Bạc Liêu phát triển doanh nghiệp ít nhất ĐBSCL: Khó từ phong trào khởi nghiệp

Thứ Hai, 22/03/2021 | 17:29

Theo báo cáo thường niên về kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố năm 2020, Bạc Liêu là tỉnh có số doanh nghiệp thấp nhất vùng. Nếu cả nước trung bình có 7,9 doanh nghiệp/1.000 người, thì Bạc Liêu chỉ có khoảng 2 doanh nghiệp/1.000 người. Đây là vấn đề cần được quan tâm trong việc huy động nguồn lực cho tăng trưởng của tỉnh.

Phát triển mới doanh nghiệp góp phần cho tăng thu ngân sách và giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương (lao động tại Nhà máy may Vinatex Bạc Liêu).

DOANH NGHIỆP THẤP NHẤT VÙNG

Xác định doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương, từ năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Quyết định 112 về việc ban hành Kế hoạch hành động năm 2018 và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 với mục tiêu phấn đấu có 1.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Đây cũng là nhiệm vụ để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, Bạc Liêu chưa năm nào hoàn thành mục tiêu thành lập mới 500 doanh nghiệp/năm. Như năm 2018 chỉ có 345 doanh nghiệp thành lập mới, năm 2019 có 365 doanh nghiệp thành lập mới, năm 2020 có khoảng 400 doanh nghiệp thành lập mới và trong 2 tháng đầu năm 2021 có 27 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp đến nay hơn 2.500 doanh nghiệp. Với con số này, Bạc Liêu là tỉnh có rất ít doanh nghiệp so với các tỉnh khác (như tỉnh Kiên Giang đến nay đã vượt trên con số 7.500 doanh nghiệp).

Điều đáng quan tâm, số doanh nghiệp được thành lập mới của tỉnh chiếm phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Qua số liệu thống kê năm 2020 của Sở Kế hoạch - Đầu tư, doanh nghiệp có vốn đăng ký từ trên 100 tỷ đồng chỉ có 62 doanh nghiệp; doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 20 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng có 173 doanh nghiệp, còn lại là các doanh nghiệp có vốn đăng ký nhỏ hơn 20 tỷ đồng (trong đó có cả doanh nghiệp có vốn đăng ký chỉ 20 triệu đồng).

Với định hướng phát triển từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn 2030, Bạc Liêu sẽ hình thành nhiều trung tâm của vùng và cả nước, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, kế hoạch phát triển doanh nghiệp từ nay đến năm 2025 chỉ còn 400 doanh nghiệp/năm, thay vì con số 500 doanh nghiệp/năm được đề ra từ năm 2018?! Do vậy, việc tìm ra nguyên nhân, giải pháp để tăng số doanh nghiệp với chức năng là tạo ra nguồn lực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế và tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội là việc cần làm hiện nay.

Lớp dạy nghề cho phụ nữ chỉ giúp chị em thoát nghèo chứ chưa thể phát triển thành doanh nghiệp. Ảnh: L.D

NÚT THẮT Ở ĐÂU?

Việc thành lập doanh nghiệp của tỉnh gặp khó trong thời gian qua, ngoài nguyên nhân chính là các cơ sở sản xuất - kinh doanh “ngại lớn”, còn mang nặng tâm lý, tập quán của người sản xuất nhỏ nên không muốn phát triển lên doanh nghiệp do sợ phải thực hiện các thủ tục hành chính theo Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Lao động…, còn một nguyên nhân khác nữa là phong trào khởi nghiệp rất yếu kém. Trong khi đó, một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra từ vùng ĐBSCL và cả nước là địa phương nào làm tốt phong trào khởi nghiệp thì doanh nghiệp thành lập mới sẽ tăng.

Trên thực tế, thời gian qua phong trào khởi nghiệp dù được quan tâm nhưng chưa tạo được động lực và góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu thành lập mới 500 doanh nghiệp/năm. Cụ thể, đối với tổ chức Đoàn Thanh niên trong thực hiện phong trào Quốc gia khởi nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phát động, từ năm 2016 Trung ương Đoàn đã phát động chương trình thanh niên khởi nghiệp, trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bạc Liêu đã cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong thanh niên Bạc Liêu. Thế nhưng, chương trình này mới dừng ở phong trào giúp nhau giảm nghèo là chính. Đơn cử như các Huyện đoàn: Hồng Dân, Đông Hải, Phước Long, Vĩnh Lợi…, từ năm 2016 đến nay đã triển khai nhiều mô hình khởi nghiệp trong thanh niên với hàng chục mô hình sản xuất - kinh doanh và gắn với các cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp”, “Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp”… Tuy nhiên qua thống kê cho thấy, chưa có thanh niên nào từ khởi nghiệp phát triển thành doanh nghiệp! Hay đối với Hội LHPN, từ năm 2017 đã triển khai Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, song, qua điều tra thực tế tại các địa phương, Đề án này chỉ dừng ở phạm vi giúp nhau giảm nghèo và làm công tác từ thiện xã hội. Cụ thể, Hội LHPN huyện Phước Long thời gian qua đã triển khai nhiều mô hình khởi nghiệp nhưng chủ yếu là tập trung cho công tác an sinh thông qua thành lập các tổ như: tổ liên kết nuôi ba ba và cua đinh, tổ phụ nữ liên kết may gia công, tổ tiết kiệm, tổ trồng rau màu…

Tồn tại bất cập này, có thể nói do nhận thức chưa đúng về phong trào khởi nghiệp, còn nhầm lẫn khởi nghiệp với giúp nhau giảm nghèo nên chưa có những mô hình hay, cách làm đột phá trong việc khuyến khích, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các đoàn viên - thanh niên và hội viên phụ nữ còn quá lệ thuộc vào nguồn vay và chỉ tính đến chuyện khởi nghiệp khi có vốn. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư cho phong trào này gần như không có mà chủ yếu là tranh thủ vốn từ các chương trình khác chuyển sang như: vốn giải quyết việc làm, vốn vì bạn nghèo, vốn từ các tổ tiết kiệm vay vốn… Và với mỗi mô hình đầu tư chỉ dừng ở con số vài triệu đồng thì muốn phát triển thành doanh nghiệp không phải là chuyện dễ, nhất là không được trang bị các kiến thức về quản trị.

Hỗ trợ vốn cho thanh niên lập nghiệp tại Phường 3 (TP. Bạc Liêu).

Thêm vào đó, “Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp” mới dừng ở ý tưởng và các ý tưởng này chưa được đưa vào thị trường để trao đổi. Vì vậy, sau mỗi cuộc thi các ý tưởng, mô hình hoặc đề án nhanh chóng bị “xếp xó”, thay vì được đem ra bán và có doanh nghiệp đầu tư góp vốn cho những ý tưởng khởi nghiệp đó. Đây cũng là vấn đề cần được các tổ chức đoàn thể quan tâm trong thực hiện các cuộc thi và phong trào khởi nghiệp gắn với liên kết với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tham gia thị trường này.

Từ thực trạng trên cho thấy, việc ban hành các giải pháp đã qua và thực hiện các phong trào khởi nghiệp cần được đánh giá, phân tích làm rõ thực trạng và kịp thời tháo gỡ, khai thông các “điểm nghẽn”. Qua đó, phát triển nhanh doanh nghiệp và không để Bạc Liêu tiếp tục bị “xếp út” khi tăng trưởng kinh tế của tỉnh đứng ở vị trí thứ 2 khu vực ĐBSCL nhưng phát triển doanh nghiệp lại xếp thứ 13/13 tỉnh, thành.

LƯ TRUNG

Võ Đông Xuân, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Thực hiện nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ khi thành lập mới doanh nghiệp

Với nhiệm vụ được đặt ra đối với ngành Thuế phải chú trọng vào chỉ tiêu số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 400 doanh nghiệp/năm, do đó, ngoài việc mời gọi nhà đầu tư, ngành Thuế còn kết hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương hỗ trợ, tư vấn, động viên nhà đầu tư thành lập mới doanh nghiệp và hộ, cá nhân kinh doanh có đủ điều kiện chuyển đổi lên doanh nghiệp, đặc biệt là giúp nhà đầu tư am hiểu các chính sách của Nhà nước liên quan đến lợi ích khi nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp và các hình thức hỗ trợ khi đầu tư…

Khi thành lập mới doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều lợi ích. Cụ thể, nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Nhà đầu tư được tự chủ quyết định hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan; được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư. Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế. Nhà nước tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến đầu tư kinh doanh mà Việt Nam là thành viên. Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư đang được hưởng thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án. Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án. Áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất…

Bên cạnh đó, sẽ thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khác như: Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất - kinh doanh; hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, nội thị; hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển…

Trương Hồng Trang, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong chị em phụ nữ

Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 (gọi tắt là Đề án 939) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 30/6/2017. Tính đến nay, các Hội LHPN trong tỉnh đã phối hợp với các ngành hỗ trợ trên 50 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mới thành lập, hỗ trợ cho hơn 1.270 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, hỗ trợ thành lập 7 hợp tác xã,  67 tổ hợp tác và 35 tổ liên kết sản xuất với các ngành nghề: mua bán tạp hóa, mở rộng chăn nuôi, trồng hoa màu trên rẫy và các bờ vuông tôm, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, sản xuất, chế biến các sản phẩm đạt OCOP….

Tuy nhiên, một trong những bấp cập mà chị em phụ nữ gặp khó trong khởi nghiệp lâu nay chính là vốn, ý tưởng và thị trường. Về vốn thì nguồn lực ngân sách và các nguồn lực vận động xã hội hóa rất ít và hạn chế; Về ý tưởng, phần lớn chị em thích sản xuất - kinh doanh theo kiểu truyền thống, năng lực người thực hiện không đủ để hình thành nên một ý tưởng hoàn chỉnh; Về thị trường thì đầu ra các sản phẩm của chị em phụ nữ không đảm bảo về giá, chất lượng và không đủ sức cạnh tranh ở các thị trường cao nên để phát triển lên thành doanh nghiệp là rất khó.

Hiện nay, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã và đang tìm ra nhiều giải pháp thích hợp để hỗ trợ các chị em phụ nữ, hội viên trong việc phát triển kinh tế, khởi nghiệp bằng nhiều hình thức. Cụ thể, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của việc phụ nữ khởi nghiệp, thời gian tới Hội sẽ tiếp tục giải ngân các nguồn vốn ủy thác, quỹ hội và phối hợp với các doanh nghiệp, các công ty trong và ngoài tỉnh tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn, cây, con giống… nhằm giúp chị em phát triển kinh tế và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp. Đồng thời, phát huy vai trò của Hội Nữ doanh nhân trong việc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và mô hình quản lý doanh nghiệp để chị em học tập và mạnh dạn chuyển đổi từ cơ sở sản xuất - kinh doanh lên doanh nghiệp.

Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh cũng sẽ phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ đưa sản phẩm của chị em phụ nữ đến gần với người tiêu dùng thông qua các hội chợ và xúc tiến thị trường. Đồng thời, hỗ trợ và giúp đỡ chị em phát triển thành các sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu và hướng đến thành lập doanh nghiệp để mở rộng sản xuất - kinh doanh, góp phần giải quyết thêm nhiều việc làm, thu nhập cho lao động địa phương.

Lương Văn Pho, Phó Bí thư Tỉnh đoàn: Phong trào khởi nghiệp phải có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành

Thực tiễn những năm qua cho thấy, phong trào khởi nghiệp trong thanh niên chủ yếu là lập nghiệp, thoát nghèo và phát triển kinh tế gia đình, không có các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thêm vào đó, vẫn còn một bộ phận thanh niên trông chờ, ỷ lại, chưa mạnh dạn cụ thể hóa các ý tưởng thành các dự án để khởi nghiệp.

Để phong trào khởi nghiệp trong thanh niên thật sự phát huy hiệu quả và góp phần vào thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp của tỉnh, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên. Đồng thời, triển khai các phong trào, các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên, động viên khuyến khích thanh niên mạnh dạn đầu tư, hiện thực hóa các ý tưởng thành các dự án để khởi nghiệp. Theo đó, thành lập câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp nhằm hỗ trợ thanh niên trong hợp tác, trao đổi thông tin, kiến thức và kỹ năng trong khởi nghiệp; tổ chức các hoạt động tư vấn cho thanh niên như: thành lập doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ, phát triển mô hình hợp tác xã, hỗ trợ vay vốn, tư vấn pháp lý…

Song song đó, phong trào khởi nghiệp phải có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành chứ không riêng gì Đoàn Thanh niên. Phong trào phải được tổ chức thường xuyên, liên tục để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ và phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ kịp thời cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, nhất là ưu đãi về vốn vay…

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.