Cần những định hướng chiến lược cho phát triển công nghiệp
Một trong những giải pháp quan trọng góp phần cho tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ chính là phát triển mạnh sản xuất công nghiệp. Đây là vấn đề mang tính chiến lược để Bạc Liêu khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh vốn có.
Giới thiệu sản phẩm công nghiệp muối Bạc Liêu tại Hội chợ hàng OCOP năm 2023.
PHÁT HUY THẾ MẠNH TỪ NÔNG NGHIỆP
Nếu nền kinh tế tỉnh nhà xem sản xuất nông nghiệp là “trụ đỡ” quan trọng, thì phát triển công nghiệp chính là nền tảng và “bệ phóng” để tạo nên những động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị và tạo nên sức cạnh tranh cho hàng nông - thủy sản. Trên thực tế, câu chuyện phát triển công nghiệp chế biến hàng nông - thủy sản đã được đặt ra từ lâu và có cả những nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) từ năm 2011 (Nghị quyết 03).
Thế nhưng, nhiều mục tiêu được đề ra cho phát triển CN-TTCN gần như chưa thực hiện được bao nhiêu và đến nay sản xuất CN-TTCN của tỉnh vẫn xếp vào nhóm yếu, kém của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Ngoài công nghiệp chế biến tôm xuất khẩu là chủ lực thì các mặt hàng nông - thủy sản khác chưa được quan tâm đầu tư và đưa vào chế biến. Trong khi đó, Bạc Liêu được xem là địa phương giàu tài nguyên, nhất là các nguồn lợi được khai thác từ phát triển kinh tế biển. Đặc biệt, Bạc Liêu được xem là “vương quốc” muối và Nghề làm muối đã được công nhận Di sản phi vật thể cấp quốc gia, nhưng công nghiệp chế biến các sản phẩm mang lại từ muối không nhiều, nhất là muối được dùng làm dược liệu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho hạt muối chưa phát huy hết thương hiệu, giá trị và cả yếu tố văn hóa được kết tinh từ hạt muối. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác mời gọi, thu hút đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với diêm dân mở rộng quy mô sản xuất muối tinh, áp dụng kỹ thuật sản xuất muối theo mô hình trải bạt để tăng sản lượng và chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm từ muối… gắn với đẩy mạnh xây dựng, đầu tư kết cấu hạ tầng đồng muối và kho dự trữ muối quốc gia tại xã Điền Hải (huyện Đông Hải) với sức chứa từ 15.000 - 20.000 tấn. Nếu không, việc xây dựng kho dự trữ muối sẽ không phát huy hết giá trị đầu tư.
Ngoài thế mạnh này, thì cần quan tâm phát triển thêm các ngành nghề chế biến cho các mặt hàng nông - thủy sản chủ lực khác của tỉnh như: các loại tôm và cá biển, lúa gạo, cua, cá đồng, rau màu...
Một cơ sở đóng mới tàu biển ở huyện Đông Hải. Ảnh: K.T
KHAI THÁC THÊM CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP TIỀM NĂNG
Cùng với phát huy các thế mạnh từ sản xuất nông nghiệp, thiết nghĩ, các ngành cũng cần nghiên cứu và đề xuất UBND tỉnh cho phép phát triển thêm các ngành công nghiệp tiềm năng khác.
Một trong những thế mạnh tiềm năng đó là nghiên cứu phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Hiện nay, ngoài sản phẩm gạch không nung đã được đưa vào thị trường, thì một số doanh nghiệp đã xin UBND tỉnh khai thác cát biển để phục vụ các công trình xây dựng. Vì lẽ đó, ngành quản lý cần tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá sản lượng, chất lượng tài nguyên cát biển để phục vụ san lấp mặt bằng và tham gia giải quyết những khó khăn trong việc thiếu vật liệu phục vụ cho san lấp ở các công trình xây dựng hiện nay, nhất là trong điều kiện cấm khai thác tài nguyên đất.
Cùng với đó, tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp sản xuất tấm lợp, tấm trần, lưới thép B40, khung nhà tiền chế… gắn với mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, đầu tư công nghệ, kỹ thuật mới để sản xuất nhiều sản phẩm mới có chất lượng cao, cấu kiện lớn như: Cống bê-tông cốt thép ly tâm, cấu kiện lắp ghép đúc sẵn, sản phẩm cấu kiện thép, nhựa... phục vụ cho quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Đặc biệt, cần khuyến khích và phát triển một số ngành công nghiệp mang tính “đón đầu” và phục vụ tốt cho phát triển kinh tế biển, nhất là sau khi Cảng cá Gành Hào trở thành cảng cá loại I, thu hút nhiều phương tiện khai thác thủy sản ngoài tỉnh vào trao đổi hàng hóa, sửa chữa và nâng cấp tàu gắn với các dịch vụ hậu cần nghề cá. Do vậy, phát triển công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thủy phải được coi là một trong những ngành công nghiệp cần được thu hút phát triển hiện nay.
Ngoài ra, ngành quản lý và các địa phương cũng cần quan tâm nhiều hơn đến phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo và sửa chữa phục vụ cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây được xem là những tiền đề và nền tảng để hướng đến xây dựng một Bạc Liêu phát triển mạnh về công nghiệp trong tương lai chứ không chỉ có phát triển mạnh về công nghiệp điện với các dự án điện năng lượng sạch là trọng tâm.
Hiện Bạc Liêu đang khẩn trương hoàn thành quy hoạch tổng thể với tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có quy hoạch phát triển CN-TTCN và các ngành kinh tế quan trọng có liên quan. Do vậy, cùng với đẩy mạnh mời gọi và thu hút đầu tư, các ngành và địa phương cũng cần quan tâm, chú trọng mời gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại và sản xuất ra các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Hạn chế phát triển các sản phẩm chế biến thô, giá trị thấp, lãng phí tài nguyên, không bảo đảm vệ sinh môi trường và sử dụng công nghệ lạc hậu. Trong đó, việc phát triển các cơ sở chế biến mới phải gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung và quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, cần khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm thải ra từ sản xuất nông nghiệp thông qua tái chế và tận dụng nguồn tài nguyên này theo mô hình kinh tế tuần hoàn (như sản xuất phân bón, thức ăn công nghiệp từ cám, vỏ đầu tôm hay cá phân…).
Cùng với đó là tích cực xây dựng hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để giao “đất sạch” cho doanh nghiệp triển khai các dự án và có cơ chế, chính sách hỗ trợ các dự án phát triển công nghiệp sử dụng nhiều lao động của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố lớn phát triển mạnh về công nghiệp như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... nhằm phát triển thêm thị trường tiêu thụ và có thể trở thành một khâu trong chuỗi sản xuất hàng công nghiệp từ các tỉnh, thành phố công nghiệp này.
KIM TRUNG
- Liên kết tiêu thụ để nâng giá trị rau màu
- Phát triển kinh tế - xã hội: Chờ giải pháp đột phá
- Tinh gọn bộ máy chính trị: Chủ động, hiệu quả và đồng thuận
- Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ Đoàn đại biểu tỉnh Bạc Liêu dự Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam toàn quốc lần thứ IX
- Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị phát triển du lịch nông thôn tỉnh Bạc Liêu