Bạc Liêu: Phát triển kinh tế nhanh và bền vững
Với vị trí xuất phát thấp, xa các trung tâm kinh tế lớn, Bạc Liêu luôn đứng ở vị trí cuối bảng xếp hạng về tăng trưởng kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sau những năm mới tách tỉnh (năm 1997). Tuy nhiên, với sự đẩy mạnh đối với mô hình tăng trưởng Bạc Liêu đã vươn lên vị trí thứ hai của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về tăng trưởng kinh tế năm 2020.
Kinh tế tăng trưởng cao
Song, với việc ban hành các giải pháp, tập trung khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế và quán triệt phương châm hành động hóa giải các nguy cơ trở thành thời cơ, tạo thêm động lực mới cho phát triển, Bạc Liêu đã xác định được hướng đi của mình bằng việc xây dựng 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, làm chuyển biến cơ bản những khó khăn, từng bước hóa giải những thách thức và bước đầu đã khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và vượt lên vị trí thứ hai của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về tăng trưởng năm 2020. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2016 - 2020) đạt 7,16%/năm; Thu thập bình quân đầu người đạt gần 55 triệu đồng/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 28.500 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 785 triệu USD…
Để đạt được những kết quả quan trọng trên, phải ghi nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy và sự điều hành năng động, sáng tạo của UBND tỉnh và các ngành đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu trong thực hiện các kịch bản tăng trưởng kinh tế và huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng. Qua đó, làm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, khai thác có hiệu quả và phát huy tốt các lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Hiện Bạc Liêu đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng phát triển nhanh, bền vững; tăng cường liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, nhằm góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị gia tăng. Xác định nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với mục tiêu đưa Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành tôm của cả nước.
Một trong những thành tựu nổi bật về kinh tế, góp phần làm thay đổi diện mạo của một tỉnh nghèo là Bạc Liêu đã tập trung làm tốt công tác thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Hiện Nhà máy Điện gió Bạc Liêu quy mô công suất 99,2MW đang hoạt động ổn định, với tổng sản lượng điện lũy kế phát lên lưới dự kiến đạt trên 1,2 tỷ kWh vào cuối năm 2020. Đồng thời, đang triển khai thi công nhiều dự án điện gió với tổng công suất 562MW như: Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 (giai đoạn 1, giai đoạn 2), Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 (giai đoạn 1, giai đoạn 2), Nhà máy Điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3, Nhà máy Điện gió Hòa Bình 2, Nhà máy Điện gió Đông Hải 2 - giai đoạn 1, Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5 - giai đoạn 1 và Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu - giai đoạn 1…
Đặc biệt, Bạc Liêu cũng đã mời gọi, thu hút được Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), công suất 3.200MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD. Dự án này được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tỉnh đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy phép đầu tư và nhà đầu tư đang khẩn trương triển khai các thủ tục có liên quan, phấn đấu khởi công trong năm nay.
Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch tôm nuôi theo mô hình tôm sạch. Ảnh: K.T
Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng
Để hoàn thành những mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng, trong năm 2021, Bạc Liêu sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu mà trọng tâm là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, quản trị hiện đại, liên kết chuỗi giá trị.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung quy hoạch, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp - thực phẩm khép kín từng bước hiện đại, quản trị tốt theo chuẩn quốc tế. Phát triển Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp giống, nuôi trồng, chế biến về tôm của cả nước. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt từ 6%/năm trở lên. Đồng thời, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới có hiệu quả; tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và bảo vệ môi trường. Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tạo thương hiệu sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, có năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh và giá trị lớn; gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời tập trung đầu tư, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án kinh tế động lực đã xác định như: Các dự án điện gió khu vực ven biển, đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), đảm bảo đúng tiến độ theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh (đưa tổ máy đầu tiên của nhà máy điện vào vận hành năm 2024, hoàn thành đủ công suất năm 2027). Tiếp tục phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, bám sát và nâng cao giá trị gia tăng cho toàn chuỗi như: Công nghiệp chế biến nông - thủy sản, công nghiệp muối và sản phẩm từ muối, may mặc, cơ khí chế tạo nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; chú trọng phát triển các cơ sở công nghiệp sơ chế nông sản ở nông thôn. Thu hút một số doanh nghiệp công nghệ thông tin chủ lực thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ, tiến tới cho nền kinh tế số, xã hội số. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân lĩnh vực công nghiệp đạt từ 15,3%/năm và lĩnh vực xây dựng đạt từ 20%/năm trở lên…
Trần Trung
----------------------------------------------------------------------------
Mục tiêu và quyết tâm phát triển kinh tế từ nay đến năm 2025 của Bạc Liêu là:
Phát triển kinh tế nhanh và bền vững, gắn với đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, liên kết vùng; mở rộng thị trường xuất khẩu. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Huy động mọi nguồn lực, tập trung thực hiện có hiệu quả 5 trụ cột và 3 đột phá đã xác định để phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Đến năm 2025, tiếp tục là tỉnh khá trong khu vực; có mức GRDP/người thuộc nhóm cao của vùng; quy mô kinh tế (theo giá hiện hành) tăng từ 2 - 2,5 lần so với năm 2020…
- Thả khoảng 4,7 triệu con tôm post giống về biển nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản
- Công bố Quyết định thành lập Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu
- Thành ủy TP. Bạc Liêu: Triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2025
- Huyện Hồng Dân: Sơ kết tình hình các mặt công tác quý I/2025
- TP. Bạc Liêu: Phát hiện 2 thanh thiếu niên dương tính với ma túy