc Anh chuyên sản xuất, kinh doanh thuốc thú y thủy sản, các chế phẩm vi sinh xử lý, cải tạo môi trường; dịch vụ tôm giống thủy sản chất lượng cao; gia công, mua bán nguyên liệu sản xuất vi sinh chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thủy sản; chuyển giao quy trình nuôi tôm sạch. Công ty Trúc Anh đã nhận được nhiều giải thưởng lớn như: Cúp vàng thủy sản Việt Nam; giải thưởng Vì sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; Thương hiệu sản phẩm uy tín chất lượng; giải thưởng Lương Định Của…
Theo ông Lê Anh Xuân, việc được Sở KH-CN trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH-CN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công ty tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển. Đồng thời, ông Xuân cũng bày tỏ mong muốn liên kết với các nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm chế tạo các sản phẩm có hàm lượng khoa học, góp phần giải quyết một số vấn đề bức xúc trong nuôi trồng thủy sản hiện nay. Đó là sử dụng thuốc thú y thủy sản vi sinh để thay thế thuốc thú y thủy sản hóa chất, các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản…
Các chế phẩm vi sinh của Công ty Trúc Anh đã mở ra một hướng đi mới cho người nuôi tôm: thay thế các sản phẩm hóa chất bằng vi sinh. Việc sử dụng các sản phẩm sinh học trong quá trình nuôi tôm vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường và sẽ tạo ra con tôm “sạch” cho Bạc Liêu.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (thuộc Sở KH-CN) cho rằng: “Doanh nghiệp được chứng nhận là Doanh nghiệp KH-CN thì doanh nghiệp đó phải có công trình, sáng kiến công nghệ ứng dụng vào sản xuất. Và Doanh nghiệp KH-CN được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh, nhất là ở lĩnh vực KH-CN”.
Việc trở thành Doanh nghiệp KH-CN tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ứng dụng KH-CN vào sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì vậy, Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn để các doanh nghiệp tích cực nghiên cứu, sáng kiến ứng dụng KH-CN mới vào sản xuất, để ngày càng có nhiều Doanh nghiệp KH-CN.
Minh Đạt
- Tập huấn phần mềm kiểm kê tài sản công cho hơn 600 cán bộ
- Tổng rà soát người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt làm việc với các bệnh viện về tình hình chuẩn bị đại hội
- Nhạc sĩ Nguyễn Quốc (Bạc Liêu) đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc
- TP. Bạc Liêu: Bàn giải pháp ứng phó với sạt lở tuyến đê biển Đông