Bạc Liêu phát triển kinh tế biển từ tiềm năng và thế mạnh
Thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của đại dương và nhiều quốc gia xem phát triển kinh tế biển là một trong những mục tiêu chiến lược cho phát triển bền vững. Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết 09 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, với mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển. Với 56km bờ biển, Bạc Liêu đã và đang khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh này và xem phát triển kinh tế biển là một trong những trụ cột hàng đầu cho phát triển kinh tế của tỉnh trong hiện tại và tương lai.
Khởi công Khu nông nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (ảnh trên) và Nhà máy điện gió giai đoạn III (ảnh dưới) tại ven biển Nhà Mát (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D
PHONG PHÚ TIỀM NĂNG
Với vị trí địa lý nằm giáp biển, phát triển kinh tế biển của tỉnh tập trung chủ yếu ở vùng sản xuất phía Nam Quốc lộ 1A. Có diện tích tự nhiên hơn 89.640ha, chiếm 35% diện tích toàn tỉnh và 56km bờ biển với một ngư trường rộng lớn (vùng đặc quyền kinh tế biển rộng 20.742km2) và có 4 cửa biển lớn là Gành Hào, Chùa Phật, Cái Cùng và Nhà Mát, đã hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho Bạc Liêu phát triển mạnh về kinh tế biển.
Vì vậy, sau ngày tái lập tỉnh (năm 1997), Tỉnh ủy đã ban hành hai nghị quyết quan trọng là Nghị quyết 02 và 06 về phát triển kinh tế biển (giai đoạn 1998 - 2005 và 2005 - 2010), đặc biệt từ khi có Nghị quyết 09, ngày 9/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Bạc Liêu đã xây dựng nhiều nghị quyết, chương trình về phát triển kinh tế biển. Trong đó có Nghị quyết 04/NQ-TU về phát triển kinh tế biển và vùng phía Nam Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu đến năm 2015 và những năm tiếp theo; và trong tháng 1/2018 là Kết luận 67/KL-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về tiếp tục phát triển kinh tế biển và vùng phía Nam Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Qua đó cho thấy, Bạc Liêu đã quan tâm phát triển kinh tế biển và xem đây là ngành kinh tế động lực quan trọng của tỉnh.
Bởi xét về điều kiện tự nhiên, Bạc Liêu hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. Với thời tiết ôn hòa, đất đai bằng phẳng, dân cư sinh sống khá đông đúc, đã và đang hình thành các khu dân cư đô thị ven biển và chiếm gần 34% dân số toàn tỉnh, vùng ven biển Bạc Liêu gần như hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi và nhân hòa”.
Với bờ biển dài và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn, biển Bạc Liêu được xem là cái nôi của nhiều loại thủy hải sản. Ngoài trữ lượng con giống mang lại từ tự nhiên có giá trị hàng trăm tỷ đồng/năm, trữ lượng hải sản của biển Bạc Liêu rất phong phú về chủng loại. Riêng cá có hơn 660 loài và hàng năm có thể khai thác hơn 300.000 tấn. Trong đó có nhiều loại thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao như: tôm, cua, mực, sò huyết, nghêu...
Đặc biệt, ngoài phát triển nghề khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, vùng biển Bạc Liêu gần như ít xảy ra bão lớn nhưng lại có lượng nắng, gió gần như quanh năm nên thuận lợi cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo như: điện gió, điện mặt trời. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để phát triển mạnh về du lịch sinh thái biển, du lịch tâm linh khi khu vực này có hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú và nền văn hóa dân gian đặc sắc. Vì vậy, trong “4 trụ cột” phát triển kinh tế của tỉnh thì vùng ven biển đã chiếm đến 3 trụ cột, đó là Khu nông nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và phát triển du lịch.
THẾ MẠNH CHƯA ĐƯỢC PHÁT HUY
Có thể nói, với những điều kiện thuận lợi mang lại từ biển, Bạc Liêu hoàn toàn có thể phát triển mạnh về kinh tế biển. Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận rằng, việc phát triển kinh tế biển trong những năm qua mới dừng ở tiềm năng. Một trong những bất cập dễ thấy nhất là việc khai thác các thế mạnh mũi nhọn còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; một số lĩnh vực phát triển còn chậm, các lợi thế về kinh tế biển chưa được khai thác tốt, chủ yếu mới khai thác lợi thế về nuôi trồng thủy sản, các lĩnh vực khác như: đánh bắt xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch biển… chưa được đầu tư khai thác một cách có hiệu quả.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch dân cư, đô thị ven biển còn chậm; tỉnh chưa có quy hoạch riêng về phát triển kinh tế - xã hội vùng biển. Nhu cầu vốn đầu tư cho chương trình, dự án phát triển kinh tế biển và vùng phía Nam Quốc lộ 1A rất lớn nhưng việc huy động vốn, mời gọi đầu tư còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng xói lở tại các cửa sông ven biển Gành Hào, Nhà Mát diễn ra khá mạnh; hiện tượng xâm thực từ biển ngày càng gia tăng làm ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Một số quy trình nuôi tôm còn bất cập, hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản phẩm thủy sản còn thấp; năng suất các mô hình nuôi tôm thấp, giá thành sản xuất còn cao; hiệu quả đem lại chưa nhiều và thường xuyên phải đối mặt với dịch bệnh; môi trường đất, nước đang có dấu hiệu bị thoái hóa, ô nhiễm do ý thức của một bộ phận nông, ngư dân nuôi tôm còn hạn chế. Người dân khó tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng để phát triển sản xuất, tỷ lệ nợ xấu trong khai thác và nuôi trồng thủy sản chiếm khá cao…
Để khắc phục những khó khăn này và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh vốn có, Bạc Liêu đã đề ra mục tiêu chung cho phát triển kinh tế biển là: Tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển toàn diện, đồng bộ vùng phía Nam Quốc lộ 1A. Phát triển mạnh các ngành kinh tế biển và ven biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo hiệu quả cao và phát triển bền vững. Xây dựng được các vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất hàng hóa lớn, sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ cao. Phát triển các mô hình sản xuất và phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích; xác định các mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao (nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao), các giải pháp khoa học - công nghệ mới, tiên tiến, sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng mô hình mẫu, tạo điểm nhấn, đột phá trong tái cơ cấu ngành Thủy sản. Phấn đấu xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước…
LƯ TRUNG