Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến và phát huy giá trị các làng nghề
Để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết 10 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, cùng với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, còn tập trung phát huy các thế mạnh khác trong phát triển công nghiệp chế biến và các làng nghề truyền thống.
Chế biến muối xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu.
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN
Có thể nói, điều kiện tự nhiên và sinh thái đặc thù đã tạo cho Bạc Liêu có nhiều sản vật phong phú. Tuy nhiên, các sản phẩm này chiếm phần lớn là bán nguyên liệu, hoặc chế biến thô nên giá trị mang lại chưa nhiều. Trong đó, ngoài 2 mặt hàng thế mạnh là con tôm và lúa gạo, Bạc Liêu còn giàu nguồn lợi được khai thác từ biển và nhiều sản phẩm khác được phát triển khá mạnh ở các vùng ngọt, vùng mặn, vùng lợ gắn với các tiểu vùng sản xuất như: chuyên canh rau màu, cá, tôm, cua…
Nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả và nâng cao giá trị cho mặt hàng chủ lực, Bạc Liêu sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông - thủy sản và muối.
Theo đó, Bạc Liêu khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, cải tạo nâng cấp và mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thêm các kho chứa hàng, các nhà máy chế biến nông - thủy sản xuất khẩu. Tập trung thu mua, chế biến các sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu mà tỉnh có tiềm năng như: tôm, lúa gạo và các loại thủy sản khác. Chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông - thủy sản chủ lực của tỉnh trên thị trường.
Mặt khác, tăng cường mời gọi đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến gạo xuất khẩu chất lượng cao, có quy mô lớn tại các huyện như: Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Phước Long, Hòa Bình và TX. Giá Rai theo quy mô khép kín từ đầu tư cho sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản, xuất khẩu. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng quy trình, kỹ thuật sản xuất mới nhằm nâng cao giá trị, tạo ra khả năng cạnh tranh cao, nhất là các mặt hàng thế mạnh như: đa dạng hóa các sản phẩm muối chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; phát triển và xây dựng vùng rau sạch gắn với chế biến, đóng gói đưa vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm trong và ngoài tỉnh…
TẠO “CÚ HÍCH” CHO CÁC LÀNG NGHỀ
Xuất phát từ sản xuất nông nghiệp nên Bạc Liêu có nhiều làng nghề truyền thống và các làng nghề này đã tham gia giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng trăm lao động ở vùng nông thôn. Vì vậy, phát huy thế mạnh và góp phần tạo “cú hích” gắn với bảo tồn giá trị văn hóa, kinh tế cho các làng nghề phù hợp với hội nhập kinh tế, Bạc Liêu sẽ đẩy mạnh phát triển và tổ chức sắp xếp lại các ngành nghề sản xuất TTCN, ngành nghề truyền thống theo hướng chú trọng chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hóa, nhất là các mặt hàng truyền thống.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ nghiên cứu thị trường để phát triển ngành nghề mới phù hợp với lao động và nguồn nguyên liệu tại chỗ. Từng bước tổ chức đưa làng nghề vào các tua, tuyến du lịch của tỉnh gắn với tích cực thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP. Tổ chức hội chợ, triển lãm sản phẩm và không ngừng tìm kiếm thị trường, tạo đầu ra cho các sản phẩm TTCN và làng nghề.
Cùng với đó là tăng cường các hoạt động khuyến công, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp - TTCN đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm như: sản xuất nhôm, gỗ, nhựa gia dụng, bao bì, ngư lưới cụ, bánh kẹo, mì, hủ tiếu, bún, các loại nước chấm, rau củ muối... Từng bước đưa hoạt động sản xuất TTCN vào nền nếp, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Hỗ trợ phát triển các làng nghề đã được khôi phục, công nhận và phát triển thêm một số làng nghề truyền thống…
Với những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trên sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh vốn có của tỉnh.
Bài và ảnh: TRẦN TRUNG
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh
- Khởi động Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải
- Tỷ phú nuôi nghêu - Huỳnh Mừng Em: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024